- Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có nổ ra hay không quyết định cuối cùng là do Kim Jong-un, đồng thời cũng nói thẳng rằng quan niệm của dân chúng Triều Tiên sau 1 thời gian dài được "giáo dục" khác với quan niệm của "chúng ta", tức người Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/4 đăng tải bài phân tích của Trương Liễn Khôi, giáo sư trường đảng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Bắc Kinh về vấn đề Bắc Triều Tiên, trong đó nhận định, 80% khả năng sẽ nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là "thiếu kinh nghiệm" và có thể dẫn tới phán đoán sai lầm
Trương Liễn Khôi cho rằng sử dụng vũ lực "thống nhất Triều Tiên" là mục tiêu đã định của Bình Nhưỡng, theo dõi những động thái căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên thời gian vừa qua, ông Khôi cho rằng có đến 70 - 80% khả năng sẽ nổ ra chiến tranh.
Ông Khôi cho rằng 3 thế hệ gia đình Kim Jong-un, mỗi thế hệ giữ 1 "sứ mệnh lịch sử". Ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã thực hiện xong nhiệm vụ "lập quốc", cha ông Kim Jong-un, cố Chủ tịch Kim Jong-un đã phát triển sức mạnh quân sự và "sứ mệnh lịch sử" đặt lên vai Kim Jong-un, theo viên học giả này là "thống nhất Triều Tiên".
Chứng minh cho nhận định này, Trương Liễn Khôi viện dẫn lịch sử. Tháng 7/1972 Triều Tiên đề ra 3 nguyên tắc: hòa bình, thống nhất và đoàn kết dân tộc trong tuyên bố chung Nam - Bắc Triều Tiên, nhưng từ tháng 7/2009 trở đi Bình Nhưỡng đã bỏ 3 nguyên tắc này mà xác định "thống nhất Triều Tiên bằng vũ lực".
Trước đó 2 tháng, Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần 2 và tuyên bố Triều Tiên là quốc gia hạt nhân. Từ đó trở đi Bình Nhưỡng cho rằng mình đã đủ năng lực quân sự để tiến hành một cuộc chiến tranh thống nhất bán đảo và điệp khúc "thống nhất bằng vũ lực" những ngày qua lại rộ lên chưa từng thấy.
Để thực hiện mục tiêu "thống nhất bằng vũ lực", Triều Tiên không ngừng thúc đẩy chương trình hạt nhân. Sau vụ thử hạt nhân lần 3, Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn thành việc thu nhỏ vũ khí hạt nhân và mục tiêu chiến lược tiếp theo là thúc đẩy thống nhất đất nước. Tiếp sau đó là 1 loạt động thái bãi bỏ hiệp định đình chiến Liên Triều, chuyển trạng thái chiến tranh, phê chuẩn kế hoạch tác chiến.
Cuối năm ngoái, Kim Jong-un quyết định thay thế Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang nhân dân Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng hiện tại xuất thân từ Tư lệnh quân đoàn 4 áp sát vĩ tuyến 38, một khi nổ ra chiến tranh, quân đoàn 4 sẽ phụ trách chiếm lĩnh thủ đô Seoul.
Trương Liễn Khôi cho rằng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có nổ ra hay không quyết định cuối cùng là do Kim Jong-un, đồng thời cũng nói thẳng rằng quan niệm của dân chúng Triều Tiên sau 1 thời gian dài được "giáo dục" khác với quan niệm của "chúng ta", tức người Trung Quốc.
Ông Khôi cho rằng dân Triều Tiên từ nhỏ đã được dạy rằng Triều Tiên là một trong những cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, từng chiến thắng Nhật Bản và Mỹ. Trong khi đó Kim Jong-un lại chưa từng trải qua chiến tranh nên rất dễ cho rằng Triều Tiên là cường quốc quân sự.
Cách đây không lâu một chuyên gia quân sự Triều Tiên thuộc đại học Quân sự tổng hợp Kim Nhật Thành khi trả lời phỏng vấn đã nói Triều Tiên đánh bại Mỹ "dễ như trở bàn tay". Điều này theo Trương Liễn Khôi thật nực cười, nhưng đó đúng là những suy nghĩ và và nhận định của người Triều Tiên.
Vị giáo sư này cho rằng việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên phán đoán thực lực quân sự của mình một cách cảm tính rất nguy hiểm. Việc phán đoán tương quan lực lượng sai lầm sẽ dễ thúc đẩy họ đưa ra các quyết định mạo hiểm.
Với việc Bình Nhưỡng cho công bố đoạn video giả tưởng tiến hành chiến tranh thống nhất Triều Tiên trong 3 ngày và bắt 150 ngàn tù binh Mỹ trong khi tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao Động Triều Tiên cho rằng nước này là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể đối đầu với Mỹ thì việc Kim Jong-un có đưa ra quyết định chiến tranh cũng không có gì lạ.
theo gd