Trung Quốc đến nay được cho là kiểm soát thành công dịch bệnh. Tuy nhiên bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra sẽ tấn công vào cơ thể người bệnh mà không hề có bất cứ triệu chứng nào. Trung Quốc đừng vui mừng quá sớm.
"Như chim phượng hoàng, Vũ Hán trỗi dậy từ vòng phong tỏa của virus tối tăm giữa mùa xuân ấm áp", Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuần này đăng bài xã luận ca ngợi thành phố này "dần dần trở lại bình thường" sau 76 ngày "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Nhưng đằng sau vẻ hân hoan đó, người Trung Quốc vẫn luôn thấp thỏm "như đi trên lưỡi dao" về nguy cơ Covid-19 tái bùng phát và cơn ác mộng về phong tỏa cùng những con số kinh hoàng về người tử vong và các bi kịch sẽ lặp lại.
Phát biểu tại cuộc họp với các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi "những nỗ lực không ngừng nghỉ ngăn các ca ngoại nhập và ngăn dịch bùng phát trở lại trong nước".
Sau khi Vũ Hán dỡ phong tỏa ngày 8/4, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vẫn được áp dụng ở nhiều nơi trên cả nước, đáng chú ý nhất là thủ đô Bắc Kinh, nơi giao thông bị hạn chế và người nước ngoài cũng không được phép tự do di chuyển do lo ngại về các ca ngoại nhập.
Thành phố Tuy Phân Hà ở miền bắc đất nước, sát biên giới với Nga, xây bệnh viện dã chiến mới và yêu cầu người dân làm việc ở nhà, sau khi ca nhiễm tại nước láng giềng tăng đột biến. Tính đến 9/4, Tuy Phân Hà ghi nhận 123 ca ngoại nhập và 137 ca nhiễm không có triệu chứng.
Hồ Bắc sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó khẩn cấp ở mức cao nhất. Giới chức Hồ Bắc ngày 7/4 nói rằng "không phát hiện ca nhiễm mới không có nghĩa là không tồn tại rủi ro".
Các nhà ga toàn quốc đã tăng cường biện pháp khử trùng và kiểm tra khi hàng chục nghìn người rời Vũ Hán trong tuần này. Nhiều người đã mắc kẹt trong thành phố sau khi về thăm gia đình vào Tết Nguyên đán, giờ họ sẽ trở về nhà tại các vùng khác của Trung Quốc. Nhiều thành phố, bao gồm Quảng Châu và Thâm Quyến, yêu cầu người trở về từ Vũ Hán phải tự cách ly và thường xuyên xét nghiệm để đảm bảo họ không mang mầm bệnh.
Tại Vũ Hán, người dân phải làm xét nghiệm và được cấp mã QR thông qua ứng dụng của chính phủ. Chỉ những người có mã màu xanh, nghĩa là âm tính với nCoV và không có triệu chứng, mới được phép rời khỏi nhà.
Tại các doanh nghiệp, nhân viên được kiểm tra thân nhiệt khi ra vào cơ sở vì lo ngại một số người "khỏe mạnh" vẫn có thể lây lan virus. "Anh có biết có những người nhiễm không triệu chứng không? Anh nghĩ những biện pháp đó có thể giúp phát hiện ra họ không? Con virus này rất 'quỷ quyệt', chúng ta phải luôn cảnh giác cao độ", một chủ cửa hàng ở Vũ Hán nói.
So với châu Âu và Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á khác đã đi trước vài bước về phương diện ứng phó. Vì vậy, ánh mắt chú ý đang đổ dồn về khu vực này để xem liệu họ có thể gượng dậy thành công hay việc nới lỏng hạn chế sẽ dẫn đến làn sóng lây nhiễm mới.
Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo trong trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet tuần này. Họ nhấn mạnh biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại của Trung Quốc đã giúp giảm "số ca nhiễm mới xuống mức rất thấp". Tuy nhiên, nếu không có vaccine hoặc "miễn dịch cộng đồng", virus "có thể dễ dàng hồi sinh khi các doanh nghiệp, nhà máy và trường học dần hoạt động trở lại, công chúng tăng tiếp xúc xã hội và đặc biệt là rủi ro ngày càng tăng từ các ca ngoại nhập".
"Ngay cả tại các đô thị thịnh vượng nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải, nguồn lực y tế cũng hữu hạn và họ sẽ rất chật vật nếu số bệnh nhân gia tăng đột ngột", giáo sư Gabriel Leung từ Đại học Hong Kong nói.
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác ở châu Á cũng lo ngại về việc mất cảnh giác. Singapore ngày 9/4 báo cáo 287 ca nhiễm nCoV mới, mức tăng trong một ngày lớn nhất tại nước này. Chỉ có ba trường hợp là ngoại nhập, cho thấy Singapore đang hứng chịu đợt dịch mới do lây lan cộng đồng ở trong nước.
Đầu tuần này, Singapore cấm tụ tập đông người cho đến 4/5 để chặt đứt chuỗi lây nhiễm. Họ cũng ra luật mới để phạt nặng người vi phạm quy định cách ly hay "cách biệt cộng đồng".
Đặc khu Hong Kong cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến sau khi nới lỏng hạn chế, với nhiều ca ngoại nhập. Giới chức sau đó lại tăng cường kiểm soát và kêu gọi mọi người tuân thủ nghiêm "cách biệt cộng đồng".
"Có vẻ nhiều người đã quá chủ quan", Bernard Chan, quan chức cấp cao Hong Kong viết trong tuần này. "Giờ là thời điểm mọi người làm mọi việc có thể nhằm ngăn nCoV lây lan. Đừng để làn sóng lây nhiễm thứ ba xuất hiện".
Hàn Quốc, nơi được ca ngợi vì đối phó dịch hiệu quả, không muốn để rủi ro đó xảy ra. Thứ trưởng Y tế Kim Ganglip ngày 9/4 nói rằng mặc dù số ca nhiễm mới giảm trong nhiều ngày liên tiếp, hạn chế tụ tập sẽ được duy trì qua Lễ Phục sinh và đất nước nên "tiếp tục nỗ lực chặt đứt mọi chuỗi lây nhiễm".
"Trung Quốc đã chịu tác động kinh tế và y tế từ Covid-19 lâu hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Mong muốn mọi thứ trở lại như bình thường là điều dễ hiểu", James Griffiths, ký giả của CNN, viết. "Người dân và phần còn lại của thế giới sẽ nín thở theo dõi liệu họ có làm được việc đó không".