Lần đầu tiên tôi tới biển Quy Nhơn, nghe nói là đẹp lắm. Đi dọc bãi biển cứ tưởng nhầm, tưởng lạc đường vào một bãi rác nào. Suốt một dải bờ cát toàn rác là rác.
Phải hỏi lại mấy cô lễ tân khách sạn xem có đúng đây là bãi để tắm không, thì các cô khẳng định đúng là "bãi của chúng em". Đành liều lội qua đám rác ra sát mép nước, cả một khoảng nước vẩn đục vì rác lâu ngày đã mục nát, rác nổi lềnh bềnh toàn túi nilon, vỏ hộp... trông chẳng khác gì mấy cái hồ ô nhiễm ở Hà Nội. Đi bộ một quãng xa mới được một chỗ tương đối quang rác để có thể lội xuống biển. Trên bờ vẫn đông người chơi bóng đá, trông ai cũng lấm lem như vầy trong đống bùn. Thế là mấy ngày sau, đành phải đi tới các bãi xa để tắm, tránh rác.
Tôi thất vọng quá, chưa thấy bãi biển nào lắm rác đến như vậy. Mấy người bán hàng ven biển thì bảo chắc là do ảnh hưởng của vụ tràn dầu vừa qua. Dầu chỉ là một phần, nhưng còn rác thì nếu dọn hàng ngày thì đâu đến nỗi mất mỹ quan đến như thế.
Khi đến một nơi nào đó, ấn tượng của ta, cảm tình của ta với nơi đó có thể đến từ những việc rất nhỏ. Sự nhiệt tình, tốt bụng của một người khi chỉ đường cho ta, một món ăn ngon, một góc quán cà phê thật đẹp, những hàng cây xanh mướt trên con phố yên bình, hay đơn giản chỉ là ban công nhà ai đó có mấy chậu hoa rực rỡ... Những chi tiết nhỏ nhặt đó có sức quyến rũ, níu kéo ghê gớm. Nó khiến người ta phải nhớ, phải nghĩ về nó và mong được trở lại.
Thế mới thấy, rác, tưởng là chuyện nhỏ nhưng nó ảnh hưởng ghê gớm đến hình ảnh một thành phố. Chẳng ai muốn đến, muốn trở lại một nơi nhiều rác đến như vậy. Vì nó không chỉ là chuyện vệ sinh môi trường nữa mà còn cho thấy ý thức của người dân nơi đó. Họ chẳng yêu thành phố của mình, đua nhau vứt rác, chẳng buồn dọn, cứ để dồn hết ra bãi biển, nơi nghỉ ngơi, vui chơi, điểm đến của thành phố mình.
Hy vọng cảnh tượng không đẹp mắt này chỉ là nhất thời, chứ nếu cứ để thế này thì khác nào giết chết một bãi biển đẹp, một thành phố du lịch hiền hoà.
Minh Anh