3 môn võ công nào trong Kim Dung tuy bất bại nhưng vẫn có điểm yếu? Đó là Kim cương bất hoại thể thần công, Thiên trường địa cửu bất lão trường xuân công và Cửu dương thần công. Dù vậy, môn thần công này vẫn có điểm yếu nhất định.
Kim cương bất hoại thể thần công
Kim cương bất hoại thể thần công là một trong năm đại thần công của phái Thiếu Lâm. Môn võ công này được nhắc đến trong các truyện Thiên long bát bộ, Ỷ thiên đồ long ký và Lộc đỉnh ký.
Không Kiến Thần Tăng.
Trong Thiên long bát bộ và Lộc đỉnh ký, Kim cương bất hoại thể thần công được các nhân vật nhắc đến như là một môn võ công thượng thừa tuyệt luân, kinh hãi thế tục, chỉ có trong truyền thuyết chưa một ai có thể luyện thành. Người ta đồn rằng người nào luyện thành Kim cương bất hoại thể thần công thì thân thể sẽ cứng như tường đồng vách sắt, có thể chống lại mọi tác động đến từ nội ngoại công của đối phương, khiến cơ thể đao thương bất nhập, không ai đả thương được mình.
Trong Ỷ thiên đồ long ký, Kim cương bất hoại thể thần công được nhắc đến qua lời kể của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, lúc Tạ Tốn dùng Thất thương quyền đánh vào người Không Kiến Thần Tăng (cũng là người duy nhất luyện thành Kim cương bất hoại thể thần công trong tất cả các bộ truyện của Kim Dung). Không Kiến Thần Tăng là Phương trượng chùa Thiếu Lâm, đứng đầu tứ đại Thần Tăng, sau khi Thành Côn bái ông làm thầy, ông đã đứng ra hóa giải thù hận của y với Tạ Tốn, ông cam chịu 13 quyền Thất thương của Tạ Tốn mà không đáp trả. Tuy nhiên, do Không Kiến Thần Tăng sơ ý không đề phòng nên viên tịch, cái chết của ông là hối hận lớn nhất đời Tạ Tốn.
Điểm yếu của Kim cương bất hoại thể thần công là nếu chưa đại thành có nhược điểm là mỗi lần vận thần công thì không được mở miệng nói chuyện, nếu không sẽ không có tác dụng.
Thiên trường địa cửu bất lão trường xuân công
Trong Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung, võ công của phái Tiêu Dao được mô tả cực kỳ lợi hại, những người có cơ duyên học được đều trở thành cao thủ hàng đầu của truyện.
Tiêu Dao là một môn phái đặc biệt trong truyện Kim Dung.
Hầu hết các môn võ này được cho là do Tiêu Dao Tử (Tổ sư sáng lập phái Tiêu Dao) sáng tạo ra. Bao gồm các tuyệt kỹ như Bắc minh thần công, Thiên sơn chiết mai thủ, Thiên sơn lục dương chưởng, Lăng ba vi bộ, Tiểu vô tướng công, Thiên trường địa cửu bất lão trường xuân công (Bát hoang lục hợp duy ngã độc tôn công). Trong đó, Thiên trường địa cửu bất lão trường xuân công (Bát hoang lục hợp duy ngã độc tôn công) được xem là một môn võ công vô cùng kỳ lạ không chỉ trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ mà trong cả tất cả các tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung, bởi người luyện công phu này có thể cải lão hoàn đồng, làm cho cơ thể trẻ lại còn nội công thì tăng tiến.
Trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, ngoài nhân vật huyền thoại Tổ sư phái Tiêu Dao, chỉ duy nhất một người có được khả năng mãi mãi giữ được vẻ ngoài thanh xuân, đó chính là Thiên Sơn Đồng Lão.
Thiên Sơn Đồng Lão bị kẻ thù truy sát trong lúc tạm thời mất hết võ công.
Người luyện võ công này mỗi 30 năm phải tiến hành cải lão một lần, mỗi lần lại mất thêm 30 ngày. Sau khi trùng sinh thì công lực tăng lên vượt bậc, giúp người luyện sống thọ hơn 300 tuổi, trẻ mãi không già.
Tuy nhiên, yếu điểm của môn võ công này là trong thời gian tiến hành cải lão cơ thể sẽ tạm thời mất hết võ công, mỗi ngày đều phải uống máu tươi để điều hòa kinh mạch. Chính vì điểm yếu này mà khi Thiên Sơn Đồng Lão tiến hành cải lão đã bị 36 động chủ và 72 đảo chủ bắt giữ may mắn là bà đã được Hư Trúc cứu. Cũng trong thời gian này Lý Thu Thủy đã nhân cơ hội tìm tới Thiên Sơn Đồng Lão trả thù. Mặc dù chưa luyện thành thần công, cơ thể lại mang thương tích, nhưng Thiên Sơn Đồng Lão vẫn đánh ngang ngửa với Lý Thu Thủy. Cuối cùng, cả hai đánh nhau đến suy cạn nội lực và vong mạng, sau khi Đồng Lão qua đời môn võ công này cũng thất truyền.
Cửu dương thần công
Cửu dương chân kinh hay Cửu dương thần công là bí kíp võ thuật chỉ dẫn cách luyện nội công xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký. Có nhiều người học được Cửu dương thần công, nhưng chỉ có Giác Viễn và sau này là Trương Vô Kỵ học được toàn vẹn nguyên bản.
Giác Viễn là một người mê đọc sách, khi gác Tàng Kinh Các của Thiếu lâm đã đọc hết các sách và vô tình đọc cả bộ kinh Lăng Già. Vì đọc nhiều lần nên vô tình Giác Viễn đã rèn luyện Cửu dương thần công và có trong mình nội công hùng hậu Cửu dương thần công mà không hề hay biết.
Giác Viễn thiền sư trong phim Ỷ thiên đồ long ký (2009).
Còn Trương Vô Kỵ khi bị kẻ thù truy đuổi trên núi tuyết Côn Luân (Côn Lôn) đã vô tình lạc vào thung lũng nơi ở của con vượn già có chứa Cửu dương thần công trong bụng. Ở đó, Vô Kỵ đã mổ bụng cứu con vượn già và đã học được toàn bộ nội công Cửu dương thần công trong bộ sách này.
Đối với bí kíp Cửu dương thần công, Vô Kỵ sau khi luyện xong đã chôn bộ kinh trong hẻm núi và sau đó không ai còn nghe về hành trình của bộ sách này.
Tuy nhiên, Cửu dương thần công vẫn có điểm yếu chí mạng mà không nhiều người nhận ra. Về cơ bản, Cửu dương thần công hầu như không có chiêu thức thuần túy võ học, chỉ tập trung vào tu luyện nội công. Khi luyện đến những tầng cao, người luyện phải chịu cảnh toàn thân bị thiêu đốt mà nếu không có sức mạnh áp chế thì chỉ còn đường chết.
Mấu chốt trong việc tu luyện là luôn giữ tâm tịnh, kiên nhẫn cao độ và khả năng chịu đựng bền bỉ. Nếu như chỉ cần phân tâm, lơi là ý thức trong giây lát có thể sẽ bị tẩu hỏa nhập ma nội lực trong thân thiêu đốt mà chết. Chính vì vậy chỉ có Giác Viễn và Trương Vô Kỵ là những người có tâm thanh tịnh không có tạp niệm mới có thể luyện được trọn vẹn môn thần công này.
VietBF@ sưu tập