Trèo ra vách núi cao để chụp ảnh, đứng trước mũi thuyền đang chạy... du khách có thể ngã bị thương hay nặng hơn là mất mạng.
Nhiều vụ tai nạn trên đường du lịch như du khách tử vong khi rơi xuống vịnh Hạ Long, người cắm trại đuối nước ở thác Ankroet, nữ sinh rơi xuống khe suối khi chụp ảnh... đã khiến nhiều du khách giật mình, vì từng để bản thân vào những tình huống nguy hiểm tương tự.
Đọc về tai nạn ở vịnh Hạ Long, Lê Nhung, 24 tuổi, run khi nghĩ đến ảnh mình đi thuyền ở hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang. Nhung kể khi đó vì thấy nhiều người ra mũi tàu chụp ảnh nên cô làm theo, không mặc áo phao. Tàu chạy chậm và không gian ít gió, mặt hồ tĩnh lặng. Cô đứng trên mũi tàu nhìn cảnh vật xung quanh mà không bị cản trở tầm ngắm.
Lê Nhung đứng ở sát mũi thuyền, không mặc áo phao. Ảnh: NVCC
Trong khoảng 5 phút đứng ở mũi tàu, cô cũng sợ sệt khi nghe tiếng động cơ và cảm nhận rõ những di chuyển của tàu. Đôi lần cô nghĩ đến cảnh mình ngã xuống nước nhưng lại tự trấn an vì biết bơi từ bé hoặc mọi người trên thuyền sẽ hỗ trợ. "Mình đã quá chủ quan và tự tin, không nghĩ đến tình huống xấu nhất. Từ lần này, mình kiên quyết nhắc nhở bản thân không nên vì một hình ảnh đẹp, một khoảnh khắc ngắm cảnh mà đẩy mình vào nguy hiểm", Nhung nói.
Không may mắn như vậy, Mai Thế Hải, 30 tuổi từng ngã xuống vách núi khi chụp ảnh từ mỏm đá ở Mèo Vạc, Hà Giang tháng 1/2021. Vết sẹo trên đùi dài cả gang tay thi thoảng đau nhức do trời lạnh là lời nhắc nhở anh giữ an toàn hơn trong các chuyến du lịch sau này.
Khi ấy trên đường qua địa phận xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, anh dừng lại tại một mỏm đá, nơi nhiều du khách check-in với ý định chụp một bức ảnh "để đời". Đã nhiều lần đứng tại mỏm đá này nên Hải không cảm thấy sợ hãi, vì vậy bước xa hơn và đứng sát mép. Do không khí lạnh và loãng, anh choáng váng và cóng tay chân rồi ngã xuống. Sau khi va đập vào vách đá, anh lăn lộn một đoạn rồi túm được vào cành cây nhỏ. Từ vị trí mép đá đến nơi phượt thủ này dừng lại, khoảng cách khoảng 25 m. Công tác cứu hộ diễn ra sau 15 phút song khó khăn vì vách đá hiểm trở, không có đường đi. Hải được chuyển về bệnh viện địa phương với vết rách sâu, dài khoảng 20 cm ở đùi và rạn xương chậu.
Nhung thừa nhận rằng trước đó đã nghe thấy người lái tàu nhắc nhở ngồi vào đúng vị trí, còn Hải thấy biển cảnh báo của địa phương, song họ đều tặc lưỡi cho qua vì đã nhiều người làm như vậy. "Rất nhiều người leo ra mỏm đá để chụp ảnh nên mình cũng nghĩ làm được, rồi không may mắn gặp tai nạn. Mình đã phải trả giá cho hành động ấy, chỉ mong những du khách thích mạo hiểm cẩn trọng, khi phía sau mình còn gia đình, người thân", Hải nói. Sau này khi có những chuyến du lịch, anh tự nhắc nhở phải tuân thủ biển cảnh báo.
Vị trí du khách ngã xuống từ vách núi và điểm rơi cuối cùng. Ảnh: NVCC
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn khi du khách bất chấp cảnh báo để đứng trên vách đá cheo leo, mạo hiểm leo thác không có đồ bảo hộ, vui chơi trên biển khi có sóng lớn... Không ai đoán trước được những tai nạn, sự cố, song trước mỗi hành trình, du khách nên tự trang bị kiến thức, lường trước những hiểm họa và khả năng kiểm soát chúng. Đây cũng là điều anh Nguyễn Thoại Tường, nhà sáng lập Công ty Kỹ năng Sinh tồn Hổ sinh đôi, chia sẻ. Anh cho biết nhiều du khách khi đi du lịch tự túc chưa chuẩn bị tốt cho mình ba yếu tố là kiến thức, kỹ năng và trang thiết bị vật dụng.
Anh Tường cho biết điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn là cần nắm được kiến thức về điểm đến, tránh tâm lý chủ quan. Một trong những cách tìm hiểu về điểm đến là tuân thủ các biển cảnh báo, ngoài ra là hướng dẫn du lịch hay chủ động hỏi người dân. Anh ví dụ đang là mùa cao điểm du lịch biển, sông nước, trước khi bơi thì du khách nên biết về độ sâu, độ dốc, dòng chảy.
Điều quan trọng tiếp theo là cần có tâm lý chuẩn bị cho những tai nạn và học cách khắc phục. Ví dụ như chuẩn bị tham gia du lịch trên sông nước, cần có kỹ năng tối thiểu là thả nổi, đứng nước. Trong trường hợp đi rừng thì cần có kỹ năng xem bản đồ, chống rắn, đánh lửa... Hay đơn giản hơn ngay cả khi đến một thành phố lạ cũng có thể bị lạc đường lần kỹ năng sử dụng bản đồ... hoặc gặp một người bị tai nạn cũng cần có kỹ năng sơ cứu.
"Khi nhắc đến kỹ năng sinh tồn, người ta có thể nghĩ đến những điều xa xôi mình không bao giờ gặp phải. Nhưng trên thực tế, việc đi du lịch thông thường cũng tiềm ẩn những nguy hiểm cần kỹ năng như lạc đường, chìm thuyền, đuối nước, gặp một người bị nạn cần giúp, hóc dị vật hay thậm chí cả hỏa hoạn", anh nói.
Là người có những chuyến du lịch dọc Việt Nam và chia sẻ bổ ích, blogger du lịch Vinh Gấu, tên thật Lê Viết Vinh, luôn tâm niệm an toàn của bản thân là cao nhất. Nếu muốn chụp ảnh hay ngắm cảnh, anh sẽ kiểm tra xem chỗ đứng hoặc ngồi liệu có đủ vững chắc, không gian chỗ đứng và ngồi có đủ rộng...
Ngoài ra, Vinh cũng tuân theo những nguyên tắc của bản thân như hạn chế lại gần hay tựa, vịn vào như lan can tàu, thuyền; phần kính trong suốt ở ban công các khách sạn; cách vách núi, mép vực, mép đá tảng. Khi ra biển, sông, hồ rộng lớn phải luôn mặc áo phao. "Đừng chủ quan biết bơi vì mình sẽ không biết trước điều gì xảy ra, có thể bị chuột rút, dòng chảy cuốn hay nước xoáy... tuyệt đối đừng đùa giỡn với thiên nhiên", anh nhấn mạnh.