Niềm tin lung lay ở Iran giữa Covid-19. Lãnh đạo Iran từng nói Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến nước họ, nhưng quốc gia này giờ trở thành ổ dịch lớn thứ tư thế giới.
Gần 30 quan chức chính phủ Iran và nghị sĩ nhiễm nCoV, một cố vấn cấp cao cho lãnh tụ tối cao đã qua đời. Bộ Y tế Iran đề xuất điều 300.000 dân quân đến từng nhà khử trùng. Công tố viên hàng đầu cảnh báo bất kỳ ai đầu cơ tích trữ khẩu trang và các vật tư y tế công cộng khác có nguy cơ bị tử hình.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết các bệnh viện của họ giờ sẽ chuyên dùng để tiếp nhận bệnh nhân nCoV và sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến với hơn 8.000 giường. Nhưng các chuyên gia y tế lo ngại phản ứng này đã quá muộn.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nCoV ở Tehran ngày 1/3. Ảnh: AFP.
Các trường hợp nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận tại thành phố thiêng Qom, nơi sinh sống của 1,2 triệu người vào ngày 19/2, nhưng hơn hai tuần sau, Iran vẫn không phong tỏa thành phố. Thay vì tránh đến Qom, nhiều người tiếp tục tới đây, hôn cổng và cột trong đền thờ với niềm tin rằng địa điểm linh thiêng sẽ chữa khỏi bệnh thay vì làm lây lan virus.
"Một số người sùng đạo ở những vùng khác cho rằng đây là thời điểm cần thể hiện lòng trung thành với Hồi giáo và Qom bằng cách đến đây trong giai đoạn khó khăn", cựu phó tổng thống Iran Mohammad-Ali Abtahi nói.
Phản ứng chậm trễ và số ca nhiễm tăng đột biến trong tuần qua làm dấy lên nghi ngờ rằng các quan chức Iran có thể đã che giấu dịch và mức độ nghiêm trọng của nó trong gần như cả tháng vừa qua.
Tình hình dịch ở Iran bất thường so với các nơi khác. Dựa trên số liệu chính thức, tỷ lệ tử vong ở Iran cao nhất thế giới, gây nghi ngờ rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn thống kê. Theo số liệu chính thức, Iran ghi nhận hơn 2.300 người nhiễm, gần 80 người tử vong. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng dựa vào số người tử vong và xu hướng dịch tại các nơi khác, có thể suy đoán số người nhiễm nCoV thực tế ở Iran vào khoảng 4.000.
Isaac Bogoch, chuyên gia tại Đại học Toronto, cùng các nhà nghiên cứu khác tuần trước đưa ra ước tính cao hơn nhiều. Họ suy đoán số ca nhiễm ở Iran vào khoảng 23.000 người và dịch đã kéo dài ít nhất một tháng.
Iran hôm qua thông báo tạm thả 54.000 tù nhân không có triệu chứng nhiễm nCoV với hy vọng giảm thiểu lây lan ở các trại giam đông đúc. Nhưng không rõ bao nhiêu tù nhân đã được xét nghiệm, do tình trạng thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm nghiêm trọng ở nước này. Vì sự thiếu hụt đó, không ai có thể đoán được nCoV đã lan rộng đến mức nào.
Người dân bình thường cũng không tin vào số liệu của chính phủ. "Dịch đã lan khắp nước. Làm sao mà có thể tin nó mới bùng phát được hơn 10 ngày? Rõ ràng là họ che giấu sự thật để phục vụ cho kế hoạch của riêng họ. Họ lại một lần nữa nói dối chúng tôi", Fariba, 34 tuổi, giáo viên trung học ở thành phố Tabriz, nói.