Mưa lũ đột ngột chuyển biến xấu, chúng lại tiếp tục tấn công miền Tây Trung Quốc. Đồng thời Trung Quốc cũng tiết lộ "thủ phạm" khiến lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng
Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc đã nâng cảnh báo mưa lũ lên cấp 3 ở một số tỉnh miền Tây nước này, sau khi diễn biến thời tiết đột ngột chuyển biến xấu, theo Tân Hoa Xã.
Tình hình mưa lũ ở Trung Quốc đột ngột chuyển biến xấu ở khu vực phía Tây (ảnh: Xinhua)
Theo dự báo, những trận mưa cực lớn sẽ trút xuống các khu vực thuộc địa bàn các tỉnh thành Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc, Liêu Ninh, Vân Nam, Quảng Tây và Tứ Xuyên thuộc phía Tây Trung Quốc.
Một số nơi có khả năng xuất hiện lượng mưa trên 70 mm/giờ, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh nguy hiểm.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã ban hành cảnh báo màu cam về lũ lụt ở các địa bàn thuộc Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc.
Chính quyền các địa phương trên đã khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với lũ lụt, lở đất và lũ bùn. Những hoạt động ngoài trời ở khu vực dễ xảy ra thiên tai bị cấm hoàn toàn cho tới khi có thông báo mới.
Ở Tứ Xuyên, mưa lũ đã khiến hơn 60.000 người dân ở Tứ Xuyên phải sơ tán. 31 con sông trên địa bàn tỉnh này vượt mức cảnh báo lũ.
Từ đầu tháng 6, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc đã xảy ra ở các tỉnh phía Nam, khiến hơn 219 người thiệt mạng, 31 triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế lên tới 25,78 tỷ USD.
Mưa lũ năm nay gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc (ảnh: Xinhua)
Trong lịch sử Trung Quốc, lũ lụt luôn là loại thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng nhất.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt tồi tệ ở Trung Quốc, trong đó phải kể đến các yếu tố như khí hậu, địa hình và sự phân bố dân cư, theo CGTN.
1. Khí hậu
Trung Quốc có 5 vùng khí hậu. Hầu hết khu vực phía Đông và phía Nam nước này nằm trong khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới gió mùa. Điều này khiến khí hậu ở các vùng này trở nên nóng ẩm, gây ra mưa lớn thường xuyên kéo dài từ tháng 5 – 9, tăng khả năng xuất hiện lũ lớn.
Năm nay, lượng mưa ở khu vực phía Đông Nam Trung Quốc đã cao hơn đáng kể so với những năm trước. Ở lưu vực sông Dương Tử, lượng mưa trung bình năm nay cao nhất trong vòng 60 năm, khiến lũ lụt trở nên tồi tệ.
2. Địa hình
Địa hình Trung Quốc hình thành từ các cao nguyên, đồng bằng, bồn địa, đồi núi. Địa hình Trung Quốc cao ở phía Tây và thấp hơn ở phía Đông, giống như một cầu thang 3 bậc.
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc năm 2012, khoảng 738.000 m2 đất, bao gồm hầu hết các khu vực phía Nam và phía Đông của Trung Quốc đều thấp hơn mực lũ của các con sông chảy qua vùng đồng bằng. Trong mùa lũ, những khu vực này rất dễ bị ngập lụt.
Các khu đô thị ở Trung Quốc xây lấn ra sát bờ sông Dương Tử, tiềm ẩn nhiều nguy cơ (ảnh: CGTN)
3. Sự phân bố dân cư
Nếu vẽ một đường thẳng từ thành phố Hà Bắc, Hắc Long Giang đến thành phố Đằng Xung, Vân Nam, ta sẽ dễ thấy một đường gọi là “Đường Hồ” xuất hiện trên bản đồ. “Đường Hồ” này bao gồm các sông, hồ lớn nhỏ liên tiếp nhau.
Trung Quốc có lịch sử nông nghiệp hàng nghìn năm. Từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Việc sống sát các sông hồ lớn đảm bảo mùa màng bội thu khi có nguồn nước dồi dào và đất đai màu mỡ. Vì vậy, ở Trung Quốc, những tỉnh thành có sông, hồ lớn lớn luôn thu hút nhiều người tới định cư.
Các thành phố với dân số hơn 10 triệu người, bao gồm Thượng Hải, Trùng Khánh và Quảng Châu, đều nằm ở phía Đông của “Đường Hồ”. Đây là nơi sinh sống của hàng chục triệu người và có ý nghĩa kinh tế lớn.
Tuy nhiên, việc xây dựng sát bờ sông khiến diện tích đầm nước ven sông bị mất đi, nước lũ vì vậy chảy xiết hơn, dễ tràn vào các khu đô thị và gây thiệt hại nghiêm trọng.
VietBF@ sưu tầm.