Giao Long, tàu lặn có người lái của Trung Quốc, vừa trải qua một số đợt nâng cấp và sẽ tiến ra Biển Đông và Thái Bình dương vào tháng 6 tới để thực nghiệm.
Tàu lặn Giao Long trong một chuyến lặn thử. Ảnh:
xinhua
"Giao Long đang bước vào thời kỳ thử nghiệm trước một lịch trình bận rộn",
China Daily dẫn lời Liu Feng, giám đốc Trung tâm Biển sâu Quốc gia Trung Quốc cho hay.
Theo ông Liu, chuyến thực nghiệm đầu tiên ở Biển Đông của Giao Long sẽ diễn ra vào tháng 6 nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. Chuyến thực nghiệm này sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học cùng các nhà đại dương học.
Sau đó, tàu lặn sẽ đi ra Thái Bình dương để khảo sát địa chất. Các chuyến tiếp theo này có khả năng tiến hành tại hai khu vực ở tây Thái Bình dương vào tháng 7. Các nhà khoa học sẽ thu thập các mẫu sinh học và khoáng sản, nghiên cứu môi trường và chuẩn bị cho các hoạt động khai thác khoáng sản.
Trung Quốc cũng đang chờ đợi sự phê duyệt của Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế để khai thác khoáng sản.
Giao Long dài khoảng 8,2 m, rộng 3 m, cao 3,4 m, nặng gần 22 tấn và có thể chở 3 người. Tàu lặn này đạt đến độ sâu kỷ lục 7.062 m ở rãnh Mariana hồi tháng 6 năm ngoái, mang đến cho Trung Quốc cơ hội khai thác 99,8% đáy biển của thế giới.
Sau những lần lặn thử năm ngoái, các kỹ thuật viên đã tiến hành nhiều đợt nâng cấp, thay đổi trong đó có việc điều chỉnh ánh sáng để chụp ảnh và đảm bảo những hình ảnh video sắc nét hơn.
Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), Trung Quốc sẽ phát triển một tàu mẹ 4.000 tấn cho các tàu lặn biển sâu, và một tàu nữa để nghiên cứu khoa học dưới đại dương. Để tăng tốc độ khai thác, một tàu lặn khác được thiết kế với độ sâu 4.000 m cũng đang được sản xuất.
Ông Liu cho rằng Trung Quốc cần nghiên cứu và phát triển nhiều loại tàu lặn để có thể khám phá đại dương ở nhiều độ sâu khác nhau. Ông cũng kêu gọi sự hợp tác từ phía quốc tế.
"Chúng tôi hoan nghênh thế giới và các nhà khoa học quốc tế cùng tham gia các hoạt động", ông nói. "Những gì chúng tôi làm không hề rẻ, không phải chỉ có một cá nhân hay một tổ chức, hay thậm chí một quốc gia có thể gánh vác được. Chia sẻ kinh nghiệm và phương tiện là biện pháp nên làm".
Anh Ngọc
theo vne