Một quan chức Bắc Kinh phụ trách chính sách của Hồng Kông cho rằng "sự hỗn loạn" trong những năm gần đây cho thấy hệ thống bầu cử của thành phố này có "những thiếu sót rõ ràng".
Ngày hôm qua (12/3), một quan chức hàng đầu của Bắc Kinh cho biết Trung Quốc sẽ cải cách bầu cử ở Hồng Kông kết hợp cùng với việc ban hành luật an ninh mới. Đây được coi là "những cú đấm liên hoàn" để dập tắt tình trạng bất ổn ở thành phố này.
Thành phố Hồng Kông đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình lớn cùng một số vụ bạo loạn hồi năm 2019 để phản đối luật dẫn độ của Bắc Kinh. Kể từ đó tới nay, Trung Quốc đã bắt giữ nhiều người biểu tình và dập tắt phong trào biểu tình bằng các luật an ninh quốc gia.
Hôm thứ 11/3, quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu để áp dụng một số thay đổi sâu rộng đối với hệ thống bầu cử của Hồng Kông - bao gồm quyền phủ quyết các ứng cử viên.
Một quan chức Bắc Kinh phụ trách chính sách của Hồng Kông cho rằng "sự hỗn loạn" trong những năm gần đây cho thấy hệ thống bầu cử của thành phố này có "những sơ hở và thiếu sót rõ ràng".
Cùng với luật an ninh quốc gia, động thái của Trung Quốc đã thể hiện "những cú đấm liên hoàn để giám sát hiệu quả tình trạng hỗn loạn tại khu vực" - Zhang Xiaoming, quan chức thuộc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, cho biết.
Ông nói vấn đề của Hồng Kông là một vấn đề chính trị và là bằng chứng cho thấy các thế lực bên ngoài đang gây rối loạn ở trung tâm tài chính này.
Ông Zhang nói: "Đó là một cuộc cạnh tranh giữa việc nắm giữ quyền lực và chống lại sự chiếm đoạt quyền lực, lật đổ và chống lật đổ, xâm nhập và chống lại sự xâm nhập."
"Chúng tôi sẽ không nhượng bộ vấn đề này."
Tại đại hội thường niên vào năm ngoái, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua luật an ninh quốc gia và kể từ đó hàng chục nhà vận động Hồng Kông đã bị truy tố hoặc bắt giữ.
Những thay đổi đối với Hồng Kông được thông qua trong năm nay vẫn chưa được công bố rõ ràng - nhưng có khả năng sẽ bao gồm việc xem xét quan điểm chính trị của các ứng cử viên trong cơ quan lập pháp của Hồng Kông và giảm số lượng ghế được bầu trực tiếp.
Ủy ban Bầu cử của Hồng Kông - nơi chọn ra lãnh đạo của thành phố - sẽ tăng từ 1.200 lên 1.500 đại biểu.
Zhang nói: "Chính xác mà nói, đây giống như một cuộc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có đặc điểm là vết thương nhỏ, thâm nhập sâu, phục hồi sau phẫu thuật nhanh hơn".
Sau khi đề xuất cải cách được thông qua, các đại diện từ Mỹ và Liên minh châu Âu EU đã lên tiếng chỉ trích gay gắt.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng động thái này là "một cuộc tấn công trực tiếp vào quyền tự trị đã cam kết đối với người dân Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung-Anh trước khi bàn giao lãnh thổ vào năm 1997".
Ông Blinken cũng thúc giục Hồng Kông tiến hành cuộc bầu cử vào tháng 9 dù Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã ám chỉ kì bầu cử sẽ tiếp tục bị trì hoãn một lần nữa.
EU cho biết quyết định này sẽ có "tác động đáng kể đến sự dân chủ ở Hồng Kông."
VietBF @ Sưu tầm