Chủ xe chỉ nên tháo bình khi cần thiết và chỉ cần tháo cọc âm để cho dòng điện không đi qua thay vì tháo toàn bộ bình.
Việc đỗ xe lâu ngày có thể khiến bình ắc-quy bị tiêu điện, không thể nổ máy khi sử dụng trở lại. Vì vậy, chủ xe nếu có thể, nên khởi động xe 15 phút tối thiểu một lần mỗi tuần, hoặc di chuyển quãng ngắn để tránh việc cạn và hết ắc-quy, cũng như giúp lốp, hệ thống dung dịch, điều hoà được làm việc trơn tru. Tuy vậy, nếu bãi đỗ không gần nhà, không thể ra đường vì giãn cách, chủ xe có thể phải tính tới phương án cuối cùng là tháo cọc ắc-quy để không tiêu điện.
Sở dĩ tháo ắc-quy không được khuyến khích vì việc tự tháo lắp với người không hiểu rõ về kỹ thuật có thể xuất hiện rủi ro như chập cháy, mất an toàn hoặc khiến các dữ liệu cài đặt trên ECU bị xoá, phải thiết lập lại ở lần khởi động tiếp theo. Nếu bắt buộc phải tháo ắc-quy, tài xế nên thực hiện theo quy trình và những lưu ý như sau:
Trước khi tháo ác quy, chủ xe cần tìm vị trí thoáng mát tránh, những nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao hoặc nơi có thể sinh ra luồng điện, cây xăng, dầu để tránh cháy, nổ. Sau đó, đỗ xe trên một mặt phẳng, tắt máy và xác định vị trí đặt ắc-quy.
Thông thường, xe con phổ thông có ắc-quy sẽ nằm trong khoang máy phía trước, nhưng một số dòng xe sang lại đặt bình ở phía sau dưới cốp, và xe thương mại thường đặt dưới ca-bin. Chủ xe tham khảo sách hướng dẫn sử dụng đi cùng xe hoặc hỏi kỹ thuật viên của hãng để biết chính xác.
Để tháo được ắc-quy, cần phải chuẩn bị dụng cụ. Tài xế nên đeo găng tay không dẫn điện, sử dụng kính để tránh tia lửa hoặc rủi ro trong quá trình tháo lắp. Trước khi tháo nên kiểm tra các ốc giữ ắc-quy xem hình dáng, kích thước để tìm dụng cụ tháo phù hợp như cờ-lê, mỏ lết, tuốc-nơ-vít...
Tiếo theo, xác định các điện cực, đâu là cọc âm, đâu là cọc dương.Thông thường cọc dương có nắp chụp màu đỏ hoặc đen, kí hiệu dấu (+) trên nắp, cọc âm là màu đen hoặc không có màu, có thể có kí hiệu (-) hoặc không có kí hiệu.
Bắt đầu tháo cọc âm, không được tháo cọc dương trước. Do cực âm của ắc-quy nối với thân xe, nên tất cả các vị trí hở kim loại trên vỏ xe đều có điện. Vậy nên khi tháo hoặc lắp phải cách ly cọc âm ra khỏi thân xe trước rồi mới tháo cọc dương.
Sau khi tháo ắc-quy, vệ sinh vị trí để ắc-quy, bảo quản bình ở môi trường khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Nên kiểm tra tình trạng vỏ ắc-quy xem có móp méo hay không, dung lượng bình còn nhiều hay không (thông qua đèn mắt báo, nếu còn tốt màu xanh, kém thì màu đỏ hoặc trắng).
Khi sử dụng tiếp, tài xế lắp ắc-quy vào xe theo thứ tự ngược với khi rút, tức là lắp cọc dương trước, cọc âm sau. Các dụng dụ tương tự như khi tháo.
Chủ xe cũng nên kiểm tra ắc-quy 6 tháng một lần và thay mới sau 2-3 năm sử dụng, một số loại có tuổi thọ thấp hơn. Nên thay đúng loại sử dụng cho xe (có thể nhờ xưởng sửa chữa tư vấn). Nếu không tự tin và không đảm bảo yếu tố an toàn, chủ xe nên tìm người có kinh nghiệm hoặc các gara để được hỗ trợ tốt nhất.
|