
- Câu này là tôi nghe thường xuyên lúc còn nhỏ. Lúc đó ông bà ngoại tôi thương cậu Hai hơn má tôi. Có gì ngon hay quần áo đẹp là cho cậu hai trước. Má tôi hay khóc thầm mỗi khi đêm về. Khi nào đi đâu về là ông Ngoại tìm cậu Hai trước mới gọi má sau. Nhà Ngoại có người làm phân công hẳn lo cho cậu. Bà Ngoại thương má thì chỉ âm thầm ôm con thôi.
Vậy mà mỗi khi ông Ngoại bị bệnh hay say rượu lúc đi giỗ chạp về thì chỉ có má lo. Nhà chỉ có hai anh em nhưng tài sản thì ông Ngoại đã cho cậu cả hết. Ngay từ lúc nhỏ thì má đã nhận ra được điều đó. Ai cũng nói đó là sự mặc nhiên từ trước đến giờ. Con gái lấy chồng là phải ra khỏi nhà và là con nhà người ta không còn dính líu gì đến gia đình nữa. Hầu hết đó là cách suy nghĩ xưa nay của người Việt Nam mình. Thật là bất công và tội nghiệp cho thân phận người phụ nữ ngay từ lúc nhỏ họ đã bị đối xử như thế.
Ngày má tôi lấy chồng ông bà ngoại cho một ít tài sản gọi là của hồi môn. Lúc đó nhà tôi nghèo ba tự ái không muốn nhờ vả bên Ngoại nên cố gắng làm. Ngày cậu Hai lấy vợ ông bà ngoại cho căn nhà mặt tiền đường, đất đai và nhiều của cải khác. Lúc nhỏ thì cậu đã được nuôi nấng nuông chiều nên đã hư, cậu ham chơi hơn ham làm. Mấy môn cờ bạc đá gà rượu chè thì cậu mê số một. Nên chẳng bao lâu số tài sản không cánh mà đội nón bay đi.
Có mấy lần má bị muốn mượn tiền cậu để sửa chữa lại nhà trong những ngày mưa gió nhưng bị cậu từ chối. Phần ba ngại không muốn bị nói là nhờ bên ngoại nên âm thầm làm lụng rồi từ từ sửa chữa nhà cửa, lo cho các con ăn học đàng hoàng. Nhờ vậy ba mẹ tôi tuy không giàu có như cậu nhưng các con được học hành thành đạt.
Ông bà ngoại về già không còn tài sản như xưa nữa phần thì bệnh tật phải lo thuốc thang phần lớn là do cậu Hai là phá gia chi tử. Không còn tài sản gì nhiều nên cậu phải tha phương cầu thực. Cậu lên Long Khánh trốn nợ do bài bạc, vợ cậu vì quá khổ sở nên bỏ cậu đi luôn không hẹn ngày trở lại. Ông bà ngoại già rồi chỉ đùm bọc thời gian, nghe tin con trốn nợ mà đau lòng. Cuối cùng thì ông bà ngoại cũng phải bán căn nhà còn lại để trả nợ cho con. Người ta nói nước mắt chảy xuôi là vậy mà. Không thể nhìn thấy con chết mà phải làm mọi cách để cứu con.
Nhà bán rồi ông bà ngoại phải theo cậu về ở trên Long Khánh. Nhưng chỉ thời gian ngắn thôi cậu có làm ăn gì đâu nên số tài sản còn lại như gió vào nhà trống. Quá khổ sở ông bà ngoại đành phải cuốn gói về con gái ở. Má tôi vì thương cha mẹ nên hết lòng phụng dưỡng. Ngày ông ngoại mất chỉ có ba má tôi lo cho mồ yên mả đẹp còn cậu thì trốn nợ bài bạc nên đâu dám về thọ tang. Bà ngoại vì thương nhớ ông ngoại mới mất, còn thằng con hư hỏng bà đau buồn thành tâm bệnh rồi ra đi theo ông ngoại.
Ai cũng nói tại ông bà ngoại thương con không đồng đều trọng nam khinh nữ nên cuối đời ông bà nhận quả đắng. Cậu Hai vì ăn chơi cờ bạc nên cuối đời trắng tay nằm bệnh trong căn nhà lá tồi tàn. Vợ cậu bỏ đi vì không chịu nổi sự khổ cực cuối cùng thì chỉ có má vì máu mủ ruột rà mà đem cậu về chăm sóc. Cậu ân hận lắm nhìn lại cuộc đời mình chỉ ăn tàn phá hại làm sụp đổ cả gia sản mà ông bà ngoại cả đời chắt chiu mới gầy dựng được. Nhưng mọi sự hối hận đều quá muộn màng ...
Ngày cậu mất không một ai đưa tiễn. Lúc còn sung túc thì bạn bè đông lắm ăn nhậu chè chén khắp mọi nơi ...nay nghe tin cậu hết tiền, nợ nần chồng chất còn mang bệnh tật nên bọn chúng dần dần xa lánh. Cậu cay đắng nhận ra thì đã quá muộn ...
Ngày nay thì nạn phân biệt trọng nam khinh nữ đã giảm đi khá nhiều tuy vẫn còn đâu đó trong cuộc sống. Dù là trai hay gái cũng đều là con của mình là máu mủ ruột rà sao lại nỡ phân biệt đối xử.
Riêng tôi rất thương con cháu, tài sản phải được chia đồng đều dù là con trai hay con gái đặc biệt là cháu gái tôi lại thương hơn cháu trai vì sinh ra phận nữ giới đã là thiệt thòi nên nó phải được bù đắp bằng tình thương của mọi người.
VietBF@sưu tập