Trong bài diễn văn, có lúc Thiệu rất cay cú: "... Người Mỹ viện trợ nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn ít thì chúng tôi đánh ít".35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều hồ sơ, tài liệu thuộc loại tuyệt mật của chính quyền Sài Gòn đã được giải mã, giúp cho mọi người biết được những giờ phút cuối của một chế độ tay sai, bù nhìn.
Một trong những nhân chứng của "phút 89" ấy, là cựu Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận, người từng là sĩ quan tùy tùng cho Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, rồi sau đó, đến đầu tháng 4/1975, phụ trách an ninh cho cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Ông Phận cũng là người cùng Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm chạy khỏi Việt Nam vào buổi tối ngày 25/4/1975.
Ông Nguyễn Tấn Phận đã nói về những ngày cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm ở Sài Gòn...
Nguyễn Văn Thiệu ở dinh Độc Lập (người đi sau, bên phải là Nguyễn Tấn Phận).
"Tôi về trình diện Phủ thủ tướng vào đầu tháng 4/1975, chưa nhận nhiệm sở mới thì Đại tướng Trần Thiện Khiêm từ chức thủ tướng chính phủ. Tôi được chuyển qua làm việc tại văn phòng cố vấn quân sự của Phó tổng thống Trần Văn Hương...". Nguyễn Tấn Phận, viên Thiếu tá quân đội Sài Gòn nhớ lại. Sở dĩ có việc này là vì Trần Văn Hương ngay sau khi nhậm chức, đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Trần Thiện Khiêm làm cố vấn quân sự.
Dù mang tiếng là làm việc tại "văn phòng cố vấn quân sự", nhưng nhiệm vụ của Phận chỉ lo về an ninh cho vợ chồng Trần Thiện Khiêm. Thỉnh thoảng, ông ta lại hộ tống vợ Khiêm đi thăm viếng, cúng dường các chùa chiền ở vùng Thủ Đức.
Giữa tháng 4, mấy ngày sau khi Trần Thiện Khiêm từ chức, vợ Khiêm cử người đến nhà riêng của tướng Charles Timmes. Phận kể: "Bà cho tôi biết Timmes có viết cho bà mấy câu trong một tấm thiệp nhỏ, đại ý là đừng gọi điện thoại vì nhà ông ta không có... điện thoại (?!)".
Có mặt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1961, Charles Timmes là Trung tướng hồi hưu, chỉ huy toán cố vấn Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn. Sau đó, Timmes trở thành một viên chức cao cấp, nhiều thế lực của Phái bộ Viện trợ quân sự Mỹ. Timmes quen biết và gần gũi với hầu hết các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn - kể cả Đại tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ... Nhiệm vụ của Timmes là "tiếp xúc và tìm hiểu tinh thần của họ, nên ai cũng là bạn ông ta" theo như nhận xét của Trần Thiện Khiêm sau này: "Cỡ như Timmes, nếu muốn có... vệ tinh ông ta cũng có được chứ huống gì điện thoại. Chẳng qua ông ta viết thế là để không lưu lại chứng tích gì về trách nhiệm của mình trong những ngày Sài Gòn hấp hối, thế thôi".
Nhận được tấm thiệp, ngày 17/4, vợ Khiêm cho người mời tướng Timmes đến nhà dùng cơm tối. Khi Khiêm đi làm về và biết được chuyện này, Khiêm có vẻ không hài lòng. Nguyễn Tấn Phận kể tiếp: "Trong bữa ăn, từ phòng ăn gia đình gần nhà bếp, tôi để ý thấy bà Khiêm biểu lộ sự xúc động lúc nghe Timmes úp mở tiên đoán về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, nhưng không hề òa lên khóc như Frank Snepp, một chuyên viên phân tích tình báo cao cấp của CIA Mỹ, đã kể trong cuốn "Những khoảng cách vừa phải - Decent Interval".
Vào thời gian này, tin đồn về việc Nguyễn Văn Thiệu từ chức đã lan rộng trong xã hội, và câu hỏi là bao giờ thì Thiệu sẽ từ chức? Những người quan tâm đến thời cuộc đều biết vào lúc ấy, Tòa đại sứ và Cơ quan Tình báo Mỹ đang tìm mọi cách để loại Nguyễn Văn Thiệu hầu dựng lên một khuôn mặt tuy cũ nhưng mới - mà theo họ thì ôn hòa hơn. Đó là ông Dương Văn Minh - người được Mỹ đánh giá là có chủ trương mềm dẻo. Phần nữa cũng do một số chính trị gia xôi thịt đang ngồi chơi xơi nước, nghe hơi nồi chõ rồi tung hỏa mù rằng "phía bên kia" chỉ đồng ý nói chuyện với ông Dương Văn Minh, nhằm kiếm một chân trong "chính phủ liên hiệp" - một sản phẩm quái đản của những trí tưởng tượng bệnh hoạn, đui mù!
Trưa ngày 21/4, Trần Thiện Khiêm được Nguyễn Văn Thiệu triệu tập vào dinh Độc Lập họp cùng với Trần Văn Hương. Buổi họp diễn ra trong gần một giờ đồng hồ. Mặc dù đi theo Trần Thiện Khiêm, nhưng Nguyễn Tấn Phận không được vào nên không thể biết chuyện gì đang xảy ra. Mãi khi về tới nhà, Trần Thiện Khiêm bước xuống xe nhưng không đi thẳng vào nhà mà dừng lại chờ Phận đến gần, rồi nói với nét mặt vui vẻ: "Chiều nay nhớ mặc đồ đẹp, vào dinh Độc Lập nghe Tổng thống Thiệu đọc diễn văn từ chức!".
Đó là vào khoảng gần 1h trưa ngày 21/4/1975. Phận nói tiếp: "Và tôi là người đầu tiên nhận được thông tin vô cùng quan trọng mà "cả thế giới" đang chờ đợi". Với những người làm báo, thông tin ấy có giá trị rất lớn trong sự thăng tiến nghề nghiệp truyền thông của họ nếu họ nắm được. Tuy nhiên sau này, trong các tài liệu, hồi ký của các tướng lĩnh, chính trị gia Việt, Mỹ, thì người đầu tiên biết tin Thiệu từ chức lại không phải là Phận, mà là Tòa đại sứ Mỹ!
Trong lúc Thiệu thông báo việc từ chức cho Trần Văn Hương và Trần Thiện Khiêm thì tại Tòa đại sứ Mỹ, hệ thống điện tử đã ghi âm rõ những gì Thiệu nói. Chuyện nghe lén này về sau đã được các tướng tá quân đội Sài Gòn lưu vong đặt ra nhiều giả thiết, là người Mỹ bắt đầu nghe lén các buổi họp của Nguyễn Văn Thiệu từ lúc nào, và bằng cách nào!
Trở lại chuyện Nguyễn Văn Thiệu từ chức, có mặt tại phòng khánh tiết trong dinh Độc Lập, Nguyễn Tấn Phận nghe từ đầu đến cuối bài diễn văn của Thiệu trước một cử tọa rất đông đảo gồm các nhà lập pháp của hai viện quốc hội, cùng các quan chức trong chính phủ và các cơ quan truyền thông. Trong bài diễn văn, có lúc Thiệu rất cay cú: "... Người Mỹ viện trợ nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn ít thì chúng tôi đánh ít. Cũng chẳng khác một người đưa cho tôi 1 đôla, mà đòi tôi phải vào ăn một bữa ăn thịnh soạn trong một nhà hàng sang trọng thì làm sao chúng tôi có thể làm được...". Ngay sau đó, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố bàn giao chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương theo như hiến pháp đã quy định...
Từ bên kia quả địa cầu, nghe tin Thiệu từ chức, Ngoại trưởng Mỹ là Kissinger liền gửi cho Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn một điện văn, nội dung Kissinger ỵêu cầu ông đại sứ chuyển lời bày tỏ lòng "kính trọng" của Kissinger đối với Thiệu, và đề nghị muốn giúp Thiệu rời khỏi Việt Nam.
Sáng sớm hôm sau, ngày 22/4, tướng Charles Timmes vội vã đến tư dinh Trần Thiện Khiêm. Khiêm và Timmes đã trao đổi với nhau hơn nửa tiếng đồng hồ. Rồi ngay chiều hôm đó, Trần Thiện Khiêm vào dinh Độc Lập gặp Nguyễn Văn Thiệu.
Khó mà biết được Trần Thiện Khiêm đã nói gì với Nguyễn Văn Thiệu, nhưng không loại trừ việc Timmes đề nghị Thiệu là nên ra đi khỏi nước. Sau này ở hải ngoại, Trần Thiện Khiêm kể lại rằng ngay sau khi Thiệu từ chức: "Cụ Hương muốn Thiệu và dượng Tư - tức Hoàng Đức Nhã - cố vấn và cũng là cháu Thiệu" đi đường biển qua Singapore. Tiết lộ này trùng hợp với việc Thủ tướng Lý Quang Diệu đã yêu cầu ông Hoàng Đức Nhã qua Singapore gặp ông để chuẩn bị việc lưu vong cho Thiệu.
Tuy đã từ chức, song Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn ở tại dinh Độc Lập, và còn áp đặt nhiều vấn đề khiến tân Tổng thống Trần Văn Hương gặp không ít khó khăn trong việc điều hành nội các. Theo Frank Sneep, việc từ chức của Nguyễn Văn Thiệu có phần rất lớn của Đại tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh cho rằng sự có mặt của Thiệu làm cản trở tiến trình hòa bình do ông chủ trương nên ông yêu cầu Timmes bằng mọi cách, thúc bách Thiệu sớm từ chức.
Khi biết được điều này, Đại sứ Martin rất lấy làm phấn khởi. Trước hết ông không muốn bị mang tai tiếng về việc ra đi của Thiệu, ông muốn cho dư luận tin rằng đó là sức ép từ các thế lực địa phương - chứ không phải từ phía Tòa đại sứ Mỹ. Hơn nữa, Trần Văn Hương cũng mời Đại sứ Martin vào dinh Độc Lập. Ông Hương nêu ra nhiều lý do và nhấn mạnh với Martin là nếu còn có sự hiện diện của Thiệu ở Sài Gòn thì chính quyền do ông lãnh đạo khó tiến hành các cuộc hòa đàm với phía bên kia. Hương yêu cầu nước Mỹ nhận Thiệu, và Martin cam kết là phía Mỹ sẵn sàng đồng ý cho Thiệu sang Mỹ.
Nay nhìn lại các hoạt động của tướng Timmes, đồng thời dựa vào các văn kiện của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Mỹ, có thể thấy rõ là đã có áp lực mạnh mẽ từ Washington buộc Thiệu phải đi khỏi nước theo kế hoạch của họ.
Văn kiện đầu tiên được gửi đi từ Washington, đúng 12 tiếng đồng hồ sau khi Thiệu từ chức: Buổi sáng ngày 22/4/1975, thừa lệnh Tổng thống Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi điện văn ủy quyền cho Tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam cấp một số giấy tạm cư (parole documents) cho phái đoàn của Nguyễn Văn Thiệu, ngày ra đi là ngày 22/4, nghĩa là họ muốn Thiệu phải đi ngay trong ngày hôm ấy.
Tại tư dinh Trần Thiện Khiêm, buổi sáng ngày 25/4, Nguyễn Tấn Phận thức dậy trễ vì đêm trước, Phận cùng Đại úy Mùi, sĩ quan tùy viên của Trần Thiện Khiêm nói chuyện rất khuya. Phận kể: "Thay quần áo xong, như thường lệ tôi đến phòng trực dành cho sĩ quan tùy viên. Đây là một căn phòng nhỏ, chỉ kê một chiếc bàn ngay cửa ra vào. Trung tá Đặng Văn Châu, Chánh văn phòng đã có mặt tại đó. Ông vừa được chỉ định thay thế Đại tá Nguyễn Trọng Hồng. Trung tá Châu cho biết, Trần Thiện Khiêm chỉ thị cho tôi, ra Ngân hàng Quốc gia đổi 3 triệu đồng Việt Nam lấy tiền đô la Mỹ". Muốn cho việc đổi tiền được mau lẹ, Trung tá Châu đã điện thoại đến Bộ Tài chính để liên hệ trước vì Phận mới về làm việc chỉ hơn ba tuần lễ, sợ nhiều người không biết mặt. Sau này, số đôla Mỹ ấy là để chuẩn bị cho việc ra đi của Khiêm.
Cũng cần nói thêm là hai hôm trước, Trần Thiện Khiêm đã ngầm ý cho Phận biết là "phải ra đi". Thông thường ăn trưa xong, Khiêm đi thẳng lên lầu nằm nghỉ. Trưa ngày 23/4, vừa ăn xong, Khiêm không lên lầu mà lại đi ra phía sau nhà. Phận đi theo sau. Lúc Khiêm vừa bước ra khỏi cửa thì bỗng có chiếc xe Mazda từ ngoài chạy vào. Tài xế thấy Khiêm, giật mình thắng xe lại. Liền sau đó vợ Phận bước xuống. Nhìn thấy Khiêm, vợ Phận khoanh tay chưa kịp chào thì Khiêm đã nạt lớn: "Sao không đi đi, còn ở đây làm gì?". Vợ Phận sợ quá, vội vàng leo lên xe. Trong khi xe đang quay đầu thì Khiêm lại la tiếp: "Đi liền đi, còn chờ gì nữa!".
Chiều 25/4, trong tư dinh Trần Thiện Khiêm, mọi người đều lăng xăng khác thường. Thiếu tá Đinh Sơn Thông là em vợ Khiêm và cũng là bí thư của Khiêm dặn Nguyễn Tấn Phận ăn mặc chỉnh tề để chuẩn bị tiếp khách. Tắm rửa, thay quần áo xong, Phận đi một vòng quanh nhà, kiểm soát việc canh gác của toán cận vệ rồi quay vào theo lối cửa sau. Ngang qua nhà bếp, những người đầu bếp dù đang bận rộn nấu nướng, nhưng khuôn mặt người nào cũng có vẻ ưu tư, lo lắng; chốc chốc người nọ nhìn người kia như thầm hỏi điều gì. Thấy Phận ăn mặc khác thường, họ lại càng lo lắng vì trong suốt thời gian làm việc tại tư dinh Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Tấn Phận chỉ mặc quân phục.
Bước vào phòng khách, Nguyễn Tấn Phận thấy bàn ăn đặt tại đó. Rất ngạc nhiên, Phận nghĩ đáng lẽ ra phải dọn tiệc tại phòng ăn vì phòng ăn rộng rãi và khang trang hơn. Đây là dấu hiệu bất thường. Phận nhớ lại: "Đến phòng trực của sĩ quan tùy viên, tôi thấy thiếu tá Lưu lên ca, thay thế đại úy Mùi đã làm ngày hôm trước. Tôi tin Lưu biết rõ mọi chuyện vì anh là người có họ hàng với gia đình Khiêm".
Một lúc sau ông Trần Thiện Phương, anh ruột của Khiêm đến. Ông đi thẳng lên lầu gặp Khiêm trong vài phút rồi vội vã ra về. Sau đó thiếu tá Đinh Sơn Tuyền là em vợ Khiêm cũng đến với vẻ mặt trầm tư rồi sau vài phút gặp Khiêm, Tuyền cũng đi như chạy.
Xế chiều, có lệnh yêu cầu toán cận vệ của Khiêm trở về Phủ thủ tướng. Nhóm lính gác nhà cũng được trả về Liên đoàn An ninh. Kể từ lúc ấy, nhà riêng của Trần Thiện Khiêm coi như bỏ ngỏ. Phận bắt đầu lo lắng vì việc rút những ngườI lính gác đồng nghĩa với việc Trần Thiện Khiêm sẽ không còn ở lại đây lâu. Phận kể: "Thấy tôi đăm chiêu, trung tá Châu trấn an tôi bằng cách tiết lộ, là chiều nay ông Khiêm chính thức mời cựu Tổng thống Thiệu cùng vài nhân vật trong nội các và ngoại giao đoàn đến dự tiệc để ông chào giã biệt vì từ ngày từ chức thủ tướng đến nay, Khiêm chưa có dịp tổ chức". Nghe xong, Phận hiểu ngay đó chỉ là cách ngụy trang cho cuộc tháo chạy, nhưng ông ta vẫn thắc mắc rằng tại sao lại có Thiệu vì theo Phận, Thiệu chắc chắn phảI có kế hoạch ra đi riêng của mình.
Trời vừa chập choạng tối thì các món ăn cũng được dọn lên. Hôm đó có chả giò, nem nướng, bày ra trông rất đẹp mắt, nhưng lúc này lòng dạ trăm thứ ngổn ngang thì bụng nào thấy đói.
Những ngày ở Đài Loan, Thiệu ngồi lặng lẽ hàng giờ cạnh chiếc radio, nghe BBC tường thuật giờ phút hấp hối của chính quyền Sài Gòn. 5h chiều ngày 25/4/1975, Thomas Polgar - trùm CIA ở Sài Gòn, cho gọi Frank Snepp, Joe Kingsley và một nhân viên khác rồi hỏi là "Các ông có rành đường phố Sài Gòn ban đêm không?". Cả bọn gật đầu. "Thế thì tốt", Polgar nói tiếp: "Tôi muốn các ông giúp tôi đưa Thiệu và Khiêm đi Đài Loan tối nay...".
Cũng khoảng thời gian ấy, tại Dinh Độc Lập, Thiệu ngồi ở phòng đọc sách tại lầu 3 bên cánh trái. Cho gọi trung tá Tôn Thất Ái Chiêu, sĩ quan tùy viên thân cận nhất, Thiệu chỉ thị mấy việc cần thiết và bảo Chiêu đem bộ quần áo vest của mình về nhà riêng trong Bộ Tổng tham mưu. Nhà này cũng nằm chung dãy nhà với Trần Thiện Khiêm.
Sau đó, Thiệu gọi tiếp các sĩ quan thân tín, gồm: Đại tá Võ Văn Cầm, chánh văn phòng; đại tá Nguyễn Văn Đức, chánh tùy viên; đại tá Nhan Văn Thiệt, chỉ huy trưởng Cảnh sát quốc gia Vùng 4, đại tá Trần Thanh Điền, trưởng khối cận vệ. Thiệu ra lệnh: "Tất cả mấy chú phải thay thường phục, có mặt tại dinh lúc 7h. Mỗi chú chỉ được mang theo một túi xách tay nhỏ, tuyệt đối giữ bí mật, không được thông báo cho gia đình".
Nguyễn Văn Thiệu bàn giao chức Tổng thống cho Trần Văn Hương.
Vừa dứt lời, đại tá Điền thưa: "Xin tổng thống cho (trung tá) Sáng và (trung tá) Thứ đi theo". Thấy Thiệu không trả lời, Điền lặp lại thì đại tá Đức khều nhẹ. Hiểu ý, Điền không xin xỏ gì nữa. Sau này được biết Thiệu đã chỉ thị cho trung tá Sáng ở lại làm công tác đặc biệt có liên quan đến 16 tấn vàng, còn trung tá Thứ thì tiếp tục lo an ninh cho tổng thống Trần Văn Hương. Riêng bác sĩ Minh - là bác sĩ riêng của Thiệu lúc đó không có mặt, trung tá Chiêu phải gọi vào. Mấy hôm nay các vị quan này bị đặt trong tình trạng báo động nên lúc nào cũng túc trực tại dinh, khi nghe được lệnh trên, ai ai cũng vội vã chạy về nhà gom góp chút ít đồ đạc, giấy tờ cá nhân, và dĩ nhiên là cũng thông báo cho vợ con, rồi trở lại Dinh Độc Lập ngay tắp lự.
Bản danh sách những người cùng tháo chạy với Nguyễn Văn Thiệu, do chính tay ông Thiệu viết.
Tại tư dinh Trần Thiện Khiêm, từ khi Khiêm cho vợ đi Đài Bắc, sau giờ làm việc Nguyễn Tấn Phận không về nhà bên vợ như thường lệ vì trước khi đi, vợ Khiêm dặn Phận phải dành ưu tiên cho Khiêm. Phận kể: "Do đó không lúc nào tôi rời ông, kể cả lúc ông ra ngoài cũng như lúc ở nhà. Ban đêm, để bảo đảm an ninh tối đa cho Khiêm, đại úy Mùi và tôi quyết định trải chiếu ngủ tại phòng ăn, dưới chân cầu thang dẫn lên phòng ngủ của Khiêm ở trên lầu".
Xẩm tối ngày 25/4/1975, quang cảnh nhà Khiêm như có tang. Dưới bếp, thượng sĩ Trị, thượng sĩ Xê - hai người đầu bếp khóc thút thít vì có lẽ họ đoán được số phận của họ, là sẽ bị bỏ rơi. Trung úy Hồng uống rượu say ngà ngà, níu áo hỏi thiếu tá Thông là "sếp" đi đâu (sĩ quan, lính lác trong tư dinh của Khiêm thường gọi Khiêm sau lưng là "sếp"). Cuối cùng Thông phải nói thật là "chúng tôi đưa thủ tướng ra khỏi nước!". Rồi Thông quay sang Phận nháy mắt, gật đầu.
Như vậy là Nguyễn Tấn Phận sẽ được cho đi theo. Lập tức, Phận quay về phòng riêng, kiểm soát lại một số tài liệu. Những gì không cần thiết ông ta đem ra sân sau đốt hết. Nhét vội hai bộ quần áo cùng các giấy tờ tùy thân và cây súng rouleau vào chiếc Samsonite. Riêng khẩu Colt 45, Phận đeo vào thắt lưng dù đã có lệnh tuyệt đối không được mang theo vũ khí.
Cũng tại thời điểm này, khoảng 8h30', Frank Snepp và 3 người Mỹ khác, lên đường đến nhà Khiêm. Nguyễn Tấn Phận nhớ lại: "Vừa ra tới cửa, tôi bỗng giật mình khi thấy 3 chiếc Chevrolet to lớn màu đen, mang bảng số ngoại giao, ào vào cổng, sát bức tường phòng thủ của Bộ Tổng tham mưu. Chưa rõ chuyện gì thì Khiêm gọi tôi lại, đưa cho tôi một hộp nhỏ, dài khoảng 5cm, rộng 3cm, gói trong giấy hồng điều. Khiêm dặn: "Phận, giữ cái này là món quà tặng. Một chút nữa tổng thống Thiệu tới thì đem theo". Phận cầm chiếc hộp lên, thấy không nặng mà cũng không nhẹ. Lúc Khiêm ra lệnh như vậy, ông ta nghĩ đó là món quà có thể dùng để tặng ông Đại sứ Mỹ, hay là phi hành đoàn, hoặc một nhân vật nào ở Đài Bắc, nhưng không tài nào đoán ra trong đó có cái gì cho tới khi đến Đài Bắc.
Tại lầu ba Dinh Độc Lập, bên cánh trái. Khoảng 7h30' tối. Trong phòng ngủ, Thiệu thay đồ bốn túi - bộ đồ may bằng vải gabardine màu xanh rêu tại nhà may Huỳnh Hoan, quận 1. Đi qua phòng nhỏ cạnh phòng ngủ, Thiệu nghiêng đầu qua cửa sổ nhìn xuống. Dưới sân, bên cạnh thềm tam cấp, một chiếc xe Mercedes màu xanh đậm đã đậu sẵn. Người cầm lái là đại tá Nhan Văn Thiệt. Thấy mọi việc đã sẵn sàng, Thiệu rút trong hộc tủ ra khẩu súng ngắn hiệu Browning đã nạp đầy đạn, cho vào túi áo.
Xong xuôi, Thiệu bấm interphone gọi sĩ quan tùy viên trực lúc đó là đại úy Trần Anh Tuấn. Thiệu đưa cho Tuấn một gói nhỏ và ra lệnh: "Chú mang cái hộp này qua cụ Hương. Nếu không gặp cụ thì ngày mai đem qua cũng được. Nhớ đừng mở ra".
Thiệu ra khỏi phòng. Khi tới cạnh thang máy, một người lính cận vệ đưa tay chào và bấm nút mở cửa thang. Trước khi vào, Thiệu quay lại dặn đại úy Tuấn: "Tôi đi qua nhà đại tướng Khiêm ăn cơm rồi về, chú khỏi đi theo". Sau đó, Thiệu bước rất nhanh vào thang máy, tự tay bấm nút xuống tầng trệt. Tại tầng trệt, lúc cánh cửa thang mở ra thì đại tá Điền đã đứng đó, đưa tay chào theo kiểu nhà binh. Thiệu vừa bước xuống bậc tam cấp thì cũng là lúc hai người lính cận vệ đến để đổi gác, khiến Thiệu giật mình. Thiệu và Điền lanh lẹ chui vào xe, Điền ngồi bên phải - chỗ ngồi chính thức của Thiệu để đề phòng trường hợp Thiệu bị ám sát.
Vừa ngồi vào xe, Thiệu liền hỏi Điền: "Có mấy cây súng?”. Điền đáp: "Trình tổng thống, có hai cây, một M16, một Colt 45". Ngay lập tức, Nhan Văn Thiệt cho xe chạy vòng qua sân cỏ, lướt ngang thềm đại sảnh rồi tiến thẳng ra cổng chính là đầu đại lộ Thống Nhất. Rẽ trái trên đường Pasteur, chiếc Mercedes theo đường Hiền Vương quẹo qua đường Công Lý và chạy thẳng theo đại lộ Cách mạng 1/11. Vào đến cổng chính Bộ Tổng tham mưu, xe rẽ phải. Nhìn thấy chiếc Mercedes, Nguyễn Tấn Phận nhận ra ngay nhưng xe không vào nhà Trần Thiện Khiêm mà chạy thẳng về nhà Thiệu.
Phận lên phòng làm việc của Trần Thiện Khiêm một lần nữa. Lúc này, Polgar - trùm CIA ở Nam Việt Nam và Timmes đang cùng Khiêm uống rượu. Một lát sau, xe chở Thiệu xuất hiện. Những sĩ quan đi cùng đoàn với Thiệu xách xuống mấy chiếc vali có vẻ rất nặng, họ đề nghị Frank Sneep mở cốp sau, để họ chất vali vào. Theo Frank Sneep, thì "khi họ đặt vali xuống, có tiếng kim loại va vào nhau".
Từ trên lầu, khi đi ngang qua phòng ăn, Phận giật mình thấy Thiệu đang ngồi nói chuyện với Khiêm ở phòng khách, bên cạnh mấy ly rượu. Bước ra phía trước nhà, Phận thấy Thomas Polgar đang ngồi tại bàn viết của sĩ quan tùy viên, kiểm soát lại họ, tên của những người đi để điền vào "giấy tạm cư" dựa trên bản danh sách viết tay của Thiệu. Giây lát, Polgar, Timmes đi ra. Nhìn thấy họ, Thiệu khẽ gật đầu chào rồi chui vào xe của Frank Sneep, ngồi ở ghế sau, giữa Timmes và đại tá Đức. Đoàn xe hướng về sân bay Tân Sơn Nhất với một tốc độ không làm ai phải chú ý. Phía trước, 1 xe Ford Pinto của văn phòng CIA Sài Gòn dẫn đường. Phía sau, là hai xe trong đó gồm 9 người, được tổng thống Trần Văn Hương cho phép ra đi theo yêu cầu của Nguyễn Văn Thiệu.
Phận kể: "Lúc xe qua khỏi cổng sân bay, tôi giật mình vì thấy tất cả tối om, hình như cả hệ thống điện đã bị cúp". Có lẽ đã được dặn trước, Nhan Văn Thiệt cho xe chạy vòng qua khu vực của Hãng Hàng không Mỹ (Air America). Gần tới đường băng, Thiệt tắt hết đèn. Mãi đến khi nhìn thấy ánh sáng lờ mờ hắt ra từ buồng lái, họ mới biết là đã đến sát bên một chiếc máy bay, loại vận tải 4 động cơ cánh quạt C118.
Xe chưa dừng hẳn, 3 chiếc Chevrolet lao tới, một số người Mỹ mặc thường phục, súng M16 trong tay, mở cửa chạy vọt ra, vây quanh Nguyễn Văn Thiệu. Rồi như thể từ trên trời rơi xuống, Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam là Graham Martin xuất hiện ngay chân cầu thang máy bay. Sau này, khi kể lại chuyện bố trí cho Nguyễn Văn Thiệu rời Sài Gòn, Martin vẫn úp mở, rằng: "Ông Thiệu đã ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn", và "chúng tôi đã để ý và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết".
Chiếc C118 có đuôi số 231 được Martin gọi từ Thái Lan sang Tân Sơn Nhất. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, Martin đến tận chân cầu thang tiễn Thiệu. Vẻ mặt buồn thảm, Thiệu cố giữ dáng đi bình thản, mắt cúi nhìn xuống đất. Lúc sắp sửa bước lên cầu thang, Thiệu quay lại cám ơn Martin đã lo liệu cho ông ta chuyến đi. Với một giọng khàn khàn, Martin đáp: "Thưa tổng thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt và chúc ngài may mắn".
Khi tất cả đã yên vị thì Thiệu từ hàng ghế phía trước bước ra phía sau, nơi những người chạy theo Thiệu đang ngồi. Thiệu đứng giữa lối đi, với khuôn mặt không còn giống như hồi ở nhà Khiêm nữa. Nét giận dữ hiện rõ trong tia mắt Thiệu mà đám tướng tá, sĩ quan tùy viên đã từng chứng kiến nhiều lần trước kia. Các sĩ quan làm việc quanh Thiệu đôi khi phải đón nhận những phản ứng dữ dội từ Thiệu, thay cho các đối tượng mà Thiệu cần phải giữ hòa khí ở một mức độ có thể coi được, Thiệu thường "giận cá chém thớt" và hay "phang nhầm" người khác. Với cái nhìn đầy căm hận, mặt đỏ gay, Thiệu gằn từng tiếng: "Nè, các chú nhớ là không được nói gì hết. Có ai hay báo chí hỏi thì trả lời là không biết gì hết! Nghe chưa!". Nói xong, Thiệu trở về phía trước.
Không ai bảo ai, tất cả đều im lặng, chỉ có tiếng nổ rì rì của động cơ máy bay. Mới hôm nào đây, trong bài diễn văn từ chức, Nguyễn Văn Thiệu vẫn hùng hổ tuyên bố: "Mất một tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội còn trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ...". Ấy thế mà mới chỉ 4 ngày, "tổng thống, trung tướng, chiến sĩ" Nguyễn Văn Thiệu đã chui tọt vào máy bay. Mà sự ra đi ấy nào có vinh quang gì cho cam, đi trong lặng lẽ, lén lút. Nói một cách chính xác thì đó là "bỏ của chạy lấy người".
Nguyễn Tấn Phận ôm cái hộp của Trần Thiện Khiêm trong suốt chuyến bay (sau này ông ta mới biết trong đó chỉ là một chiếc radio 4 băng tần hiệu Zenith mà Khiêm tặng cho Phận). Không ai nói chuyện với ai, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của mình. Đột ngột, máy bay giảm độ cao, đảo một vòng rồi hạ cánh. Đường băng trước mặt là phi trường Đài Bắc. Phận nhìn đồng hồ. Đúng 3h40' sáng. Nhân viên cơ khí phi hành mở cửa cầu thang. Gió ùa vào nghe lành lạnh. Mọi người lần lượt xuống máy bay.
Phận kể: "Tại chân cầu thang, trong ánh điện lờ mờ, tôi nhận ra bà Nguyễn Văn Kiểu, là vợ đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Đài Bắc; một trung tá, tùy viên quân sự tại tòa đại sứ, một viên chức cao cấp của chính quyền Đài Loan và một nhân vật không kém phần quan trọng, đó là Trưởng Chi nhánh CIA Mỹ tại Đài Bắc". Một điều đặc biệt là không hề có mặt nhân viên cơ quan di trú vì đây là một trường hợp ngoại lệ: Để cho việc ra đi danh chính ngôn thuận, Trần Văn Hương ký quyết định đề cử cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hướng dẫn một phái đoàn đi Đài Bắc, Đài Loan, để... phân ưu cùng Đài Loan về việc tổng thống Tưởng Giới Thạch chết, mặc dù đám ma ông Tưởng Giới Thạch đã được cử hành trước đó cả tháng trời!
Những ngày ở Đài Loan, Thiệu ngồi lặng lẽ hàng giờ cạnh chiếc radio, nghe BBC tường thuật giờ phút hấp hối của Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, ông ta đến Anh quốc và cuối cùng, Thiệu định cư tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ. Trong suốt thời gian sống ở Mỹ cho đến khi chết, Nguyễn Văn Thiệu rất kín tiếng. Ngay cả hàng xóm của ông ta cũng không biết họ đang ở cạnh "tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa".
Khi biết Thiệu đã định cư ở Mỹ, một vài người có mặt trong chuyến bay "bỏ của chạy lấy người" điện thoại cho Thiệu, ngỏ ý muốn đến thăm ông ta nhưng lần nào Thiệu cũng từ chối. Có lẽ cái nhục bại trận đã khiến Thiệu không muốn gặp lại thuộc cấp. Chẳng những thế, ông ta còn nhắc lại câu nói trên chiếc máy bay C118 ngày nào: "Có ai hay báo chí hỏi thì trả lời là không biết gì hết! Nghe chưa!"
Hèn quá, hèn gì việt+ chiếm trọn miền Nam nhưng vẫn không thu phục được nhân tâm dù đã gần 40 năm. Bây là là thế kỷ 21 rồi chứ không phải như cái thời nằm rừng chống muỗi đâu mà muốn viết gì thì viết. Tội nghiệp, sao không dành thời gian bí bô này để lo việc sắp mất nước đến nơi rồi kìa có ích hơn ko?
Ừ , thời bây giờ người VN minh hiểu biết rất rộng rãi ,không phải như hồi xưa cả đời chỉ bít 1 chỗ mình cư ngụ đâu mà muốn nói tào lao cho dân chúng nghe là đươc đâu...đúng là tuyên truyền ba xạo...hiện giờ hoang sa, trương sa bi chiếm đóng không giỏi nói về vấn đề đó đi cứ rút đầu rút cổ "phản đối"
Chẳng những thế, ông ta còn nhắc đi nhắc lại câu nói ngày nào: "Ðừng nghe những gì CS nói ,nhất là đừng tin những gì bọn bồi bút CS viết .Bởi vì bọn chúng ngoài bợ đít và phét lác ra thì không biết gì hết!nghe chưa!"
...Mới hôm nào đây, trong bài diễn văn từ chức, Nguyễn Văn Thiệu vẫn hùng hổ tuyên bố: "Mất một tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội còn trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ...". Ấy thế mà mới chỉ 4 ngày, "tổng thống, trung tướng, chiến sĩ" Nguyễn Văn Thiệu đã chui tọt vào máy bay. Mà sự ra đi ấy nào có vinh quang gì cho cam, đi trong lặng lẽ, lén lút. Nói một cách chính xác thì đó là "bỏ của chạy lấy người"....
Thật là nhục nhã!
Trò hề chính trị ở miền Nam chấm dứt ...trong nhơ nhớp, không bút mực nào tả xiết....
Thật là nhục nhã!
Trò hề chính trị ở miền Nam chấm dứt ...trong nhơ nhớp, không bút mực nào tả xiết....
vậy có nhục nhã hèn hạ bằng dâng đảo cắt biển cắt đất cho tàu cộng, có hèn hạ khi gặp tàu của chệt cộng không dám nói là tàu trung quốc chỉ dám gọi là tàu lạ, có hèn hạ bằng đưa dân VN đi lao động quốc tế, cho tụi tàu qua VN bắt con gái VN ở truồng để coi trước khi lấy nó không
vậy có nhục nhã hèn hạ bằng dâng đảo cắt biển cắt đất cho tàu cộng, có hèn hạ khi gặp tàu của chệt cộng không dám nói là tàu trung quốc chỉ dám gọi là tàu lạ, có hèn hạ bằng đưa dân VN đi lao động quốc tế, cho tụi tàu qua VN bắt con gái VN ở truồng để coi trước khi lấy nó không
Nói về nhục, thì còn gì nhục hơn bỏ đất nước, bỏ quân đội, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ anh bỏ chị bỏ em, bỏ chạy mà không kịp mặc quần xì-líp, ....hai tay dâng mảnh đất này cho cộng sản. Trốn trách nhiệm, đổ lỗi cho Mỹ bỏ rơi đồng minh này nọ. Sao không động não tự hỏi xem tại sao Mỹ không bỏ Nam Hàn, không bỏ Taiwan, không bỏ Nhật? Mỹ nó bỏ mình ...vì nó không thể nào tiếp tục ...bỏ tiền mãi mãi xuống hố để nuôi dưỡng một chính quyền bất tài nhu nhược được....Mình phải học được bài học đau đớn đó mới phải chứ. Càng nghĩ càng bực. Làm sao "let bygones be bygones" được chứ!
Đối với Hoa kỳ thì Nguyễn văn Thiệu chỉ là một quân cờ như bao nhiêu quân cờ khác trên bàn cờ thế giới mà thôi.
Mà cái bọn da trắng chúng có coi dân VN mình là cái thứ gì đâu chứ.
Thật là tủi nhục cho một dân tộc ... suốt lịch sử dài mấy nghìn năm chỉ có chiến tranh .., và khi hết chiến tranh thì lại bị chia rẽ, rồi chửi rủa lẫn nhau ... buồn ..............
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.