Vietbf.com - Chủ tịch Tập Cận Bình phát ngôn trước ba quân "Trung Quốc không có ý đồ xâm lược và bành trướng nhưng tin tưởng đủ sức đánh thắng mọi hình thức xâm lăng, chia cắt đất nước". Bắc Kinh "không bao giờ ngậm đắng nuốt cay hy sinh chủ quyền lãnh thổ, an ninh và phát triển".
Ông Tập Cận Bình duyệt binh ở căn cứ Chu Nhật Hòa, khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc ngày 30/7 (Ảnh: Xinhua)
Phát biểu hôm 30/7 tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa ở Nội Mông Cổ trong lễ diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân (PLA), ông Tập Cận Bình tuyên bố quân đội Trung Quốc tự tin đánh bại "bất kỳ lực lượng xâm lược nào để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển".
"PLA phải tập trung vào công tác chuẩn bị cho chiến tranh và xây dựng lực lượng tinh nhuệ, hùng mạnh để luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, có năng lực chiến đấu, và bảo đảm chiến thắng," ông Tập - lần đầu tiên mặc quân phục trong một cuộc diễu binh - nói trước 12.000 binh sĩ.
Chủ tịch Trung Quốc đưa ra tuyên bố tương tự trong lễ kỷ niệm chính thức ngày thành lập PLA, tổ chức ngày hôm nay (1/8) tại Bắc Kinh: "Chúng ta không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức hay đảng chính trị nào, vào bất kỳ thời điểm nào hay bằng bất kỳ cách thức nào, được chia tách dù chỉ một phần lãnh thổ của Trung Quốc".
Tuyên bố của ông Tập không "điểm danh" bất kỳ đối thủ nào của Trung Quốc, nhưng đã gây phản ứng lớn trong dư luận Ấn Độ bởi được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung-Ấn, bắt đầu từ khi các binh sĩ Ấn Độ ngăn cản PLA xây dựng một con đường trên cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang) - khu vực ngã ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan - hồi giữa tháng 6.
Tờ India Today chất vấn "Có phải Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa gọi Ấn Độ là kẻ thù xâm lược?"
Tuy vậy, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết "hoạt động tập luyện chuẩn bị cho diễu binh được tiến hành dưới các điều kiện thực tế" và "không có liên quan đến tình hình xung quanh".
Hồi tháng 6, tướng Bipin Rawat đã tuyên bố quân đội Ấn Độ "sẵn sàng chiến tranh trên 2.5 mặt trận", ám chỉ New Delhi sẽ đối đầu Trung Quốc, Pakistan lẫn rắc rối trong nước.
Quân đội Trung Quốc tổ chức diễu binh ở căn cứ Chu Nhật Hòa hôm 30/7 (Ảnh: Xinhua)
Theo India Today, phát ngôn cứng rắn của ông Tập trên thực tế đã cho thấy sự lo lắng của Bắc Kinh trong vụ giằng co với Ấn Độ ở Doklam.
Tờ này cho rằng, đang có sức ép lớn trong nước khiến ban lãnh đạo Trung Quốc không thể ra lệnh cho PLA rút quân trước khi Ấn Độ làm điều tương tự, và ông Tập không muốn thể hiện dấu hiệu mềm yếu nào trước kỳ Đại hội toàn quốc khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức vào mùa thu năm nay.
Hiện lực lượng của Ấn Độ và Trung Quốc đang canh giữ trên các cứ điểm cách nhau khoảng 150m ở cao nguyên Doklam. India Today cho hay, khoảng hơn 3.000 binh sĩ mỗi bên đang tham gia vào cuộc giằng co này.
Mặc dù chưa có tiếng súng nào nổ lên - điều đã được duy trì trong nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh đang cho thấy sức ép ở tất cả các cấp độ chính quyền và yêu cầu New Delhi rút quân trước như một điều kiện tiên quyết để đàm phán.
Phát biểu của ông Tập Cận Bình được phía Ấn Độ cho là cấp tỏ thái độ cao nhất của Trung Quốc trong vấn đề biên giới.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói "các quan chức Ấn Độ thừa nhận binh sĩ vượt biên", và yêu cầu New Delhi rút quân trước. Bộ ngoại giao Trung Quốc lên tiếng gần như hàng ngày, từ vụ xô xát xảy ra giữa quân đội hai nước hồi tháng 6, để gây sức ép với Ấn Độ.
Theo lập trường của chính phủ Ấn Độ, cao nguyên Doklam là lãnh thổ của Bhutan, và do có thỏa thuận an ninh với Thimpu nên Ấn Độ có trách nhiệm ủng hộ Bhutan trước Trung Quốc. Còn Bắc Kinh tố cáo các binh sĩ Ấn Độ "vượt biên, xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc".