R8 Võ Lâm Chí Tôn
Join Date: Jun 2009
Location: US
Posts: 17,796
Thanks: 0
Thanked 0 Times in 0 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 0 Post(s)
Rep Power: 33
|
Đánh giá chi tiết tablet đắt nhất thế giới ASUS Eee Slate EP141
Với xu hướng sử dụng máy tính bảng thay vì laptop, ASUS đã giới thiệu sản phẩm Eee Slate EP121 với cấu hình, tính năng và phụ kiện đi kèm rất mạnh mẽ để lôi cuốn những người còn đang mặn mà với laptop.
Sự ra mắt của iPad 2 vào đầu tháng 3 vừa qua đã tạo nên một cơn sốt mới trong thị trường máy tính bảng. Và không chịu thua kém Apple, tập đoàn sản xuất máy tính hàng đầu đến từ Đài Loan ASUS đã có lời đáp trả với việc tung ra một chiếc tablet cấu hình mạnh mẽ, có thể nói là ngang ngửa với cấu hình của các laptop phổ thông hiện nay trên thị trường. ASUS đã thay đổi hoàn toàn những gì được trang bị trong một chiếc tablet từ trước đến giờ. Trong bài viết dưới đây, GenK sẽ cùng các bạn đánh giá thiết kế cũng như hiệu năng của sản phẩm được dự báo là sẽ thay đổi cái nhìn của người sử dụng về tablet này.
Cấu hình thử nghiệm
- Bộ xử lý: CPU Intel Core i5 470UM 1.333 Ghz
- Bộ nhớ trong: 4 GB DDR3
- VGA: Intel HM55 integrated graphics
- Màn hình: 12.1” 1280 x 800
- Ổ đĩa cứng: Sandisk SSD 64 GB
- Các cổng kết nối: 2xUSB 2.0, 1xHDMI, 2in1 audio port, multi-card reader.
- Kết nối không dây: Atheros b/g/n Wireless, Bluetooth 3.0.
- Ổ DVD
- Pin: 34Whr
- Cân nặng: 1.16kg, Kích thước: 17x312x207 (mm)
- HĐH: Microsoft Windows 7 Home Premium 64 bit
- Giá tham khảo: 1000 Euro
Thiết kế
Máy được bao bọc bởi một lớp vỏ rất cứng cáp và sang trọng, khi cầm máy trên tay, không có bất kì chỗ nào trên thân máy cho cảm giác bị lún hay ọp ẹp. Viền màn hình của máy làm bằng kim loại và được thiết kế khá mỏng. Tuy nhiên phần nắp nhựa che cổng USB của máy trông khá thô, và hơi khó để tháo ra.
Eee Slate EP121 (dưới) so với iPad 2 (trên).
Nhược điểm dễ nhận ra nhất đó là cân nặng và kích thước của máy. Máy nặng 1.16kg và có kích thước 17x312x207mm, khá lớn so với các tablet như Samsung Galaxy TabApple iPad. Đây là điều không thể tránh khỏi với phần cứng “khủng” được trang bị trong máy. Tuy nhiên kích thước của máy thuộc loại nhỏ gọn khi so sánh với các laptop cùng cấu hình. Đi kèm còn có một vỏ case bảo vệ bằng da giúp bảo vệ thân máy khỏi va đập và trầy xước. hay
Các cổng kết nối
Máy được trang bị 2 cổng USB 2.0, một cổng HDMI, một đầu đọc thẻ, Wifi, Bluetooth 3.0 và một cổng audio kết hợp với microphone. Tuy nhiên không được tích hợp 3G, đây có thể là một điểm trừ đối với một chiếc tablet. Hệ điều hành Windows quen thuộc giúp chúng ta không bị giới hạn phần mềm va các thiết bị ngoại sử dụng trên máy. Không App Store, chỉ cần những bộ cài phần mềm quen thuộc với Windows là chúng ta đã có thể làm được các công việc thường dùng trên chiếc máy tính bảng này.
Mặt trước: khe tản nhiệt.
Mặt trái: nút nguồn, nút điều chỉnh volume, HDMI, audio, USB 2.0,
reset, USB, đầu đọc thẻ và loa ngoài.
Mặt sau: khe cắm bút cảm ứng, khe tản nhiệt, nút khóa, nút điều chỉnh
bàn phím ảo, bật/tắt màn hình.
Mặt phải: loa ngoài.
Thao tác trên hệ điều hành Windows 7
Bàn phím bluetooth đi kèm máy có thiết kế cong khá lạ mắt và cho cảm giác khá êm khi gõ. Tuy nhiên chúng ta cần một chút thời gian để làm quen với thiết kế bàn phím này. Ngoài ra bàn phím ảo trên máy cũng được thiết kế khá vừa tay người dùng do kích thước của máy là 12”.
Cảm ứng bằng tay trên máy cũng là cảm ứng đa điểm nên có thể thao tác sử dụng với một hoặc nhiều ngón tay. Cảm ứng của máy khá tốt và chính xác, không đem lại cảm giác khó thao tác cho người dùng. Người dùng có thể tùy chọn tắt tính năng cảm ứng bằng tay.
Bút cảm ứng đi kèm máy được sử dụng để thao tác với các điểm nhỏ trên màn hình mà chúng ta không thể sử dụng ngón tay. Chiếc stylus này hoạt động rất chính xác trên màn hình, tình trạng lệch cảm ứng chỉ xảy ra khi chạm vào các điểm ở viền màn hình. Tuy nhiên độ lệch này khá nhỏ, chỉ khoảng 1mm. Bút cảm ứng của EP1211 được đánh giá tốt hơn so với các laptop dạng tablet như Dell XT2 hay HP 2740p.
Hệ điều hành Windows 7 hỗ trợ các thiết bị tablet rất tốt. Những người sử dụng laptop sẽ cảm thấy rất quen thuộc khi sử dụng EP1211. Tuy nhiên với những ai chưa từng sử dụng qua, cần làm quen với cách sử dụng bút cảm ứng thay vì chuột trái, chuột phải.
Màn hình
Máy được trang bị màn hình 12.1”, lớn hơn so với các tablet như iPad hay Galaxy Tab. Độ phân giải 1280 x 800 của máy giúp chúng ta có thể hiển thị được nhiều thứ hơn trên màn hình. Máy được trang bị màn hình gương và độ sáng đủ để làm việc ngoài trời.
Tuy nhiên máy không thể tránh khỏi nhược điểm của màn hình gương, đó là bị lóa khi đặt ở môi trường có nguồn sáng lớn. Độ tương phản 703:1 của máy chỉ thua iPad cho hình ảnh khi xem phim có màu sắc rực rỡ và màu đen khá sâu. Góc nhìn của màn hình khá tương đồng với iPad, một số màu sắc bị biến dạng khi nghiêng máy. Nhìn chung, màn hình hiển thị của ASUS EP1211 cho chất lượng đủ để thực hiện các công việc văn phòng và giải trí.
Màn hình Asus Eee Slate EP121 có chất lượng ngang ngửa với iPad 2.
Hiệu năng
Chipset Intel HM55 và BXL Intel Core i5 470UM đã đem lại cho EP1211 hiệu năng vượt trội so với các tablet cùng phân khúc. CPU i5 470UM xung nhịp 1.333Ghz thuộc dòng BXL thế hệ Core i tiết kiệm điện năng có tích hợp các tính năng cao cấp như Turbo Boost lên 1.86Ghz. Card đồ họa tích hợp của máy đạt 1120 điểm 3DMarks 06 tại độ phân giải 1280 x 800, tương đương với hiệu năng đồ họa trên các netbook nền tảng Nvidia ION 2. Máy có thể chơi mượt mà các bộ phim full HD mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Máy đạt 4414 điểm PC Mark Vantage. Thông tin chi tiết các bạn có thể xem ở bảng dưới.
Điểm số dựng hình trên Cinebech R10 & R11.
Ổ cứng Sandisk SSD 64 GB là một điểm nhấn trong hiệu năng của máy. Tốc độ khởi động HĐH hay chạy các ứng dụng là rất tốt. Tốc độ đọc thường dao động từ 90-130MB/s, tốc độ ghi khoảng 55MB/s.
Phần cứng tuy “khủng” đối với các tablet, tuy nhiên EP1211 không thích hợp để làm một cỗ máy “cày” games. Trong khi các tablet như iPad hay Galaxy Tab với màn hình cảm ứng đa điểm cho các trải nghiệm game mới mẻ thì EP1211 chỉ chạy được các games dành cho Windows với sự hỗ trợ của bàn phím và chuột gắn ngoài. Một số games như WOW hay The Sims 3 có thể chạy tốt với thiết lập ở mức thấp. Tuy nhiên các game nặng hơn như StarCraft II hay Anno 1404 chỉ chơi được ở mức settings rất thấp.
Hiệu năng khi thử nghiệm một số games trên Eee Slate EP1211.
Nhiệt độ, độ ồn và loa
Máy chạy khá mát khi nhiệt độ tối đa đo được trên bề mặt của máy là 32.7 độ C. Tiếng ồn máy phát ra khi hoạt động là khá to so với các tablet, tuy nhiên độ ồn của máy vẫn thuộc loại “yên lặng” khi so sánh với các laptop hay netbook.
Loa ngoài được trang bị theo máy cho âm thanh chỉ vừa đủ nghe. Không thể đòi hỏi một hệ thống âm thanh tốt trong một tablet màn hình 12”. Tuy nhiên máy cho âm thanh rất tốt trong các tác vụ thoại qua Internet do chất âm của máy nặng về treble.
Thời lượng dùng pin
Máy được trang bị pin 34Whr, đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dùng. Tuy nhiên với phần cứng khá mạnh mẽ so với một tablet như vậy, chúng ta không thể đòi hỏi một con số ấn tượng về thời gian sử dụng pin. Qua thử nghiệm, điện năng tối thiểu và tối đa mà máy tiêu thụ lần lượt là 7.6W và 29W. Tất nhiên, những con số này không thể so sánh với các tablet sử dụng kiến trúc ARM tiêu thụ chỉ 3W với phần cứng hạn chế hơn rất nhiều.
Thiết lập độ sáng màn hình tối thiểu và không bật Wifi, máy cho thời gian sử dụng là 4h11’. Khi cho máy xử lý các tác vụ nặng với độ sáng màn hình tối đa, máy chỉ trụ được 1h33’. Nhìn chung, thời gian dùng pin của máy chỉ ở mức trung bình và vừa đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Tổng kết
ASUS đã đưa ra một chiếc tablet với các đặc điểm hoàn toàn khác so với các sản phẩm cùng loại, mạnh hơn và chạy HĐH Windows quen thuộc. Thậm chí, chúng ta có thể nghĩ đến việc sử dụng chiếc tablet này để thay thế máy bàn dành cho việc thực hiện các tác vụ văn phòng cơ bản. HĐH Windows 7 khiến người dùng có thể dễ dàng thao tác với giao diện cũng như các phần mềm trên máy. Máy chạy các tác vụ cơ bản như Office, lướt web hay xem phim HD rất mượt mà.
Tuy nhiên, cấu hình mạnh mẽ luôn đi kèm với việc tiêu tốn nhiều điện năng. Thời lượng dùng pin của máy chỉ ở mức trung bình so với các tablet. Máy chỉ chạy tối đa được 4 tiếng. Ngoài ra độ ồn khá lớn của máy so với các tablet cùng loại cũng là một vấn đề gây khó chịu khi sử dụng. Các kết nối được trang bị khá đầy đủ trên EP1211 bao gồm USB và HDMI. Tuy nhiên việc thiếu vắng 3G trong một chiếc tablet là một điểm trừ khá lớn. Màn hình cảm ứng của máy hiển thị màu sắc tốt và cho thao tác mượt mà khi sử dụng ngón tay cũng như bút cảm ứng để nhập liệu. Các phần mềm trên máy có thể dễ dàng cài đặt và rất phong phú dưới sự hỗ trợ của HĐH quen thuộc Windows 7.
Bộ phụ kiện phong phú của ASUS Eee Slate EP121.
ASUS đã mang lại một bước tiến lớn về cấu hình của các sản phẩm tablet. Tuy vẫn còn những nhược điểm, nhưng nhìn chung đây là một sản phẩm tốt và đáng giá. Máy được đi kèm một bàn phím bluetooth, một chiếc bút cảm ứng, một vỏ da bảo vệ và một miếng vải mềm dùng để vệ sinh máy. Máy còn được trang bị rất nhiều phần mềm của ASUS, bộ Microsoft Office 2010 Starter và một DVD Recovery khi máy gặp sự cố. ASUS còn khuyến mãi cho người dùng 500GB lưu trữ trên ASUS Webstorage. Giá tham khảo: 1000 Euro ~ 1.440 USD và khoảng 30 triệu VND.
Genk
Nguồn: notebookcheck
|