Bạn thường bị đau cổ sau khi ngủ dậy mà không rõ nguyên do. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau của bạn như viêm khớp, trật đĩa đệm ở cổ, thoái hoá đốt sống... Nhưng nhiều khi, nguyên nhân đưa tới tình trạng đó lại rất đơn giản là do tư thế khi ngủ. Bạn thử tham khảo bài viết dưới đây nhé:
1. Gối quá cao hoặc quá thấp
Gối quá cao sẽ khiến cho cổ và đầu của bạn phải uốn cong lên, gối quá thấp sẽ làm đầu và cổ uốn cong xuống, tất cả đều có thể khiến cho cổ của bạn đau nhức không thôi.
Hãy lưu tâm đến việc mua gối cho giấc ngủ ngon và sự thoải mái của cơ thể. Nên bỏ công chọn một chiếc gối mềm mại, có độ dày vừa phải và phù hợp với hình dạng cổ của mình.
2. Tư thế ngủ sai
Có thể cơ thể bạn đã quen với một tư thế ngủ mà bạn cảm thấy thoải mái nhất nhưng chưa chắc tư thế ngủ đó đã tốt cho cơ thể của bạn, đặc biệt là cổ. Nếu bạn đang ngủ sấp, bạn phải nghiêng đầu và cổ sang một bên, đè lên các dây thần kinh. Nếu giữ nguyên tư thế này suốt một đêm, đảm bảo sáng hôm sau bạn sẽ thức dậy với cái cổ đau như dần. Quay sang bên kia nữa cho cân bằng hoặc chuyển sang ngủ ở tư thế nằm ngửa sẽ giúp bạn không bị đau cổ nữa.
3. Cơ bắp bạn bị cứng hoặc suy yếu
Nếu đã thay đổi gối và tư thế ngủ và tình trạng đau cổ vẫn không hết hoặc đau cổ xuất phát từ chấn thương hay viêm khớp mãn tính, hãy cân nhắc đến phương pháp vật lý trị liệu. Những bài tập sẽ hỗ trợ cơ bắp ở cổ có thể sẽ giúp bạn thoải mái trở lại.
4. Quên vệ sinh giấc ngủ
Để có giấc ngủ ngon, thoải mái và dễ chịu mỗi sáng thức dậy, bạn không được quên một việc quan trọng, đó là "vệ sinh giấc ngủ".
Trước hết là chăn, nệm, vỏ gối, màn cần được vệ sinh sạch sẽ. Tiếp theo là xét đến việc giấc ngủ của bạn đã đủ về lượng và chất chưa. Mỗi ngày bạn cần ngủ ít nhất 7-8 tiếng đồng hồ và tốt nhất nên có giấc ngủ sâu, không giật mình tỉnh giấc giữa chừng, không ngủ một cách mệt mỏi, nghiến răng khi ngủ. Sau cùng là kiểm tra các hoạt động và thói quen liên quan đến giấc ngủ như là, có đi ngủ và thức dậy cùng một giờ suốt tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ và cuối tuần hay không? Tốt nhất, bạn nên rèn luyện thói quen này để đồng hồ sinh học được ổn định.
Có ăn đồ béo hay cay trước khi ngủ hay không? Có uống rượu, cafe hoặc đồ uống có cafeine vào buổi chiều và tối hay không? Có sử dụng thiết bị điện tử khi đã lên giường rồi hay không? Nếu có, bạn cần điều chỉnh để có giấc ngủ ngon hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục mỗi ngày để giúp cơ thể vận động và ngủ ngon hơn.
Bạn đã tìm hiểu hết các nguyên nhân và thử thay đổi tư thế ngủ mà tình hình vẫn không cải thiện thì bạn nên đến bác sĩ. Bởi khi đó, tình trạng của bạn đã chuyển sang một mức độ khác và không đơn giản nữa.
***