Kì thi đại học có lẽ là dấu mốc quan trọng nhất trong thời gian đi học của nhiều người bởi đó là kết quả của 12 năm học phổ thông và là bước đệm định hướng nghề nghiệp tương lai. Chính vì vậy, khoảng thời gian cuối cấp 3, ôn thi đại học đối với nhiều học sinh là lúc vất vả, căng thẳng nhất.
Vào ngày 25/11 vừa qua, MXH Trung Quốc đã chia sẻ một câu chuyện hết sức cảm động của một người bố nói về con gái của mình.
Câu chuyện được ghi nhận xảy ra tại TP. Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây. Theo đó, ông bố trong câu chuyện thức dậy lúc 1h đêm vì khát nước, khi đi ngang qua phòng của con gái, thấy phòng con vẫn sáng đèn, ông bố hé cửa vào xem có chuyện gì xảy ra.
Thì ra lúc này, cô bé vẫn đang miệt mài làm bài tập dù trạng thái cơ thể tỏ ra uể oải, mệt mỏi và 6 giờ sáng nữ sinh đã phải thức dậy để đến trường. Ông bố khuyên con gái nên nghỉ ngơi sớm và đừng cố gắng thức khuya nữa. Nhưng nữ sinh cho hay mình vẫn còn rất nhiều bài tập cần phải hoàn thành.
Lúc này, dường như mọi kìm nén và buồn bực vì việc học đã khiến cô bé bật khóc nức nở trước mặt bố mình.
Thấy con gái chăm chỉ vậy ông bố cảm thấy vừa hạnh phúc, vừa xót xa. Hạnh phúc vì thấy con mình biết cố gắng cho tương lai, xót xa vì con gái bé nhỏ của mình đã học nhiều đến mức tiều tụy, hốc hác, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chính vì vây, người bố trong câu chuyện sau đó đã không kiềm nổi nước mắt.
Sau khi câu chuyện được đăng tải đã thu hút rất nhiều sự đồng cảm đến từ phía các phụ huynh bởi vì họ thấy chính mình trong câu chuyện của ông bố. Có thể thấy rằng, tình trạng học tập quá độ, ôn thi quá sức đang diễn ra rất nhiều tại Trung Quốc.
"Hãy quan tâm đến con cái nhiều hơn. Nếu không thể giúp việc học thì chăm lo ăn uống và để cho con có tâm lý thoải mái!"
"Tôi thấy nên giảm tải bài tập cho các em. Học sinh bây giờ phải làm nhiều bài tập quá.!"
Theo thống kê, hầu hết trẻ em tại Trung Quốc không ngủ đủ giấc, dù tỷ lệ đã giảm phân nửa trong thời gian vừa qua khi chính phủ có những chính sách nhằm giảm thiểu việc học thêm, dạy thêm nhưng tình trạng này vẫn rất phổ biến, đặc biệt là ở lứa học sinh THCS và THPT.