Nếu Quan Vũ đơn đả độc đấu với Triệu Vân, ai sẽ giành chiến thắng? Cả Lưu Bị và Gia Cát Lượng đều đưa ra cùng một đáp án. Đó là gì?
Trong Tam Quốc, anh hùng hào kiệt xuất hiện vô số. Trong thời kỳ nhiều biến động này, cả Quan Vũ và Triệu Vân đều được đánh giá là những vị tướng cực mạnh về võ công và danh tiếng.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ, Triệu Vân đều được xếp vào nhóm Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán, bên cạnh Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung. Quan Vũ được đánh giá là võ tướng có tài, võ nghệ dũng mãnh, thậm chí ông được người đời nhận xét là có "sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ". Quan Vũ nổi tiếng trung nghĩa, hào hiệp, can đảm, nhưng lại có một nhược điểm là quá kiêu ngạo.
Trong khi đó, Triệu Vân là một vị tướng võ nghệ dũng mãnh, vừa có mưu lược, can đảm, tận trung vì nước, đồng thời được binh sĩ Thục Hán ca ngợi là "Hổ uy tướng quân".
Quan Vũ là danh tướng thời Tam Quốc.
Quan Vũ và Triệu Vân chính là hai võ tướng duy nhất thời Tam Quốc có vinh dự được thờ cúng ở Lịch đại Đế Vương miếu. Đây là nơi được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng và trong đó thờ 40 quan văn, 40 võ tướng được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.
Trên thực tế, Quan Vũ và Triệu Vân là anh em tốt nên gần như chưa bao giờ đơn đấu với nhau. Vậy, giả sử nếu hai võ tướng này đơn đả độc đấu, ai sẽ mạnh hơn?
Triệu Vân nổi tiếng là võ tướng văn võ song toàn thời Tam Quốc.
Đáp án được Lưu Bị và Gia Cát Lượng đưa ra gây bất ngờ.
Lưu Bị đưa ra đáp án võ tướng mạnh nhất
Lưu Bị sớm nhìn ra tài năng và ưu điểm của cả Quan Vũ và Triệu Vân.
Lưu Bị khởi đầu sự nghiệp bằng việc tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng và làm quan cho triều đình nhà Hán. Tuy nhiên, con đường này của Lưu Bị ban đầu không được suôn sẻ. Sau đó, nhân lúc nhà Hán suy yếu và nổ ra chiến tranh quân phiệt, Lưu Bị và hai người huynh đệ kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi đã dần tự gây dựng được lực lượng và tham gia vào cuộc chiến này.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị cùng với Quan Vũ và Trương Phi là anh em kết nghĩa. Ba người tình như thủ túc. Quan Vũ và Trương Phi là những danh tướng mạnh nhất hết lòng trung thành và phò tá Lưu Bị ngay từ khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Cả hai võ tướng này được ví như hai cánh tay đắc lực của Lưu Bị trên chiến trường Tam Quốc.
Trong quá trình Lưu Bị gây dựng sự nghiệp và có những bước chuyển mình đầu tiên, Quan Vũ và Trương Phi thực chất đóng vai trò là võ tướng bảo vệ cho Lưu Bị.
Dù tấn công quân Khăn Vàng hay tham gia chiến dịch chống lại Đổng Trác, Quan Vũ và Trương Phi vẫn luôn bảo vệ Lưu Bị. Ba người luôn sát cánh bên nhau, hầu như không thể tách rời. Sau khi nắm được Từ Châu, lực lượng của Lưu Bị được củng cố. Nhân cơ hội này, Lưu Bị muốn mở rộng thế lực nên cần người giúp trấn giữ hậu phương. Trương Phi là người được vị quân chủ này lựa chọn đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này.
Trong khi đó, Quan Vũ được Lưu Bị giữ bên cạnh. Do đó, Quan Vũ trong thời kỳ này được coi là tướng hộ vệ của Lưu Bị.
Năm 200, sau khi giao tranh với Tào Tháo tại Từ Châu bị thua trận, Lưu Bị phải chạy đến Ký Châu nương nhờ. Trong thời gian này, Lưu Bị gặp lại Triệu Vân. Vị tướng này cũng nhận lời đi theo phò tá cho Lưu Bị.
Lưu Bị rất tin tưởng Triệu Vân.
Triệu Vân trở thành tướng hộ vệ cho Lưu Bị, còn Quan Vũ trở lại làm tướng quân cho đến khi Quan Vũ qua đời.
Từ sự thay đổi vai trò của Triệu Vân và Quan Vũ, có thể thấy võ công của hai vị tướng này rõ ràng là khác nhau. Sinh thời, Lưu Bị có một điểm chung với Tào Tháo, đó là cả hai vị quân chủ này đều rất biết cách khai thác và trọng dụng nhân tài. Việc Lưu Bị muốn Triệu Vân trở thành tướng hộ vệ luôn sát cánh bên mình là có dụng ý. Theo quan điểm của vị quân chủ này, võ công của Triệu Vân cao hơn Quan Vũ. Do đó, vị tướng này sẽ có khả năng bảo vệ an toàn cho ông tốt hơn.
Gia Cát Lượng đưa ra cùng một đáp án
Gia Cát Lượng có cùng đáp án với Lưu Bị. Vị quân sư này cho rằng Triệu Vân mạnh hơn Quan Vũ.
Giống như Lưu Bị, Gia Cát Lượng, vị quân sư kỳ tài nổi tiếng thời Tam Quốc cũng có quan điểm tương tự. Gia Cát Lượng đã sớm nhìn ra những ưu điểm tuyệt vời của Triệu Vân, võ tướng được ca ngợi là hoàn mỹ nhất trong Tam Quốc. Điều này đã được minh chứng trong trận Xích Bích năm 208.
Xích Bích được coi là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất thời Tam Quốc. Trận này góp phần định hình thế chân vạc của ba thế lực là Tào Ngụy – Thục Hán – Đông Ngô.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng là người góp công lớn trong trận Xích Bích bằng kế "thuyền cỏ mượn tên" và "mượn gió Đông Nam". Hai sự kiện này được mô tả rất ly kỳ khiến nhiều người khâm phục tài năng "xuất quỷ nhập thần" của Gia Cát Lượng.
Triệu Vân không chỉ sở hữu võ nghệ cao mà còn vô cùng dũng cảm và có sức chiến đấu tuyệt vời.
Trong trận Xích Bích, liên minh Tôn – Lưu phá tan quân Tào. Tuy nhiên, về sau, hai bên Tôn – Lưu lại xảy ra mâu thuẫn trong quá trình phân chia lợi ích. Gia Cát Lượng đã chọn Triệu Vân làm người tiếp ứng.
Quyết định này cho thấy Gia Cát Lượng rất tin tưởng vào võ công của Triệu Vân. Theo quan điểm của Gia Cát Lượng, so với Quan Vũ và Trương Phi, Triệu Vân thậm chí còn mạnh hơn.
Tôn Quyền vì muốn đòi lại Kinh Châu nên nghĩ ra "quỷ kế" dùng mỹ nhân để lừa Lưu Bị tới Đông Ngô. Theo đó, Tôn Quyền muốn gả em gái là Tôn thị và nhân cơ hội này để lửa Lưu Bị tới Đông Ngô để giữ người. Sau đó phía Tôn Quyền sẽ dùng Lưu Bị để uy hiếp Gia Cát Lượng phải dùng Kinh Châu để đánh đổi.
Khi Lưu Bị sang Đông Ngô, Gia Cát Lượng đề nghị vị quân chủ này đưa Triệu Vân đi cùng để đề phòng bất trắc. Chính vì có Triệu Vân đi theo bảo vệ nên trong khoảng thời gian này, Lưu Bị rất an toàn.
Sau này, khi Lưu Bị đi vắng, Tôn Quyền bèn phái một đội thuyền đến Kinh Châu để đón em gái trở về. Tôn phu nhân lúc đó muốn mang theo con trai của Lưu Bị là Lưu Thiện (khoảng 7 tuổi) đi theo. Triệu Vân nghe tin liền cùng Trương Phi mang theo quân ra chặn sông và khuyên Tôn phu nhân ở lại nhưng phu nhân không nghe. Sau cùng, Triệu Vân và Trương Phi đành để Tôn phu nhân đi với điều kiện để lại Lưu Thiện.
Từ những việc trên, có thể thấy rằng Triệu Vân là võ tướng mạnh hơn Quan Vũ và nhận được sự tin tưởng của Gia Cát Lượng và Lưu Bị.
Quan Vũ tuy có sức địch vạn người nhưng lại quá nóng nảy và kiêu ngạo.
Sở dĩ Lưu Bị và Gia Cát Lượng có cùng đáp án là vì cả hai người đã sớm nhìn ra ưu, nhược điểm của Quan Vũ và Triệu Vân. Quan Vũ là người có võ nghệ cao, nhưng lại có nhược điểm là quá kiêu ngạo, nóng nảy, thiếu sự kiên trì khi rơi vào một trận chiến lâu dài. Trong khi đó, Triệu Vân không chỉ có võ nghệ cao mà còn có tính kiên trì và sức bền khi chiến đấu kéo dài. Đó cũng là lý do khiến Triệu Vân vang danh Tam Quốc sau chiến tích lẫy lừng trong trận Trường Bản.