Cá là một thực phẩm bổ dưỡng và phổ biến. Tuy nhiên nhiều người rất sợ ăn cá vì hóc xương. Và khi hóc thì ít người biết đầy đủ quy trình phải xử lý thế nào!
Hãy cẩn thận bởi khi bị hóc xương, nhất là hóc xương cá, nếu không được xử lý kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Chữa bằng mẹo nguy hiểm khôn lường
Hóc xương (xương gà, vịt, cá, heo...) là tai nạn khi ăn uống, thường gặp tại các phòng khám tai mũi họng. Trước khi đến các cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân đã thử các cách được truyền miệng trong dân gian như nuốt chuối, nuốt cơm, nuốt rau, ngậm vỏ cam vỏ bưởi, uống thật nhiều nước.
Hóc xương là một tai nạn thường gặp trong khi ăn (Ảnh minh họa: Internet)
Hay thậm chí người bệnh còn áp dụng các phương pháp nghe rất thần bí như đảo đầu đũa trên bàn ăn, xoay cành cây trên lối đi hoặc vẽ bùa lên cổ... Tất nhiên, những biện pháp này không thể có hiệu quả nên cuối cùng vẫn phải nhờ bác sĩ giúp.
Trên thực tế, ngoại trừ những lúc biết chắc chắn chỉ bị hóc xương rất nhỏ và đơn giản thì có thể thử nuốt thức ăn để xương được kéo xuống theo.
Tuy nhiên cách này khá mạo hiểm vì có khả năng làm xương cắm vào họng sâu hơn hoặc rơi xuống thấp hơn làm cho bác sĩ sẽ khó lấy hơn. Riêng các phương pháp thần bí kể trên thì hoàn toàn phản khoa học và không nên mất thời gian vào chúng.
Với các xương to hoặc sắc nhọn thì nguy cơ chúng gây thủng mạch máu và thực quản rất lớn, nên càng không được trì hoãn việc nhập viện và nhờ sự can thiệp của người có chuyên môn.
Đã từng có nhiều bệnh nhân vì hóc xương to, nhọn hoặc hóc xương lâu ngày mà bị áp-xe, thủng động mạch, thậm chí xương chui vào lồng ngực gây áp-xe trung thất, áp-xe màng phổi... Những trường hợp này tỉ lệ tử vong rất cao.
Xử lý hóc xương đúng cách
Nếu xác định được xương bị hóc là xương nhỏ, có thể dùng mẹo ngậm một vài viênVitamin C, có bán tại tất cả các hiệu thuốc, điều này sẽ làm xương (chủ yếu là xương cá) mềm hơn và trôi xuống dễ dàng. Nếu không đỡ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi thấy có dấu hiệu bị hóc xương, cần ngay lập tức ngưng nuốt. Hầu như ai cũng có thói quen cố nuốt khi có dị vật trong cổ, điều này không thể làm xương trôi xuống mà chỉ càng khiến cho xương đâm sâu hơn vào cổ họng và gây tổn thương.
Cần cố gắng nôn ọe ra càng sớm càng tốt. Nhưng tuyệt đối không nên móc họng để nôn hoặc nôn quá nhiều, vì axít từ dạ dày có thể làm cháy thanh quản, gây phù nề vàkhó thở.
Khi đã bị hóc thì không nên ăn bất cứ thứ gì nhằm đẩy xương xuống. Nếu thấy xương nằm ở những vị trí có thể nhìn thấy được như hanh nhân khẩu cái, màn hầu hay thành sau họng thì hoàn toàn có thể dùng kẹp y khoa để gắp ra.
Hoặc nhanh chóng đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhập viện muộn sẽ làm cho việc điều trị phức tạp hơn do khó xác định vị trí của xương.