Không còn nhiều người có thể nhớ đến món ăn về hoa bưởi. Món ăn này giờ đây chỉ có thể thấy trong thơ văn. Đây là một món ăn được người Hà Nội xưa rất ưa chuộng.
Hàng năm, cứ đến cái thời tiết nắng hanh, vàng ruộm... chuyển giao giữa mùa Xuân và mùa Hè, người ta lại thấy đâu đó trên phố, trong góc chợ... xuất hiện những gánh hoa bưởi nhỏ xinh, toả hương ngan ngát.
Vậy là một mùa hoa bưởi nữa lại về!
Hoa bưởi tuy không có thường xuyên nhưng người ta cũng nghĩ ra được lắm món cho hoa lắm! Nào là đem về ướp sắn dây để đến mùa Hè uống cho mát này, hay có vài bông thì thả vào bát nước đường ăn tào phớ cho thơm, còn nhà nào có nhiều thì sẽ đem cất thành tinh dầu hoa bưởi để dành đến tháng 8 làm bánh dẻo...
Tuy vậy vẫn còn 1 món mà ở thế hệ chúng ta, ai còn thuộc bài cũ thì có lẽ sẽ nhớ mang máng.
Trong Truyện ngắn Đôi mắt của nhà văn Nam Cao, khi tác giả đến thăm nhà một người bạn Hà Nội đang đi tản cư, có được mời món: mía ướp hoa bưởi.
Vậy đó! Cái món ăn nghe đơn giản là vậy, thanh tao, tinh tế là vậy. Mà chẳng hiểu sao giờ đây lại thấy ít xuất hiện đến thế?
Thử nghĩ mà xem, trong những buổi trưa háo nước, được ăn vài khúc mía ngọt mát, ướp lạnh, đẫm hương hoa bưởi thì còn gì thích thú bằng?
Món ăn như nét thanh tao của người Hà Nội
Cái thú ăn của người Hà Nội xưa cũng lắm công phu. Món ăn đơn giản là vậy nhưng để được nâng tầm thành món ăn nức tiếng đất Hà Thành thì không phải là đơn giản đâu nhé!
Mía, chúng ta cứ quen chọn cây già cho ngọt nhưng với món ăn này thì không!
Mía phải chọn cây bề mặt bóng khoẻ, không sâu bệnh, vừa đủ độ, không già quá cũng chẳng non quá... để có được có vị ngọt mát mà khi ăn lại không bị quá cứng.
Mía róc xong, từng cây, từng cây... phải óng ả đẹp mắt.
Còn hoa bưởi thì cần là những bông cứng cáp, đài to, tươi tắn, vừa chớm nở. Vì nếu cánh hoa uốn quá cong thì đó là những bông đã nở từ hôm trước, chẳng còn mấy hương. Và điều quan trọng nhất là hoa phải được hái vào buổi sớm, khi nắng vừa mới lên thôi, chứ nếu nắng lên cao thì hương hoa đã toả đi khắp nơi rồi.
Hoa hái xong thì đem thả vào nước, rửa nhẹ nhàng cho sạch bụi rồi để ra chiếc khăn mềm cho khô. Sau đó, sẽ được cho vào cái âu hoặc cặp lồng cùng với mía đã được róc sạch, tiện nhỏ rồi đậy kín vài tiếng.
Chỉ cần vài bông hoa và chừng 1 tiếng thôi là từng miếng mía đã đẫm hương lắm rồi. Ăn đến đâu là thấy người nhẹ bẫng đến đấy...
Ngày xưa, nhà chưa có tủ lạnh thì người ta sẽ buộc kín mía lại rồi thả xuống giếng. Nhà nào khá giả hơn thì sẽ đi mua lấy vài hào đá để ướp mía và hoa.
Trong cuộc sống ngày nay, mọi thứ đều đầy đủ, sẵn có... Vậy mà sao chúng ta lại đành lãng quên một món ăn tinh tế đến vậy? Mùa hoa bưởi này, dạo quanh các con phố Hà Nội, đừng quên đem về một nắm hoa bưởi tinh khôi. Tuy nghe thì giản dị đấy, thân quen đấy, mà không phải mùa nào cũng có ăn đâu!