Hết pin nhanh, máy chạy chậm, tốc độ phản hồi ứng dụng lâu hơn bình thường, lưu lượng di động (3/4G) hao hụt nhanh hoặc máy nóng lên bất thường là những dấu hiệu cho thấy điện thoại thông minh của bạn đã bị nhiễm mã độc.
Trong thời đại công nghệ số, thiết bị di động có thể bị nhiễm mã độc rất khó lường và theo nhiều cách khác nhau. Hậu quả của điều này cũng rất nặng nề, bao gồm cả việc bị lộ thông tin cá nhân, mất tiền trong tài khoản.
Một số dấu hiệu nhận diện điện thoại thông minh có thể đã bị nhiễm mã độc như thiết bị chạy chậm, tốc độ phản hồi ứng dụng lâu hơn bình thường, nhanh hết pin dù không mở nhiều ứng dụng, lưu lượng di động (3/4G) hao hụt nhanh hoặc máy nóng lên bất thường.
Nhiễm mã độc có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với chủ nhân điện thoại di động. Ảnh minh hoạ: Linkedin
Hết pin: Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất khi thiết bị nhiễm mã độc. Nếu thời lượng pin giảm đột ngột và điện thoại của bạn hết pin nhanh hơn nhiều so với bình thường, đó có thể là dấu hiệu cho thấy một ứng dụng độc hại đang chạy ẩn, sử dụng hết tài nguyên hệ thống.
Ứng dụng bật lên không mong muốn: Nếu bạn thấy quảng cáo hoặc tin nhắn bật lên trên màn hình điện thoại của mình, ngay cả khi bạn không sử dụng bất kỳ ứng dụng nào hoặc duyệt internet, thì đó có thể là dấu hiệu của việc nhiễm mã độc.
Ứng dụng đáng ngờ trên điện thoại: Kiểm tra danh sách ứng dụng đã cài đặt trên điện thoại của bạn. Nếu thấy bất kỳ ứng dụng nào mà bạn không nhớ đã tải xuống hoặc bạn không nhận ra thì hãy gỡ cài đặt ứng dụng đó ngay lập tức.
Máy chạy chậm: Nếu điện thoại của bạn chạy chậm hơn bình thường, bị treo hoặc thường xuyên bị treo, đó có thể là dấu hiệu của việc nhiễm mã độc. Phần mềm độc hại có thể làm chậm hiệu suất điện thoại của bạn bằng cách sử dụng hết tài nguyên hệ thống hoặc khởi chạy nhiều ứng dụng trong máy.
Ngoài ra, lưu lượng di động (3/4G) hao hụt nhanh hoặc máy nóng lên bất thường cũng là dấu hiệu cho thấy điện thoại của bạn dính mã độc.
Linkedin dẫn khuyến cáo của các chuyên gia nhấn mạnh để hạn chế thiết bị nhiễm mã độc, người dùng chỉ nên cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần thường xuyên cập nhật hệ điều hành của thiết bị để luôn nhận được các bản vá bảo mật mới nhất.
Khi nghi ngờ điện thoại dính mã độc, người dùng cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để tạm khóa các dịch vụ cho đến khi xác định được thiết bị đã an toàn.
VietBF@sưu tập