Câu chuyện nuôi hươu đến giờ vẫn lưu truyền về một “đại gia” ở xã Diễn Hải, Nghệ An, đó là từ ngày có hươu, gia đình này còn ban theo lệnh cấm những người ngoài tò mò đến xem.
Giấc mộng “đại gia”
Những năm 90, trên thị trường xuất hiện nhiều lời đồn đoán về giá trị của lộc nhung được cắt ra từ sừng của con hươu. Thời điểm đó, người ta cho rằng, lộc nhung hươu có thể chữa trị được nhiều loại bệnh, nam-phụ-lão-ấu ai dùng lộc nhung cũng tốt. Người có bệnh thì dùng chữa bệnh, không bệnh thì giúp bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật. Dùng nhung hươu sẽ có nước da láng mịn, mái tóc mượt mà, đàn bà sung mãn, đàn ông thăng hoa. Các chứng bệnh như vô sinh, lao phổ, viêm gan, xơ gan… cũng bị dược tính của lộc nhung đẩy lùi mà dứt tiệt.
Thậm chí, người ta còn đồ rằng, người già mới được sử dụng lộc nhung vì còn trẻ mà dùng sẽ béo nứt cả người do quá bổ.
Chẳng hiểu thực hư những giá trị thực của nhung hươu đến mức nào nhưng trong ký ức của nhiều “đại gia” vùng quê, mỗi khi nhắc lại vẫn còn thấm đẫm nước mắt mắt vì vô tình ném tiền qua cửa sổ.
Giấc mộng "đổi đời" từ hươu khiến nhiều "đại gia" vùng quê không tiếc tiền đầu tư
Làng biển xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An nổi tiếng với những bãi ngang, bờ cát trắng, phi lao và nghề bám biển, đầu những năm 90, những người thuộc diện có “máu mặt” ở đây đã có thêm nghề mới: Nuôi hươu.
Thời điểm đó, một con hươu có giá ít nhất cũng 50-60 triệu đồng, dù đắt đỏ nhưng nghe đến món hời lộc nhung đem lại, nhiều “đại gia” ở vùng quê này cũng không ngại ngần đầu tư. Bởi theo tính toán một cách đơn thuần của họ, nếu một cặp nhung hươu bán ra thị trường cũng ngót nghét chục triệu đồng. Trong một năm, với 2 đợt cắt nhung, số vốn thu về cũng đã được 1/3 giá trị ban đầu.
Con hươu là động vật dễ tính nhất và nó không ngốn thức ăn nhiều như trâu, bò nên ai cũng có thể chiều được. Với phương pháp chăn nuôi đơn giản như hái lá cây như: lá mít, lá núc nác, lá sung…hươu lại ít đổ bệnh nên nhiều người càng tin rằng, con hươu sẽ là “cần câu” để gia đình họ phất lên nhanh chóng.
Gia đình ông Ngô Đức Thái, trước đây cũng từng là “đại gia” có máu mặt trong kinh doanh. Đầu những năm 90, thấy phong trào nuôi hươu nở rộ, gia đình ông cùng với một số anh em cũng đánh liều gom tiền mua hẳn 5 con hươu, cộng thêm đầu tư chuồng trại hơn chục triệu, tính ra gia đình ông bỏ hơn 250 triệu đồng để đầu tư nuôi “mộng”.
Ông bảo, số tiền ấy nếu so với thời điểm bây giờ cũng ngót nghét tiền tỷ, ở vùng nông thôn, ông là người dám “liều” khi bỏ từng đó tiền ra đầu tư.
Cũng như ông, nhiều người trong vùng như ông Thực, ông Thung… cũng không tiếc tiền của, công sức mua hươu về chăm nuôi.
Theo tính toán của nhiều người, thời điểm ấy, chỉ cần sau mấy năm là có thể thu hồi vốn nhờ bán lộc nhung hươu.
Thủa ấy, những gia đình nào có hươu thì được người làng nhìn bằng ánh mắt thèm thuồng với câu cửa miệng được ví von: “Gia đình ấy giàu nứt đố đổ vách”. Sự ví von ấy là có cơ sở, vì tính ra, một con hươu giá trị được tương ứng bằng 2 ngôi nhà ba gian bằng lim mít. Hươu chết thì cả nhà cũng sạt nghiệp theo. Chính vì vậy, nhiều gia đình thức trắng đêm, lăn bệnh ốm cũng vì thấy hươu bỏ ăn.
Câu chuyện nuôi hươu đến giờ người ta vẫn lưu truyền về một “đại gia” ở xã Diễn Hải, đó là từ ngày có hươu, gia đình người này còn ban theo lệnh cấm những người ngoài tò mò đến xem. Theo họ, hươu cũng giống con người, nếu bị “quở”, “mắc hơi người” nhiều quá sẽ mắc bệnh, thành thử, nhiều người chưa biết mặt mũi con hươu ra sao chỉ còn nước đứng từ xa để… ngó.
Cũng còn có câu chuyện khác bên ấm nước chè, là khi hươu bỏ ăn, “đại gia” này suốt ngày đứng bên cạnh chuồng hươu chăm sóc, đi mời bác sĩ về chữa trị. Thậm chí, đêm xuống, mặc cho muỗi chích đốt, gia chủ vẫn ôm chăn ra chuồng hươu ngủ để theo dõi.
Và còn rất nhiều câu chuyện rỉ tai nhau mà đến giờ, mỗi khi nhắc lại, nhiều “đại gia” nuôi hươu chỉ biết cười trừ, xem đó như một hoài niệm đáng quên.
Sạt nghiệp vì lời đồn
Trong khi giá trị hươu bị đẩy lên mức chóng mặt, người dân các vùng núi đổ xô vào rừng bẫy hươu đem bán, nhiều người đổ xô nuôi hươu khiến phong trào nuôi hươu giữa thời điểm giữa những năm 90 bùng phát. Bỗng một ngày nhiều người đón nhận “hung tin” khi giá trị con hươu không bằng con chó…béc giê.
Ấy là khi người ta phao tin đồn rằng, lộc nhung hươu trôi nổi trên thị trường có thể làm giả được, và nhung hươu không có khả năng chữa bệnh như lời đồn khiến con hươu đang có giá từ 50-60 triệu đồng rớt xuống còn khoảng 500.000 đồng/ con. Thời điểm đó, hươu đem bán cũng không ai thèm mua.
Sự xuất hiện lời đồn về nhung hươu có thể làm giả khiến giá hươu rớt thảm hại. Ảnh minh họa
Nhiều “đại gia” vỡ mộng, gia đình tan nát vì bao nhiều tiền của đầu tư tan biến như bọt nước. Để trút giận, nhiều người còn kêu gọi anh em đến làm thịt hươu.
Con hươu một thời được xem như “vật báu”, là tài sản để lấy thước đo giá trị kinh tế của từng gia đình chỉ trong khoảng thời gian ngắn được nhiều người đem ra so sánh với…con chó béc giê.
Ông Thái từng nói rằng, lúc đó chỉ muốn thịt hươu cho hả giận vì toàn bộ tiền của gia đình, công sức đầu tư phút chốc trắng tay. Trong cuộc suy thoái của giá hươu, gia đình ông cũng làm thịt 2 con, 3 con còn lại được bán cho lái buôn chỉ hơn 1 triệu đồng. Tính ra, sau 2 đợt thu hoạch nhung hươu, gia đình ông và những người thân đã lỗ hơn 200 triệu đồng, một số tiền được xem là quá lớn đối với những người nông dân ở vùng biển.
Cùng chung cảnh ngộ như ông, cũng có nhiều gia đình nuôi hươu ở xã Diễn Hải và các huyện lân cận như Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Yên Thành….gia chủ đã phải cắn răng, nuốt hận vì cú đầu tư mất nhiều hơn được này.
Ông H., giờ mỗi khi nhắc lại chuyện mộng làm giàu từ hươu, giọng rít qua kẽ răng: Khi nhung hươu đang có giá thì xuất hiện trên thị trường tin đồn, kẻ gian tạo hình lộc nhung bằng cách nhét tiết lợn cùng xương thỏ băm nhỏ vào da chó, da dê con rồi dùng một loại keo đặc biệt dán chặt, bôi thêm phẩm đỏ hoặc phẩm có màu nâu nhạt để xóa vết dán để lừa người tiêu dùng. Chính vì chuyện này mà nhung hươu nhanh chóng bị mất giá trị.
Kỳ tới: Khi nhà nghèo muốn đổi vận nhờ…hươu
Hươu rớt giá, người dân trắng tay. 10 năm sau, người dân tiếp tục quay trở lại nuôi mộng làm giàu từ hươu, nhưng lần này, những người nông dân nghèo lại mong ước được “đổi đời”, và nhiều người phất lên nhưng cũng có những kẻ nuốt hận.
Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam