Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng chị Bùi Thị Chắt ở số nhà 338 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội vẫn mang nặng nỗi đau đớn khôn cùng, khi hằng ngày phải bón từng miếng cơm cho những đứa con bất hạnh đang ở tuổi 30.
"Tuổi xuân em phơi phới"
Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta hòng ngăn chặn việc ký kết hiệp định Paris, yêu cầu mở rộng con đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam, phối hợp với chiến trường miền Bắc đánh tan Mỹ - Ngụy ngày càng trở nên bức thiết. Chị Bùi Thị Chắt lên đường nhập ngũ vào mùa xuân năm 1973 và trực tiếp đi vào tuyến lửa Quảng Bình - Quảng Trị, rồi mở tuyến đường lưu thông sang nước bạn Lào.
Chị nhớ ngày đấy, giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, gặp mùa khô hanh heo mà nhìn thấy nước hay thấy những cơn mưa phùn là mừng lắm, chị em đua nhau rửa mặt rồi ra suối tắm rửa, thậm chí gặp được suối nước trong còn múc uống nữa. Khi ấy chưa ai biết đến chất độc da cam, cũng không biết những làn nước như sương mù hay mưa phùn giữa mùa hanh heo ấy lại là thứ chất độc hủy diệt đến bao thế hệ sau này. Chiến tranh khốc liệt là vậy, nhưng cũng chính nơi đấy đã ươm mầm cho biết bao sự sống, và vun đắp nên tình yêu đôi lứa.
Chị gặp anh cũng trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Anh là bộ đội của Quân đoàn Thủ Đô, là lính lái xe chở hàng vào chiến trường nên hàng ngày anh phải đi qua tuyến đường mà chị làm. Chỉ một lần được ngồi nói chuyện, nhận nhau là đồng hương rồi cũng mỗi người một nơi, chị không biết nhiều về anh, chỉ nhớ anh là Trần Văn Lực, người huyện Thanh Oai, còn chị ở huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ).
Chị Bùi Thị Chắt cùng người con bất hạnh đã 30 tuổi
Hình ảnh của anh cũng mờ dần theo những chuyến xe, lẫn vào khói bụi của tuyến đường. Chị nghĩ, có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa. Còn anh thì vẫn nuôi hy vọng, ngày thống nhất anh sẽ về quê tìm chị.
Cuối cùng thì ngày 30/4 đã đến. Chị ra quân, cùng chị em đồng đội lên Hòa Bình mở cửa hàng tạp hóa gần nhà máy thủy điện Hòa Bình. Còn anh, sau khi hòa bình lập lại cũng được điều về lái xe ở nhà máy thủy điện.
Đúng là duyên trời định sẵn. Anh chị gặp nhau trong bỡ ngỡ và ngập tràn hạnh phúc. Đám cưới đơn sơ, ấm áp được diễn ra cuối năm 1978 trong niềm vui khôn xiết của đồng đội. Niềm vui ấy càng được nhân lên gấp bội khi đứa con đầu lòng của anh chị chào đời, nhưng rồi nó cũng dần lụi tắt khi một, hai, ba rồi bốn đứa con của anh chị đẻ ra càng lớn càng ngơ ngác và mãi mãi chỉ như những đứa trẻ.
Người mẹ già và những mơ ước nhỏ nhoi
Ngày anh chị mới cưới rồi sinh con, đứa con đầu tiên chào đời với bao hy vọng. Nhìn con lành lặn như bao đứa trẻ khác anh chị đã rất vui mừng. Nhưng càng lớn con chị càng bộc lộ rõ dị tật bẩm sinh, suốt ngày cháu ngơ ngác và nhìn lâng lâng láo láo với cái đầu ngật ngưỡng.
Đứa thứ hai ra đời cũng không hơn gì anh nó, khi đó vợ chồng chị chỉ nghĩ, tại anh chị là người kinh lại lên sống cùng dân tộc Mường trên Hòa Bình, mà khi đó người ta lại hay nói đến bùa ngải nên anh chị cũng cứ nghĩ là do mình bị bỏ bùa gì đó mà con cái mới bị như vậy. Rồi khi anh được chuyển đơn vị về Hà Nội, chị vui mừng khôn tả, chị nghĩ giờ về dưới xuôi rồi thì chắc những đứa con sau này của chị sẽ không bị như anh chị nó nữa.
Thế nhưng, nghiệt ngã thay, hai người con sau của anh chị cũng bị những dị tật, đặc biệt là người con thứ ba. Hai cô con gái của chị xinh xắn và đáng yêu, nhưng hai cậu con trai thì biểu hiện rõ của sự thiểu năng trí tuệ. Khi những đứa con còn nhỏ, anh chị đã rất vất vả để chăm bẵm cho từng đứa, từ tắm rửa đến cơm nước. Năm 1996, chồng chị phát bệnh và được bác sĩ kết luận anh bị nhiễm chất độc da cam nặng và anh qua đời năm 2003.
Hai cô con gái cũng may mắn có được người yêu thương và lấy làm vợ, nhưng rồi cũng không được bao lâu, khi người ta biết gia đình chị bị nhiễm chất độc da cam và các cô con gái chị có những biểu hiện của di chứng, thì họ đã có những cái nhìn ác cảm và đôi lúc cũng có sự miệt thị, các chị đã phải ngậm ngùi đưa con về với mẹ đẻ.
Dù thương con, nhưng một mình thì không thể kham nổi, khi mà gia đình chị chỉ sống bằng quán nước chè nhỏ bé và những đồng trợ cấp ít ỏi. Mẹ con chị đang phải ở nhờ tầng trên nhà anh chồng nên việc nuôi dưỡng các cháu rất khó khăn. Chị đã phải gửi nhờ hai người con cho hai ông bác nuôi hộ. Còn chị, hằng ngày vẫn phải vật lộn với cậu con trai nặng hơn 60 cân để tắm rửa, cho cậu ăn và đêm đêm chị không khỏi giật mình bởi tiếng kêu ú ớ, tiếng nói lảm nhảm không rõ của con.
Hơn 30 năm trôi qua, chưa đêm nào chị được giấc ngủ yên, hết lo cho đứa này, chị lại lo cho đứa khác. Hết lo cho con lại lo cho cháu. Trong lòng chị luôn đau đáu một điều: Rồi mai đây những đứa con của chị sẽ ra sao khi chị không còn trên cõi đời? Chị không mong được như những người khác, chị chỉ mong sao chị có đủ sức khỏe để chăm sóc các con. Bởi với chị, những đứa con bất hạnh dù đã ngoài 30 tuổi hay xấp xỉ 30 vẫn mãi chỉ là những đứa trẻ, chúng luôn cần có chị chăm sóc, nâng đỡ.
Đã bao lần vào những ngày vui của các cháu thiếu nhi, chị đã khóc: Khóc vì thương con, khóc vì nỗi uất hận với kẻ thù đã cướp đi tất cả những gì chị yêu thương nhất, đã không cho con chị cũng như bao đứa trẻ cùng cảnh khác sinh ra mãi mãi là những đứa trẻ mà không một lần được rước đèn, phá cỗ.
Rời khỏi gác 3 của ngôi nhà 338 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội - lòng tôi không khỏi nặng trĩu một nỗi niềm: Sẽ còn biết bao nhiêu đứa trẻ như những đứa con chị Chắt? Sẽ còn biết bao gia đình phải ngậm ngùi lau đi những giọt nước mắt khi nhìn những đứa con mãi mãi chỉ là những đứa trẻ?
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng nó sẽ không bao giờ dứt đối với những gia đình thương binh, bệnh binh, với những gia đình của những người một thời đã phải đổ máu nơi chiến trường, giờ họ lại tiếp tục đổ mồ hôi, nước mắt cho những niềm hy vọng. Hy sinh lớn lao là thế, nhưng những người lính năm xưa ấy và những người con của họ nữa, vẫn còn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi mà hơn ai hết, họ cần được xã hội quan tâm, giúp đỡ.
Theo Tân Hải (Lao Động)