Sau gần một tuần 5 ngân hàng cùng SJC bán vàng ra theo chủ trương bình ổn, giao dịch không còn sôi động như trước nhưng giá trong nước vẫn cao hơn thế giới gần 1,5 triệu đồng mỗi lượng.
Ngân hàng Nhà nước chưa công bố thống kê lượng vàng bán ra kể từ hôm 6/10 (ngày đầu tiên thực hiện bán vàng bình ổn). Tuy nhiên, theo ước tính của các ngân hàng và doanh nghiệp, con số này hiện vào khoảng trên 10 tấn. Trong đó, riêng Tổng công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC bán ra hơn 60.000 lượng (hơn 2 tấn).
Nguồn cung cho thị trường dồi dào hơn, chủ yếu là vàng thương phẩm có sẵn trong kho và không phải nhập khẩu. Thế nhưng, khoảng chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới vẫn chưa về đúng như kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước khoảng 400.000 đồng nếu tính theo giá USD niêm yết trong ngân hàng.
Tính đến 13h chiều nay, vàng của các doanh nghiệp và ngân hàng lớn đang được công bố quanh mức 43,55-43,85 triệu đồng một lượng. Cùng lúc đó, mỗi ounce vàng quốc tế đứng ở 1.666,50 USD một ounce.
Nếu tính theo cách, lấy giá vàng thế giới nhân với tỷ giá USD ngân hàng, rồi nhân với hệ số 1,20556, mỗi lượng vàng quốc tế quy đổi hiện tương đương 42 triệu đồng (chưa gồm phí), thấp hơn 1,5 triệu đồng so với giá thực tế mà các ngân hàng đang bán. Do đó, dù giá trong nước đã giảm đáng kể, trên dưới 1,5 triệu đồng so với trước khi gói bình ổn được tung ra, vàng nội địa vẫn còn đắt đỏ so với thế giới.
Nhiều quan điểm cho rằng giá các ngân hàng và SJC bán ra không nên chênh so với thế giới nhiều như vậy. Bởi các ngân hàng xuất vàng trong kho ra bán theo chủ trương bình ổn của Ngân hàng Nhà nước, họ không tốn đôla Mỹ để nhập khẩu và chi phí vận chuyển. Do đó, giá vàng bán ra cho dân phải tính theo giá USD niêm yết trong ngân hàng và không cộng các loại phí.
Bản thân một lãnh đạo của Ngân hàng Á Châu cũng cho biết, sau một tuần bán vàng bình ổn, đơn vị này cũng mới chỉ mua cân đối lại số vàng trong nước chứ chưa dùng đến nghiệp vụ ký quỹ vàng tài khoản. "Nguồn cung vàng trong nước hiện nay chưa đến mức căng thẳng và vẫn đáp ứng được nhu cầu trong nước", vị này nói.
Giao dịch của người dân mấy ngày nay chậm hẳn sau đợt tham gia bán vàng bình ổn của ngân hàng và SJC. Ảnh:
Lệ Chi
Tuy nhiên, theo lý giải của ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty SJC, giá vàng mà SJC cùng với 5 ngân hàng đưa ra không thể tính theo giá USD ngân hàng niêm yết. Bởi thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu vàng đều phải mua USD theo giá tự do 21.500 đồng. Ngoài ra, khi cộng với các loại chi phí khác, giá vàng sản phẩm hiện giờ chỉ còn cách giá thế giới dưới 500.000 đồng. "Đây là mức giá tương đối hợp lý trong thời điểm này", ông Tường nhấn mạnh.
Một số lãnh đạo của các nhà băng trong nhóm 5+1 cũng lý giải, mặc dù họ lấy vàng huy động trong kho ra bán, nhưng cũng phải mua cân đối lại với giá cao. Đó là chưa kể phải dự trù nhập khẩu để về bổ sung nguồn cung. Vì vậy, các nhà băng buộc phải tính các chi phí phát sinh dự trù khi nhập.
"Hơn nữa, ngân hàng cũng không thể bán giá thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Nếu điều này xảy ra, người dân kéo đến mua ào ạt thì lấy đâu đủ nguồn vàng để đáp ứng trong thời gian ngắn", Tổng giám đốc một ngân hàng trong nhóm 5+1 nói.
Như vậy, nếu căn cứ theo tỷ giá USD tự do 21.500 đồng, mỗi lượng vàng thế giới lúc 13h là 1.666,50 USD, quy ra khoảng hơn 43,20 triệu đồng tiền Việt. Nếu cộng thêm các loại phí (vận chuyển, chi phí lãi suất trong thời gian chờ dập đúc, phí gia công, bảo hiểm rủi ro... khoảng 200.000 đồng) giá của mỗi lượng quy đổi khoảng 43,4 triệu đồng, thấp hơn giá thực tế của các doanh nghiệp chỉ khoảng 150.000 đồng thu gom và 450.000 đồng bán ra.
Trước sự thiếu nhất quán về cách tính giá vàng hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM cho rằng, bên cạnh việc đưa ra gói giải pháp ổn định giá vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng nên sớm đưa ra các quy định về công thức tính giá bán, giá mua, hay độ vênh giữa mua và bán bao nhiêu thì hợp lý? Khoảng cách giữa giá trong và ngoài nước phải là bao nhiêu?... thì gói giải pháp trên mới hy vọng có hiệu quả như mong muốn.
Trước cơ hội có thể kiếm lãi cao từ việc bán vàng, nhiều ngân hàng cũng đang lăm le xin phép Ngân hàng Nhà nước tham gia. Mới đây nhất là thông tin Ngân hàng Phương Nam và Việt Á đã đệ đơn trình lên Thống đốc. Tuy nhiên, trao đổi với
VnExpress.net, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á Phạm Duy Hưng và Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam Phan Huy Khang cho biết, đó mới chỉ là đề xuất và 2 đơn vị này chưa nhận được giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Hồ Hữu Hạnh cũng cho hay, cơ quan này chưa nhận được quyết định chính thức nào từ phía Ngân hàng Nhà nước trong việc cho phép thêm hai ngân hàng tham gia bán vàng bình ổn. "Hiện tại chúng tôi chỉ có biết đến quyết định chính thức cho 5+1 (5 ngân hàng và Công ty SJC) tham gia bán vàng bình ổn", ông Hạnh nói.
Trên thực tế, nhìn vào diễn biến thị trường giao dịch vàng hiện nay, sau hàng loạt biện pháp được Ngân hàng Nhà nước tung ra, cùng với sự ít biến động của giá kim loại quý thế giới, lực cầu của người dân đã chậm lại đáng kể.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty SJC cho biết, sức mua trong ngày hôm qua nay chậm nhất kể từ hôm 6/10. "Người dân và nhà đầu tư rất ít tham gia thị trường. Cả mua và bán đều rất vắng", ông Tường nói.
Nhu cầu mua vàng của nhiều người dân tại các doanh nghiệp không thuộc đơn vị bán vàng bình ổn cũng đang giảm dần. Thống kê từ các đơn vị đều cho thấy, lượng bán ra giảm rõ rệt, ngay cả khi giá giảm xuống dưới vùng 44 triệu đồng.
Tổng giám đốc Công ty vàng Sacombank-SBJ Nguyễn Ngọc Quế Chi cho biết, trong ngày hôm qua 11/10, tổng giao dịch của đơn vị này chỉ đạt khoảng hơn 3.000 lượng, thấp hơn so với những ngày trước.
Tại các hiệu vàng bán lẻ trên địa bàn TP HCM, ghi nhận lượng giao dịch cũng khá yếu. Chủ hiệu vàng gần chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh cho biết, hôm qua nay, xu hướng mua vào vẫn nhỉnh hơn so với bán ra. Tuy nhiên, lượng khách đến giao dịch ít hơn mọi ngày, có thể do nhiều người kỳ vọng giá sẽ còn xuống nữa nên chưa vội tham gia thị trường", ông này cho biết.
Còn tại Hà Nội, giao dịch mua bán cũng trong không khí trầm lắng kéo dài kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố tung biện pháp bình ổn thị trường hôm 5/10. Các doanh nghiệp cho biết lượng vàng bán ra hôm nay vẫn ở mức thấp so với thời điểm trước bình ổn.
Thống kê 11/10 cho thấy, lượng vàng giao dịch của cả Tập đoàn DOJI cũng chỉ đạt khoảng 5.000 lượng, thấp hơn nhiều so với trước. "Người mua vàng đã ít, khách đến bán vàng còn ít hơn", đại diện đơn vị này nói.
Lệ Chi - Thanh Bình
Theo vnexpress