Cuộc chiến giữa hà mã nóng tính và tê giác ở tự nhiên rất ít khi xảy ra. Nhưng con hà mã này đã lao vào cắn chết cả tê giác. Có vẻ như con tê giác lúc đầu không hề biết sự có mặt của hà mã.
Theo Daily Star, đoạn video bắt đầu bằng hình ảnh một con tê giác hiền lành đang mải mê uống nước. Con hà mã bất ngờ xuất hiện với tư thế đối mặt tê giác.
Hà mã dường như không hài lòng về sự xuất hiện của tê giác ở nơi có nguồn nước trong mát nên nó há to mồm và cất tiếng dọa kẻ thù.
Nhưng con tê giác dường như không quá quan tâm đến hành động cứng rắn và tiếp tục uống nước.
Bực tức vốn thái độ bình thản của đối phương, hà mã lao tới và dùng hàm răng cắn phập vào người tê giác ở dưới nước. Con tê giác không kịp chống trả, mất thăng bằng và ngã lăn xuống nước.
Hà mã tiến tới gây hấn với con tê giác đang mải mê uống nước.
Đoạn video kết thúc với hình ảnh hà mã tiếp tục cắn xé tê giác mà nạn nhân không hề cử động. Video được một khách du lịch quay tại khu vực Klein Karoo ở Nam Phi.
Tê giác thường sử dụng chiếc sừng sắc nhọn để chống trả kẻ thù. Nhưng con tê giác trong video đã bị cắt bỏ sừng để tránh bị những kẻ săn trộm chú ý.
“Chúng tôi có mặt ở một con đập và nhìn thấy tê giác cố gắng tìm kiếm nước uống trong mùa khô. Con đập khá khô hạn nhưng vẫn còn lại chút nước. Đó có thể là lý do khiến hà mã nổi giận và quyết định tấn công”, khách du lịch Stanley Robertson nói.
“Những con hà mã thường tỏ ra cực kỳ hung hãn để bảo vệ lãnh thổ và con hà mã xuất hiện trong đoạn video không phải ngoại lệ. Tê giác không hề có cơ hội sống sót trước đòn tấn công của hà mã”, Robertson cho biết.
Đòn tấn công chí mạng khiến tê giác nằm im chịu trận.
“Có lẽ hàng triệu năm nữa tôi cũng không có cơ hội chứng kiến điều gì tương tự. Thật khó khăn khi chỉ đứng xem và không can thiệp. Nhưng đó là sự khắc nghiệt của môi trường tự nhiên”.
Hà mã là một trong những loài động vật nguy hiểm nhất ở châu Phi. Chúng liên quan đến 500 vụ sát hại con người mỗi năm và dễ dàng tấn công một người trưởng thành nhờ kích thước đồ sộ.
Trong khi đó, những con tê giác trưởng thành lại là mục tiêu săn bắt ráo riết của con người để lấy sừng. Ước tính có 1.338 con tê giác bị giết hại ở Nam Phi, tăng 300% so với năm 2010.