Khác với việc chuẩn bị cho thế giới thời hậu chiến, trong cuộc chiến chống khủng bố IS, các chính trị gia Mỹ không cho thấy họ quan tâm nhiều tới tư duy lâu dài. Thực vậy, tranh luận chỉ xoay quanh các câu hỏi mang tính chiến thuật trước mắt, hoặc ngọn đồi nào cần chiếm…
Tháng 8/1941, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt gặp nhau ở duyên hải Newfoundland để phác thảo nên một tầm nhìn chung cho kỷ nguyên hậu Thế chiến II. Thủ tướng Anh hồi hộp tới mức mà theo lời của một quan chức: “Bạn hẳn phải nghĩ là ông ấy đang được đưa lên thiên đàng để gặp Chúa Trời vậy”.
Hai nước sau đó đã công bố Hiến chương Đại Tây Dương, trong đó tìm kiếm ‘một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới’ thông qua các nguyên tắc tự chủ, an ninh tập thể, và thương mại tự do. Nước Mỹ khi đó chưa tham chiến, nhưng đã chú trọng vào việc đạt được hòa bình.
Kết thúc chiến tranh không chỉ là việc đánh bại phe Trục, mà còn nhằm tạo nên một trật tự thế giới toàn cầu bền vững, trong đó Thế chiến II sẽ là cuộc chiến tranh thế giới cuối cùng.
Hiện tại, nước Mỹ đang suy tính mở rộng chiến dịch quân sự lớn nhằm vào IS. Một phần bị thôi thúc bởi ý nghĩ rằng thời khắc cuối sắp cận kề, IS đã thúc đẩy các cuộc tấn công ra xa bên ngoài ‘vương quốc’ của họ, bao gồm vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập, tấn công tự sát ở Lebanon, và tấn công kết hợp ở Paris.
Tuy vậy, trong cuộc chiến chống IS, khác xa với việc chuẩn bị cho thế giới thời hậu chiến, các chính trị gia Mỹ không cho thấy họ quan tâm nhiều tới tư duy lâu dài. Thực vậy, tranh luận chỉ xoay quanh các câu hỏi mang tính chiến thuật trước mắt, hoặc ngọn đồi nào cần chiếm. Có người nào đang lên kế hoạch cho một hòa bình khả dĩ hơn không?
Chính quyền Obama hiện nay không chú ý tới việc chấm dứt cuộc chơi. Về lý thuyết, Mỹ dự định ‘làm suy giảm và tiêu diệt’ IS thông qua việc không kích, viện trợ cho binh sĩ địa phương trên bộ. Nhưng Nhà Trắng không hề vạch ra lộ trình đi tới thành công về chiến lược trông ra sao, hoặc thậm chí là tình trạng cuối cùng được kỳ vọng thế nào.
Thực tế phần lớn, Tổng thống Obama đã và vẫn đang hành động có tính ứng biến.
Mùa xuân năm ngoái, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates kết luận: “Về cơ bản thì chúng ta vẫn làm kiểu ngày nào hay ngày đó”. Sau vụ tấn công ở Paris, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton có lời chỉ trích bóng gió tới Tổng thống: “Giờ là lúc bắt đầu một giai đoạn mới và tăng cường, mở rộng nỗ lực để đập tan cái có thể là ‘vương quốc Hồi giáo”.
Các quan chức ở Nhà Trắng có vẻ e sợ rằng việc lên kế hoạch cho tương lai lâu dài có thể khiến Mỹ lại sa vào bãi lầy nữa. Trên ABC News, ông Obama nói: “Ngay từ lúc đầu mục tiêu của chúng tôi là kiềm chế trước, và chúng tôi đã làm vậy”.
Logic của việc này có thể như sau: tập trung vào ngay tại đây – ngay lúc này, tránh các kế hoạch mang tính bao quát, hết sức linh hoạt, và tìm kiếm các cơ may mới.
Cách nghĩ này chính xác là bởi Obama coi IS là vấn đề mang tính lâu dài mà không có giải pháp nào dễ hơn để ông nghĩ tới trong tương lai quá xa. Chưa cần kết thúc cuộc chơi và để ngỏ mọi phương án – sau đó chuyển rắc rối lại cho người kế nhiệm.
Trong khi đó, phe Cộng hòa lại đơn giản hóa một kết thúc cho cuộc chiến chống IS bằng các phương án dội bom, hoặc thiết lập vùng cấm bay, vùng an toàn và sau đó là phương án đem quân trên bộ.
Việc ứng biến có thể là một ý tưởng hay do tính chất thất thường của chiến tranh. Các cuộc xung đột rất phức tạp và luôn biến động, đặc biệt là khi chống lại một kẻ thù biến hóa như một ‘nhà nước nổi loạn khủng bố’ như IS. Khó mà dự đoán được tình hình trong tuần kế tiếp, chứ chưa nói tới trong năm sau.
Nhưng tư duy xuyên suốt kết cục là một phần then chốt trong mọi chiến lược thời chiến. Nhà lý luận quân sự Carl von Clausewitz đã có lời khuyên đừng đặt bước chân đầu tiên vào một cuộc chiến ‘mà không nghĩ tới bước cuối cùng’. Và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger viết: ‘Phép thử của một chính sách là ở việc nó kết thúc như thế nào, chứ không ở việc nó bắt đầu ra sao’.
Tâm lý ngắn hạn có thể là thảm họa trong thời chiến. Năm 2003, Mỹ xâm lược Iraq mà không chú ý tới các hậu quả lâu dài. Chính quyền George W. Bush quá chú trọng vào mục tiêu trước mắt là lật đổ Saddam Hussein, nhưng hầu như bỏ ngỏ vấn đề làm thế nào ổn định lại Iraq sau đó.
Không có kế hoạch nào đưa ra nhằm đạt hòa bình, và các binh sĩ Mỹ phải tùy nghi ứng biến một cách liều lĩnh khi Iraq sụp đổ.
Vậy đâu là chung cuộc cho cuộc chiến chống IS?
Trước hết, triệt tiêu hay đánh bại IS không phải là mục tiêu. Đúng ra, mục tiêu là nhằm tạo nên sự đảm bảo cho Iraq và Syria. Chiến tranh không phải là tiêu diệt kẻ thù, mà là xây dựng nền hòa bình khả dĩ hơn để mối đe dọa cũ không trở lại.
Khi đã đánh tan ‘vương quốc Hồi giáo’ rồi thì ai sẽ điều hành vùng đất đánh chiếm của IS? Ổn định tình hình ở Syria và Iraq mới thật sự là nhiệm vụ gây nản lòng. Việc này có thể đòi hỏi nỗ lực gìn giữ hòa bình và cứu trợ nhân đạo kéo dài cả thập kỷ.
Nếu IS bị đẩy lui khỏi các thành phố then chốt, họ sẽ không ký vào các văn kiện đầu hàng mà sẽ dấy lên một chiến dịch khủng bố hung tàn để đòi lại 'vương quốc' đó.
Liệu những người đang chống IS đã sẵn sàng cho một làn sóng đánh bom tự sát, bắt cóc và tra tấn? Cộng đồng quốc tế có sẵn sàng đầu tư hàng triệu USD viện trợ nhân đạo và phát triển kinh tế? Mỹ và đồng minh có thể lôi kéo những người Hồi giáo Sunni theo chính nghĩa của họ, thay vì động cơ của IS.
Trong cuộc chiến chống IS, mục tiêu không chỉ là lật đổ lực lượng này, mà còn là xây dựng nên một trật tự mới và vững vàng. Hoặc là lập kế hoạch đạt được hòa bình, hoặc là đừng có đánh đấm nữa. Và IS không nên là bên duy nhất nghĩ đến lúc chung cuộc.
vbf @ sưu tầm