Cái việc cho hàng nghìn nhân sự nghỉ việc đúng ngày đầu tiên tiếp quản mạng xã hội Twitter của tỷ phú Elon Musk có lẽ cũng không thẳng tay nếu so sánh với sự việc vừa xảy ra giữa ông và kỹ sư lập trình phần mềm Eric Frohnhoefer.
Câu chuyện bắt đầu từ hôm chủ nhật, khi Musk đăng MXH xin lỗi việc Twitter vận hành tải bài viết chậm ở nhiều quốc gia, lấy lý do hiệu năng kém vì ứng dụng gửi “cả nghìn yêu cầu lỗi” để lấy dữ liệu hiển thị trên trang timeline của người dùng.
Và cứ mỗi lần gửi yêu cầu tới máy chủ, ứng dụng Twitter sẽ lại phải đợi để máy chủ giải quyết yêu cầu ấy, dẫn đến chậm chạp.
Không ít lần Elon Musk lấy lý do đầy tính kỹ thuật để giải thích cho những thắc mắc của cánh báo giới về những trục trặc liên quan tới Tesla hay SpaceX. Mọi lần không ai để tâm gì vì chẳng mấy ai có kiến thức về mấy lĩnh vực xe tự hành hay tên lửa đẩy thoát khỏi trọng lực trái đất. Nhưng lần này thì ông có người sửa lưng, đấy là Frohnhoefer, người cho biết đã làm việc tại Twitter được 6 năm, đảm trách phát triển ứng dụng Android của MXH này.
Theo Frohnhoefer, ứng dụng Twitter thật ra không thực hiện lệnh xin dữ liệu thông qua giải pháp Remote Procedure Call. Khi ứng dụng được khởi động, nó sẽ gửi khoảng 20 request dữ liệu chạy nền. Về phần Musk, để giải thích thêm ý của ông lúc đăng tweet trước đó, ông viết “cái việc bạn không biết có tới 1200 microservice được kích hoạt để dùng Twitter thực sự đáng lo ngại đấy.” Và dĩ nhiên vị kỹ sư lập trình ứng dụng kia cũng không vừa, khi nói rằng “con số cần để hiển thị thông tin trên home timeline là khoảng 200 chứ không phải 1200.”
Cuộc đối đáp giữa chủ và nhân viên được công khai và trông không đẹp mắt cho lắm. Có lúc Musk công kích cá nhân, hỏi rằng Frohnhoefer đã làm được những gì để giải quyết tình trạng Twitter tải chậm trên Android. Và cuối cùng thì có người bình luận rằng, Musk có khi không muốn một kỹ sư như vậy làm việc cho mình nữa, sau khi Frohnhoefer cho rằng Musk nên đề cập vấn đề này trong nội bộ Twitter để tìm hướng giải quyết.
Frohnhoefer không phải người duy nhất bị đuổi việc theo cách này. Sasha Solomon, người nhận là quản lý mảng kỹ thuật của Twitter lên mạng xã hội viết “đã đuổi gần hết nhân sự cơ sở hạ tầng thì cũng không nên lên mạng nói này nói kia về cách chúng tôi làm việc.” Cô Solomon cũng nói Musk không biết GraphQL vận hành kiểu gì, và toàn bộ cơ sở hạ tầng Twitter hoạt động ra sao. Đến tối thứ 2, cô thông báo trên MXH rằng bị đuổi vì viết linh tinh trên mạng.
Nếu kỹ sư đúng và tỷ phú sai, thì đây cũng không phải lần đầu tiên. Hôm chủ nhật, Musk viết trên Twitter rằng mạng xã hội ông sở hữu là “dịch vụ sản sinh nhiều click nhất trên internet.” Mọi người ngay lập tức chỉ ra những thông số nói rằng Twitter đang thua rất xa Facebook và Google, cùng lắm thì cũng chỉ bằng mạng xã hội hình ảnh Pinterest.
Chính bản thân hệ thống Birdwatch kiểm tra tin giả của Twitter cũng nói thông tin Musk chia sẻ là không chính xác.