Phim truyền hình của Việt Nam từ lâu đã không được đánh giá cao. Nhưng sự ra đời của "Người Phán Xử" đã thay đổi tất cả. Người xem truyền hình đang chú ý nhiều hơn đến phim Việt.
Tháng 4 năm nay,
Người phán xử ra mắt khán giả xem đài và ngay lập tức gây xôn xao từ tập đầu tiên. Rất nhiều lời khen dành cho bộ phim lấy đề tài hình sự, thế giới ngầm cũng như tỉ suất bạn xem đài rất cao đã khiến khán giả có cái nhìn khác hơn về phim truyền hình nước nhà. Không ít người đã chẳng ngại ngần dành những lời tâng bốc có phần thái quá cho
Người phán xử kiểu "một cuộc cách mạng của phim truyền hình Việt". Nhưng ngẫm lại cũng có phần không ngoa.
Phim xã hội đen không ít, nhưng thẳng tay và ra chất như Người phán xử thì thiếu lắm
Trước giờ dù không nhiều nhưng không phải phim truyền hình Việt không có những phim lấy đề tài hình sự, xã hội đen, thế giới ngầm. Series
Cảnh sát hình sự/Chạy án là một ví dụ khi đã làm say mê khán giả truyền hình một thời. Một số gương mặt bước ra từ
Cảnh sát hình sự đã rất vất vả để thoát khỏi cái bóng của vai diễn. Chẳng hạn như Việt Anh, khán giả gần như chỉ nhớ anh gắn liền với Cao Thanh Lâm trước khi Phan Hải của
Người phán xử xuất hiện.
Ngay từ tập đầu tiên, bộ phim đã lập tức tạo được hiệu ứng bởi câu chuyện gai góc, tình huống dồn dập và đặc biệt là yếu tố bạo lực khá rõ. Cảnh Phan Quân ra lệnh chặt một ngón tay của Trần Tuấn ngay trong phiên tòa phán xử tập 1 được quay khá cận, những hình ảnh không thua kém gì các phim hình sự nước ngoài đã khiến người xem đài vừa sốc mà cũng vừa hứng khởi. Hầu hết tâm lý chung khi đó đều nghĩ theo chiều hướng tích cực, rằng phim truyền hình Việt đã khởi sắc rồi, đã mạnh dạn đáp ứng được những nhu cầu của dòng phim vốn nhạy cảm trên sóng truyền hình.
Ngoài yếu tố hình ảnh thì tình tiết, đường dây câu chuyện, nhân vật cũng là một điểm cộng rất lớn, giữ cho bộ phim luôn có được không khí bí ẩn, căng thẳng cần có nhưng cũng không kém phần hài hước để người ta xôn xao.
Những con số đáng thèm khát
Tất nhiên một bộ phim được đánh giá thành công hay không thường dựa vào các yếu tố khách quan, những số liệu có thể đo đạc và nhìn thấy được. Và
Người phán xử chính là một thành công rực rỡ.
Theo số liệu thu được, tỉ suất xem đài của
Người phán xử tăng lên theo từng tập. Có lúc con số lên 37.3% (tức trong 100 người xem đài trong thời gian
Người phán xử phát sóng thì có ít nhất 37 người theo dõi bộ phim). Tiền quảng cáo trong khung giờ phim phát sóng cũng theo đó mà tăng lên 20-30%, khiến bộ phim thu về khoảng 3 tỉ đồng mỗi tập.
Đây là những con số mà bất cứ nhà làm phim, nhà đầu tư nào cũng thèm khát. Cũng vì vậy mà trong thời gian lân cận, chúng ta có thể thấy được sự rục rịch để trở lại sóng truyền hình của nhiều dự án bị hoãn từ vài năm (
Bước nhảy hoàn vũ) hoặc của cả "đế chế phim truyền hình" một thời TFS (
Lẩn khuất một tên người).
Khán giả cũng không giấu sự quan tâm và háo hức với mỗi tập phim
Người phán xử nói riêng và các phim truyền hình hiện tại nói chung. Bởi chỉ cần một, hai phim gây được hào hứng thì người ta ắt sẽ có lòng tin và hy vọng để tìm xem những phim khác, luôn như vậy.
Gần như chưa phim truyền hình nào có tương tác tốt với khán giả như Người phán xử
Ngay từ khi phim chưa lên sóng, fanpage của phim đã bắt đầu hoạt động với cách tương tác và hướng khai thác nội dung khác hẳn với nhiều fanpage phim truyền hình trước đây. Không còn những dòng giới thiệu nội dung cứng nhắc, qua loa, fanpage
Người phán xử đánh thẳng vào cộng đồng bằng hướng trò chuyện hài hước với người đọc, tạo ra sự gần gũi. Chưa kể các diễn viên, đạo diễn đôi khi vào bình luận để tung hỏa mù càng khiến người ta thích thú hơn.
Thật sự cách bộ phim tạo được quan tâm trên mạng xã hội rất quan trọng, giúp bộ phim càng ngày càng được bàn tán nhiều hơn, tỉ suất xem đài lại cứ thế mà tăng. Đỉnh điểm phải kể đến việc
Người phán xử phối hợp với
Sống chung với mẹ chồng để thực hiện đoạn phim cross-over, tạo ra một "vũ trụ phim ảnh" khiến khán giả thích mê, điều mà chưa có bất kì bộ phim nào ở Việt Nam chịu làm.
Hay gần đây, khi một số thông tin rò rỉ về cái kết, cả ekip chịu chơi quay thêm để có kết mới sau gần một năm đóng máy. Những hành động này thể hiện sự tôn trọng khán giả của nhà sản xuất, là lý do để người ta không tiếc lời bảo rằng
Người phán xử đã làm ra một "cuộc cách mạng" quan trọng.
Không phải các gương mặt trẻ, chính những người già lại tạo ra cơn sóng
Người phán xử hay
Sống chung với mẹ chồng còn tạo được một chuyện khá đặc biệt đó là đưa những tên tuổi tưởng như đã lỡ thời trở lại cộng đồng và gây bão. Việc NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, NSND Lan Hương được nhắc đến liên tục trong cộng đồng khán giả trẻ là một dấu hiệu tích cực. Chưa kể, những cái tên gạo cội này cũng thể hiện sự tri ân của mình với người hâm mộ bằng cách dùng facebook để tương tác. Nhìn cách NSND Hoàng Dũng livestream, NSƯT Trung Anh trả lời bình luận hay cách NSND Lan Hương bức xúc vì hình ảnh bị lạm dụng quảng cáo khiến cho độc giả cảm nhận được sự chân thành của họ trên mạng xã hội ảo nhiều hơn thật. Từ đó càng yêu quý họ và các bộ phim.
Thậm chí, NSND Hoàng Dũng và NSƯT Trung Anh còn được người hâm mộ ưu ái lập fanpage riêng vì quá yêu thích cặp đôi Lương Bổng - Phan Quân. Việc "ship" các diễn viên nam không xa lạ với fan Việt nữa nhưng "ship" một cặp diễn viên có tuổi như của
Người phán xử thực sự là một tiền lệ chưa từng xuất hiện.
Kết
Với những điều được liệt kê bên trên đã đủ để chúng ta công nhận
Người phán xử góp công rất nhiều trong việc thay đổi cách nhìn của khán giả với phim truyền hình Việt. Nếu chưa có kịch bản hay thì mua kịch bản nước ngoài, mạnh dạn thực hiện những cảnh quay thực tế, diễn viên thì vừa thực lực vừa chịu giao tiếp, nhà sản xuất lại chiều lòng khán giả hết mực, bấy nhiêu đó thôi đã quá xứng đáng để
Người phán xử được trao giải Cống hiến (nếu có) rồi. Hy vọng bộ phim sẽ thực sự là một cú hích để những nhà sản xuất đầu tư nghiêm túc và có tâm hơn vào phim truyền hình Việt.
Người phán xử đang phát sóng lúc 21h30 thứ 4 - 5 hàng tuần trên VTV3.