Nguyên nhân của các vụ tai nạn khinh khí cầu này vẫn còn gây tranh cãi giữa các nhà khoa học...
Trong thế kỷ XX, khinh khí cầu từng được coi là những cỗ máy khổng lồ, một biểu tượng "thống trị" bầu trời. Chúng không chỉ được sử dụng để đi du lịch mà còn phục vụ cho những chiến dịch trong quân đội.
Tuy nhiên, lịch sử cũng ghi nhận rất nhiều tai nạn khinh khí cầu. Cùng điểm lại những tai nạn khinh khí cầu thảm khốc nhất trong lịch sử dưới đây.
1. Schutte-Lanz SL6 (Đức) năm 1915
SL6 là thế hệ khinh khí cầu đầu tiên của công ty Schutte-Lanz được sản xuất với đặc điểm hoàn toàn mới. Nó được làm bằng gỗ và ván ép thay vì các hợp kim - điều này khiến SL6 trở nên vô cùng nhẹ và có thể di chuyển ở tốc độ tương đối cao.
Đây được coi là một bước đột phá trong thời điểm bấy giờ. Điều đáng tiếc là trong chuyến cất cánh vào ngày 10/11/1915, một vụ nổ không rõ nguyên nhân đã phá hủy hoàn toàn khinh khí cầu này. Do được cấu tạo toàn bằng gỗ, ngọn lửa tạo ra đã giết chết 20 người trên tàu.
2. Zeppelin LZ 104 (Đức) năm 1918
Khí cầu Zeppelin LZ 104 hay "tàu châu Phi" hoạt động trong Hải quân Đức với nhiệm vụ tái cung cấp các đơn vị đồn trú của Đức ở Đông Phi năm 1917. Đây là một chiếc khinh khí cầu với những cải tiến rất lớn so với các loại khác.
Zeppelin LZ 104 có thể vận hành liên tục trong 64 giờ mà không cần phải nạp nhiên liệu - một kỷ lục vào thời điểm đó. Tuy nhiên, vào ngày 07/04/1918, LZ 104 đã được phái đến Malta để tấn công các căn cứ hải quân Anh ở đó.
Chính tại nơi đây, một tai nạn hi hữu đã xảy ra: LZ 104 cùng với 21 người trong phi hành đoàn đã bị nhấn chìm xuống đáy đại dương bởi chính những người anh em của mình là một tàu ngầm khác của Đức đang theo dõi máy bay trên không.
3. Dixmude (Pháp) năm 1923
Dixmude được sản xuất bởi nước Đức, nhưng sau đó đã được trao cho người Pháp như là một phần bồi thường chiến phí của bên thua trận. Đây cũng là chiếc phi thuyền đầu tiên đạt được thời gian bay dài kỷ lục 118 giờ.
Cuộc hành trình cuối cùng của Dixmude bắt đầu sớm ngày 21/12/1923 trong một chuyến bay thử nghiệm giữa Sicily và Tunisia. Khí cầu gặp phải một cơn bão, bị sét đánh trúng, nó nổ tung. Theo các nguồn tin, 48 người đàn ông trên tàu đã thiệt mạng.
4. R101 (Anh) năm 1930
Chiếc khinh khí cầu khổng lồ này được xây dựng với hy vọng rằng nó sẽ di chuyển trên những tuyến đường dài ở khắp Đế quốc Anh thời bấy giờ, bao gồm cả các chuyến bay đến Canada và Ấn Độ.
R101 chỉ thực hiện một chuyến bay duy nhất ở nước ngoài - và cũng là chuyến bay cuối cùng của nó. Vào ngày 04/10/1930, trong thời tiết ẩm ướt, nhiều gió, khi đang bay đến Pháp thì đột nhiên R101 bị mất độ cao không rõ nguyên nhân và buộc phải hạ cánh.
Thật không may chính việc hạ cánh bắt buộc này lại vô tình làm nổ buồng chứa khí và làm nó bốc cháy. Có khoảng 48 người đã thiệt mạng trong nổ khinh khí cầu này.
5. USS Akron (Mỹ) năm 1933
Thảm họa khí cầu lớn nhất cho đến nay xảy ra khi USS Akron bị rơi vào ngày 4/4/1933 ở ngoài khơi bờ biển New Jersey. Là khí cầu to nhất của Hải quân Hoa Kỳ, cho đến ngày nay, Akron cùng với Hindenburg giữ kỷ lục là khinh khí cầu chứa lượng heli lớn nhất. Nó có thể lưu trữ 20.000 gallon xăng dầu (hơn 75.700 lít xăng), bay tới 16.000km.
Akron gặp nạn vào một ngày thời tiết vô cùng xấu, khi gió quá mạnh đã thổi gãy cáp bánh lái và đẩy khí cầu xuống Đại Tây Dương - nơi nó bị vỡ thành nhiều mảnh, làm thiệt mạng 73 người.
Không những thế, khinh khí cầu được cử tới để tìm những người sống sót cũng gặp nạn và gây ra cái chết của thêm 2 người nữa.
6. Hindenburg (Đức) năm 1937
Hindenburg là một kỳ công của ngành du lịch hàng không bởi sự thoải mái và nhanh chóng của nó. Đó là phi thuyền đầu tiên thường xuyên thực hiện các chuyến bay thương mại giữa Mỹ và châu Âu.
Ngày 06/05/1937, khi Hindenburg đang chuẩn bị tiếp cận sân bay Naval Air Station ở New Jersey thì đột nhiên bị nổ và bốc cháy. Không lâu sau đó, chiếc phi thuyền dần chìm vào biển lửa, phần đuôi rơi xuống đất và mũi phát nổ.
Nguyên nhân chính xác của vụ nổ vẫn chưa được xác định nhưng theo một vài nguồn tin thì đây được coi là một vụ tranh chấp giữa các công ty hàng không với nhau. Vụ tai nạn đã khiến 35 người thiệt mạng.
7. ZPG-3W (Mỹ) năm 1960
Với chiều dài khoảng 150m, ZPG-3W được coi là khinh khí cầu lớn nhất từng được tạo ra thời bấy giờ và nó phục vụ trong Hải quân Mỹ từ 1958 - 1960.
ZPG-3W được sử dụng chủ yếu như một phần của hệ thống cảnh báo sớm ở Bắc Mỹ trong nửa đầu Chiến tranh Lạnh, mục đích là để quan sát những vùng mà radar không thể xem được. Trớ trêu thay, vào ngày 06/07/1960, khi đang trong một sứ mệnh giải cứu một chiếc du thuyền mất tích ngoài khơi Long Island (New Jersey), ZPG-3W bị rơi và phát nổ.
Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được tranh cãi, nhưng có một điều rõ ràng là vụ tai nạn đã khiến 18 thủy thủ đã thiệt mạng. Điều này góp phần chấm dứt chương trình do thám bằng khinh khí cầu của Hải quân Mỹ.
theo Mask