Theo như mẫu tiêm kích F-55 của Mỹ có hai động cơ được cho là thuộc chương trình F/A-XX của hải quân nước này trong lúc Tổng thống Donald Trump mới đây thông báo Mỹ sẽ phát triển F-55. Mà hãng Lockheed Martin không đề cập tới tiêm kích hai động cơ F-55 mà ông Donald Trump nói tới.
"Chúng tôi đang thực hiện một bản nâng cấp đơn giản của tiêm kích F-35 và phát triển tiêm kích F-55", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 cho biết. "F-55 sẽ là bản nâng cấp đáng kể, tiêm kích có hai động cơ thay vì một như F-35. Tôi không thích máy bay một động cơ".
Khi được hỏi về thông tin này, hãng chế tạo F-35 là Lockheed Martin cho biết họ "cảm ơn Tổng thống Trump vì ủng hộ chương trình F-35 và F-22, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ để hiện thực hóa tầm nhìn về khả năng thống trị trên không". Lockheed Martin không đề cập tới tiêm kích hai động cơ F-55 mà ông Trump nói tới.
Thomas Newdick, biên tập viên chuyên trang quân sự Mỹ War Zone, nhận định tiêm kích F-55 khó lòng là biến thể F-35 hai động cơ, do điều này khiến máy bay nặng, đắt và khó bảo trì hơn. Ngoài ra, việc trang bị thêm động cơ cho F-35 sẽ khiến hãng sản xuất phải thiết kế lại toàn bộ khung thân tiêm kích và bổ sung thêm loạt hệ thống phụ trợ.

Mô phỏng chiến đấu cơ F/A-XX của hải quân Mỹ. Đồ họa: Boeing
Newdick cùng một số chuyên gia quân sự, trong đó có chuyên gia hàng không vũ trụ của Agency Partners là Nick Cunningham, nhận định chiến đấu cơ F-55 mà ông Trump đề cập có thể là sản phẩm của chương trình tiêm kích tàng hình thế hệ 6 F/A-XX của hải quân Mỹ, nhằm thay thế tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet trong biên chế.
Ông Trump hé lộ về tiêm kích F-55 sau khi có thông tin dự án F/A-XX, trị giá hàng trăm tỷ USD, có khả năng bị hoãn tới ba năm.
Ba tập đoàn Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman đều tham gia phát triển F/A-XX. Tuy nhiên, Lockheed Martin dường như bị loại khỏi chương trình vào tháng 3 "do đề xuất của công ty không đáp ứng yêu cầu của hải quân Mỹ", chuyên trang quân sự Breaking Defense dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề.
Một quan chức Mỹ ngày 13/5 cho biết tương lai chương trình F/A-XX của hải quân đang được Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và quốc hội Mỹ xem xét. "Không có gì bị trì hoãn", người này khẳng định. "Chính phủ chưa đưa ra quyết định nào. Lầu Năm Góc và các tư lệnh đang thảo luận với quốc hội, đây là một chương trình lớn và một cá nhân không thể đưa ra quyết dịnh".
Hải quân Mỹ dự tính dùng sản phẩm của chương trình F/A-XX thay cho tiêm kích F/A-18 và máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, sử dụng chung khung thân, vào những năm 2030.
Tài liệu được Văn phòng Tư lệnh Không quân Hải quân Mỹ công bố hồi tháng 3 cho biết "F/A-XX dự kiến có tầm hoạt động, tốc độ và hệ thống cảm biến vượt trội, tập trung vào tích hợp máy bay có người lái và không người lái (UAV), trong đó UAV đóng vai trò là lực lượng bổ sung đáng kể năng lực và phương tiện tác chiến điện tử".
"Hải quân Mỹ vẫn cam kết theo đuổi F/A-XX và công nhận tầm quan trọng của chương trình trong cấu trúc và thiết kế lực lượng trong tương lai", tài liệu có đoạn. "Hải quân Mỹ đang tiến hành các nỗ lực để cân bằng những khoản đầu tư ngắn hạn với chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo này".
Theo Reuters, tranh cãi về ngân sách giữa hải quân Mỹ và một số quan chức đe dọa làm chệch hướng mục tiêu biên chế F/A-XX vào những năm 2030, thậm chí khiến chương trình bị hủy bỏ.
"Trong khi hải quân muốn ký hợp đồng phát triển F/A-XX, một số quan chức Lầu Năm Góc đang tìm cách trì hoãn chương trình tới ba năm", Reuters đưa tin. "Việc trì hoãn trao như vậy sẽ khiến chương trình bị hủy theo định nghĩa hiện tại, do hợp đồng lẫn dự toán sẽ hết hạn sau thời gian này và dẫn tới cuộc đấu thầu mới".

Hình mô phỏng chiến đấu cơ F/A-XX của hải quân Mỹ. Đồ họa: Boeing
Tin tức về khả năng chương trình F/A-XX bị trì hoãn xuất hiện sau khi hải quân Mỹ tháng trước cho biết chiến đấu cơ này hiện mới chỉ bay xa hơn 25% so với các mẫu tiêm kích hạm hiện có. Thông tin này được coi là đáng ngạc nhiên, khi hải quân Mỹ nhiều lần tuyên bố ưu tiên mở rộng phạm vi tác chiến của tiêm kích hạm trong nhóm tác chiến tàu sân bay.
Các cuộc tranh luận về tương lai F/A-XX diễn ra trong lúc không quân Mỹ phát triển F-47, nằm trong khuôn khổ chương trình Làm chủ Bầu trời Thế hệ mới (NGAD). F-47 được cho là sẽ có bán kính chiến đấu hơn 1.800 km, cải tiến đáng kể so với các tiêm kích hiện có trong quân đội Mỹ.
Chương trình F/A-XX của hải quân Mỹ được giữ bí mật chặt chẽ hơn F-47 của không quân. Theo biên tập viên Howard Altman của War Zone, F/A-XX sẽ không chỉ đóng vai trò trung tâm trong tác chiến đường không chiến thuật của hải quân Mỹ mà còn đóng vai trò quan trọng cho tương lai của quân chủng này.
"Những thay đổi lớn với chương trình F/A-XX sẽ có tác động lớn hơn tới kế hoạch tác chiến đường không của hải quân Mỹ, trong đó có việc họ tiếp tục phải phụ thuộc vào phi đội F/A-18 và EA-18G đã cũ", Altman cho biết. "Cũng có khả năng nhiều nguồn lực sẽ được chuyển hướng sang tiêm kích F-35C".
Newdick nhận định khách hàng tiềm năng có thể nhìn nhận rất tích cực về lợi thế mà biến thể F-55 trên bộ mang lại. "Việc ông Trump nêu triển vọng về tiêm kích F-55 trong chuyến công du Vùng Vịnh có thể được tính toán để thu hút sự quan tâm từ các nước trong khu vực", Newdick cho biết.
Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đều liên quan đến thỏa thuận mua F-35 tiềm năng, do đó Mỹ có thể xem xét đưa F-55 vào chương trình mà họ có thể đầu tư. Qatar và Arab Saudi cũng từng đóng vai trò quan trọng trong chương trình F-15 Advanced Eagle, trong đó không quân Mỹ hưởng lợi từ các khoản đầu tư với biến thể F-15EX.