Các chuyên gia cho rằng việc tháo gỡ Apple Watch Ultra có thể sẽ làm hư thiết bị và mất tính năng chống nước.Công ty sửa chữa thiết bị điện tử iFixit vừa đăng tải video “mổ bụng” chiếc Apple Watch Ultra, cho thấy nhiều rủi ro hư hỏng của chiếc smartwatch được hãng công nghệ quảng cáo rầm rộ này. Các linh kiện bên trong thiết bị được Apple thay đổi thiết kế, khiến quá trình tháo gỡ trở nên khó khăn hơn, dễ làm hư hỏng các bộ phận.
Cụ thể, chiếc smartwatch này có phần rìa hướng ra ngoài giúp bảo vệ màn hình chỉ hoạt động hiệu quả khi thiết bị bị va đập ở các phần bên. Vì thế, bất cứ tác động theo hướng thẳng đứng lên màn hình đều có thể làm hỏng chiếc Apple Watch Ultra.
Bên cạnh đó, nếu muốn tháo phần pin của chiếc đồng hồ, người dùng cần phải tháo cả màn hình ra thay chỉ gỡ phần mặt lưng phía sau như trước đây. Điều này gây khó khăn trong quá trình sửa chữa hoặc thay thế linh kiện vì rất dễ làm hỏng màn hình OLED nếu liên tục tháo ra, lắp vào.Theo iFixit, khi gỡ phần mặt lưng làm từ gốm của chiếc smartwatch, phần đệm cao su bên trong giúp nước không lọt vào thiết bị đã bị hỏng. Quy trình thay thế phần đệm này không hề đơn giản. Người dùng cần phải nhờ đến các chuyên gia hoặc cực kỳ cẩn trọng vì có thể làm ảnh hưởng đến khả năng chống nước WR100 của chiếc đồng hồ.
Trước đó, các sản phẩm Apple khác cũng khiến người dùng đau đầu mỗi khi cần sửa chữa hay thay thế linh kiện vì thế Apple Watch Ultra cũng không phải ngoại lệ. Nhưng khi hàn nối mặt lưng chiếc smartwatch bằng ốc vít thông thường, người dùng có thể tháo gỡ thiết bị này dễ dàng hơn so với các thế hệ trước, The Verge nhận định.
Ngoài ra, cây bút Derek Wise của 9to5mac cũng thử “mổ bụng” chiếc smartwatch này và khuyến cáo người dùng không nên làm điều tương tự vì rất dễ làm hỏng thiết bị. Chuyên gia phát hiện Apple Watch Ultra sử dụng con ốc 5 điểm tương tự MacBook, nhưng con ốc này không quá phổ biến.
Tương tự iFixit, để gỡ toàn bộ 4 phần ốc vít ở mặt lưng này, tác giả Derek Wise cũng phải tháo phần đệm cao su xung quanh khung thiết bị. Sau đó, ông dùng một chiếc nhíp và miếng đệm cực mỏng để tách phần mặt lưng gốm ra khỏi viền titan của thiết bị.
Theo Derek Wise, toàn bộ phần linh kiện bên trong đều được gắn rất kỹ nên rất có thể tính năng chống nước đã bị hỏng trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, phần keo giúp cố định mặt lưng với phần thân máy và các bộ phận như cảm biến sức khỏe, pin… cũng rất dễ hỏng khi gỡ thiết bị.Điều đáng nói là sau khi gỡ mặt lưng thành công, tác giả không thể kết nối thiết bị với điện thoại như bình thường. Rất có thể trong lúc thực hiện, ông đã gỡ nhầm tấm kim loại giúp kết nối màn hình với thiết bị.
Không chỉ gặp khó khăn trong quá trình tháo gỡ, việc lắp lại thiết bị như ban đầu cũng không hề dễ dàng. Derek Wise khá chật vật trong bước gắn lại mảng keo cố định. Phần cao su giúp chống nước cũng bị lệch và không còn chắc chắn như trước. Điều này sẽ khiến chuẩn chống nước của thiết bị trở nên vô dụng, ông chia sẻ.
Những thí nghiệm này đã cho thấy Apple Watch Ultra rất khó để tháo gỡ. Nếu gặp hư hỏng, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên đến các cửa hàng sửa chữa chính thức của Apple. Tuy nhiên, không chỉ có giá ngang với một chiếc iPhone 14 cơ bản, chi phí sửa chữa của thiết bị này cũng rất đắt đỏ.
Cụ thể, trên website của mình, Táo khuyết cho biết nếu người dùng làm vỡ màn hình, nút bấm, cảm biến hoặc các bộ phận khác trong quá trình sử dụng, họ sẽ phải trả chi phí sửa chữa 499 USD, cao hơn 200 USD so với mức giá các mẫu Watch thường.
|