Hiện nay không khó để tìm được một sinh viên lái ô tô đến trường. Nếu ai đó vẫn nghĩ, lái ô tô đi học là một việc quá xa xỉ, hay chỉ để "ra oai", thì có lẽ điều đó hơi khắt khe.
Mỗi ngày, ở các cổng một số trường đại học, vẫn có bóng dáng những sinh viên lái "xế hộp" vào ra. Ở các bãi đỗ xe, thỉnh thoảng vẫn dễ dàng bắt gặp những người trẻ tuổi bước xuống xe đầy tự tin, đĩnh đạc. Ở các trung tâm đào tạo lái xe, có khá đông sinh viên đang theo học bằng lái B2 (xe dưới 9 chỗ), mặc dù trong số đó có nhiều bạn chưa hề có xe.
Khi được hỏi, hầu hết sinh viên ở đây đều nói rằng: "Có bằng lái ô tô giờ là dấu cộng cho CV xin việc." hay "nhà có xe, đủ tuổi thì hoàn toàn có thể học lái, tại sao không?
Học lái xe từ năm 16 tuổi ở nước ngoài, tính đến nay Hương (SN 1993, sinh viên ĐH RMIT) đã có 4 năm kinh nghiệm lái "xế hộp". Về Việt Nam học đại học, nhà của cô khá xa trường nên được bố mẹ mua cho xe riêng để đến trường an toàn và thuận tiện.
"Mình vốn là người khá nóng vội, sau khi học lái xe, mình trở nên điềm đạm hơn vì việc học lái, cũng như lái xe trên đường đòi hỏi phải bình tĩnh, từ tốn. Ở trường mình, có rất nhiều bạn lái ô tô đi học, mình cũng nghe nhiều người nói rằng đang là sinh viên mà lái ô tô đi học thì có "sang chảnh" quá không? Nhưng mình nghĩ ô tô cũng chỉ là một phương tiện đi lại, phương tiện đó phù hợp với điều kiện sống cũng như thuận tiện cho ai thì người đó sử dụng thôi. Không nên nặng nề chuyện phương tiện đi lại. Hơn nữa, mình cũng thấy sinh viên lái xe đi học thường là những bạn được bố mẹ tin tưởng mới giao xe cho, họ cũng là những sinh viên năng động, đĩnh đạc lắm. Mình cũng thấy bây giờ nhiều bạn chưa có xe nhưng cũng đi học lái sớm, vì sau này đi làm, đó cũng là một phần mà các công ty, nhà tuyển dụng nhìn vào đánh giá chí tiến thủ của bạn".
Thu Hương cùng với "xế hộp" của mình.
Hoài Anh Mango, vừa tốt nghiệp học viện thời trang London ở Việt Nam cũng đã làm quen với việc lái xe đến trường từ cách đây 3 năm, khi cô bạn đang là sinh viên và vừa có bằng lái. Nhà xa trường, có một người bạn của Hoài Anh có xe cũ với giá rẻ muốn nhượng lại, bố mẹ cô đã quyết định mua tặng để con gái đi học an toàn, thuận tiện hơn. Hơn nữa, cô bạn cũng hoàn toàn có quyền có thể tự hào khi sau một thời gian, đã có thể tiết kiệm đủ từ tiền để dành và công việc làm thêm để trả bố tiền mua xe.
"Mình có bằng lái cách đây 3 năm khi mình 20 tuổi tức là đã đủ tuổi rùi. Khi đi học thì do trường khá xa nên trong trường cũng khá nhiều bạn đi ô tô, đi taxi hoặc được bố mẹ đưa đón bằng ô tô. Nhà mình khá xa trường thêm vào đó là việc tắc đường vào giờ cao điểm nên mình thường mất khoảng 45 phút buổi sáng để đến trường và khoảng hơn 1 tiếng vào giờ tan tầm chiều để về nhà. Việc đi lại bằng xe máy khiến mình bị quá mệt vì chịu nắng nóng, khói bụi lại hay bị va quệt do đường đông nên ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập.
Mình không hề đòi hỏi được mua ô tô nhưng có 1 người bạn để lại chiếc xe cũ với giá rẻ nên bố quyết định mua tặng mình. Mình đã hứa sẽ hoàn lại tiền xe bằng tiền đi làm thêm và tiền tiết kiệm từ bé, cách đây 1 năm mình đã đủ tiền trả bố nhưng bố chỉ cảm ơn và gửi vào sổ tiết kiệm cho mình, bố bảo coi như bố tặng con gái làm vốn khi mới ra trường".
Hoài Anh với chiếc xe của mình.
Với họ, ô tô là phương tiện đi lại, không phải là phương tiện "ra oai"
Hoài Anh chia sẻ: "Với mình, ô tô chỉ là phương tiện để đi lại chứ không phải để thể hiện, hay dùng nó để đánh giá về con người. Nếu bạn nào để ý mạng xã hội của mình 1 chút thì sẽ thấy mình vẫn là 1 sinh viên theo đúng nghĩa: vẫn tham gia mở gian hàng bánh chính tay mình làm bán tại hội chợ sinh viên, nhận làm bánh handmade order qua mạng, đi làm thêm, tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện, v.v.... và giờ khi đã ra trường mình vẫn tự đi xin việc rồi chăm chỉ đi làm công sở như bao bạn sinh viên khác".
Cũng như Hoài Anh, việc lái ô tô đến trường không hề được các bạn lấy làm "oai" như người khác nhìn vào vẫn nghĩ, Aiden St.319 (Học viện Ngoại Giao) chia sẻ:"Bố mẹ muốn mình đi lại an toàn, tiện lợi nên cho phép mình đi ô tô. Mình cũng như một số bạn bè của mình, sử dụng ô tô không nhằm và không muốn để nhiều người biết đâu. Cảm giác được lái ô tô khi còn trẻ thích lắm, chủ động hơn trong cuộc sống. Nhiều người nói rằng đi ô tô sẽ khiến chỉ số tự tin tăng hoặc năng động hơn, nhưng mình không nghĩ vậy, ô tô cũng chỉ một phương tiện đi lại thôi".
Hoài Anh Mango cũng nói rõ hơn quan điểm về việc lái xe: "Cuộc sống còn nhiều thứ khó hơn là điều khiển xe ô tô khi đã đủ tuổi chứ. Vậy nên mình nghĩ nếu môi trường, hoàn cảnh và điều kiện cho phép thì việc đi ô tô khi đã đủ tuổi không có gì sai cả".
Đối với, Duy Anh (ĐH Luật) thì lái tô tô cũng là cách để bạn nhìn nhận lại việc... đi xe máy của mình. "Mình học lái sớm, có bằng rồi nên thỉnh thoảng mượn xe của bố mẹ đi học, đi chơi. Khi ở trong ô tô mới biết, giao thông bên ngoài xe khá ....hỗn loạn, đặc biệt từ phía người đi xe máy. Ví dụ, việc người đi xe máy tạt đầu xe ô tô ở Việt Nam... là chuyện thường xuyên. Ngày trước, mình đi xe máy cũng thường tạt đầu xe ô tô vì nghĩ còn khoảng trống, tạt qua chẳng sao, nhưng thực ra đó là hành vi xấu, bởi rất dễ gây ra tai nạn vì khi đang lái xe thì từ sau một xe máy tạt lên trước một cách bất ngờ. Vì thế, sau này khi đi xe máy mình đi từ tốn, tuân thủ đúng làn đường, quy định hẳn".
Học lái xe dù chưa có xe, tại sao không?
Không phải là con trai của một gia đình có điều kiện, nhưng nói về việc đi học lái khi chưa có xe, Tuấn Dũng (SN 1994, SV Học viện Ngân hàng) nói: "Sau khi đỗ ĐH, bố mình nhắc đi học lấy bằng lái luôn, dù có thể phải sau khi tốt nghiệp ĐH 3-5 năm hoặc phải lâu hơn nữa mình mới mua được xe. Ngoài việc, sau này có bằng sớm là một yếu tố để "làm đẹp" hồ sơ xin việc thì hiện tại, mình có thể lái ô tô hợp pháp, mình có thể làm việc part-time bằng việc lái xe thuê, khi có việc gì đột xuất, cần đến ô tô là sẵn sàng lái được. Đâu cần chờ có xe rồi mới học lái khi mà xã hội ngày càng hiện đại và văn minh?"
Hiện nay rất nhiều sinh viên thay vì mua một chiếc xe tay ga đẹp thì xin bố mẹ mua xe ô tô của các hãng bình dân hoặc xe cũ để đi lại: "Thay vì một chiếc xe tay ga đẹp, mình đã vay anh chị, bố mẹ một khoản tiền cộng thêm với tiền tiết kiệm để mua một chiếc xế hộp bình dân gần 300 triệu. Dù sao đi xe ô tô vẫn tốt hơn là đi xe máy, vì tránh được bụi, mưa gió, bây giờ rất nhiều bạn bè của mình không mua xe máy mà mua ô tô giá rẻ đấy! Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, ô tô dần dần sẽ trở thành phương tiện đi lại thuận tiện, an toàn hơn hết. Nếu ai đó cũng không quan trọng kiểu dáng, hình thức xe như mình thì mình nghĩ nên dành dụm tiền mua một chiếc "xế hộp" vừa phải như mình để đi lại thì hơn" - (Quỳnh Chi, ĐH Quốc Gia) nói.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đang theo học ở các lớp đào tạo lái xe cho biết, việc học lái ở Việt Nam với chi phi từ 6-10 triệu đồng như hiện nay được xem là giá rẻ so với học lái xe ở nước ngoài . Nhiều sinh viên có ý định du học, ngoài việc trau dồi vốn ngoại ngữ thì cũng "khôn ngoan" học lái xe ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với chi phí học ở nước ngoài. Trung bình chi phí học lái xe ở Đức xếp xỉ 1400 Euro (hơn 30 triệu đồng), 1300 Euro ở Pháp, ở Úc hết 2000 đô Úc...so với số tiền phải đóng khi học bài bản ở Việt Nam chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng thì sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ.
Hiện nay, có các địa điểm cho thuê xe ô tô tự lái với mức giá dao động từ 400 - 800K/ngày (tùy hãng, dòng xe). Nếu có bằng lái, bạn hoàn toàn có thể thuê ô tô để đi lại cho những việc cần thiết . Nếu đi theo nhóm, có thể thuê xe 7 chỗ với giá 800k, tiền đổ xăng tầm 250-300k, tính ra mỗi người trong nhóm chỉ mất 200-250k cho một ngày đi mà thôi.
Đằng sau tay lái
"Trước khi học lái, mình vẫn thường nghe nói học ô tô không khó. Nhưng đi học rồi mới biết, lái ô tô cũng khá phức tạp. Đã thế học ở trung tâm đông người theo học, cơ hội thực hành không nhiều. Khi lấy được bằng rồi, mình vẫn chưa tự tin lái xe xuống đường" - tâm sự của Thủy Anh (ĐH Ngoại Thương) cũng là tâm sự chung của nhiều sinh viên sau khi học lái.
Theo Nguyên Anh (ĐH Ngoại Thương) nói: "Khi bắt học lái, mình chưa cảm nhận bánh xe trước, nên xoay vô lăng liên tục rồi leo lên vỉa hè, tường chắn. Rồi lúc cho xe dừng lại thay vì giậm côn, trả số về không và tắt máy thì lại chỉ giậm phanh, không trả số nên lúc thả phanh, chiếc xe chồm lên làm người lái hoảng hồn. Thực sự học lái xe đòi hỏi sự bình tĩnh, khi lái xe thật trên đường, nếu không bình tĩnh sẽ rất dễ gặp tai nạn. Khi không bình tĩnh, mình sẽ rất dễ nhầm nhầm lẫn giữa côn, ga và phanh, khiến suýt lần xảy ra tai nạn trên đường đi học".
Như bất kỳ kỹ năng nào, lái xe cần phải luyện tập thường xuyên. Những gia đình đã có xe, hoặc những sinh viên đã có sẵn kế hoạch với "xế hộp" trước khi học thì không lo ngại, còn những ai chưa có xe, sẽ rất dễ rơi vào nguy cơ "quên lái" chỉ sau 2-3 tháng không tập luyện. Chính vì vậy, trước khi học lái, bạn cần có một kế hoạch cụ thể cho việc lấy bằng lái ô tô sớm của mình. Bởi không phải đã học lái xong xuôi, lấy bằng ở trung tâm là sau đó bất cứ lúc nào bạn cũng lái xe "băng băng" trên đường hay xử lý các tình huống bất ngờ thành thục.
Bên cạnh đó, có một thực tế là học viên nữ lại thường đỗ cao hơn học viên nam. Khi học lái xe thì nữ giới học rất chậm, không nhanh nhạy như nam giới nhưng chính vì học chậm nên học kỹ. Nhiều học viên nam chủ quan, học nhanh nên khi thi thật lại không đạt yêu cầu, không lấy được bằng lái, phải đóng học phí học lại từ đầu nếu muốn lấy bằng.
Theo TTVN