Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp bác sỹ Nguyễn Đức Dũng bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, người lưu giữ những viên sỏi này cho biết mục đích lưu giữ những viên sỏi nhằm phục vụ nghiên cứu, điều trị, vừa giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có ý thức hơn trong phòng và trị chứng bệnh này.
Theo BS Dũng, bệnh sỏi thận là một bệnh phổ biến hiện nay, do thói quen ngồi nhiều, ngại uống nước, do uống thuốc, sữa, thức ăn bổ sung canxi… Quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng rõ rệt, nên bệnh nhân thường không nghĩ mình bị sỏi thận. Chỉ đến khi sỏi gây đau đớn hay đi tiểu ra sỏi mới biết.
“Hầu hết những bệnh nhân, người dân đến điều trị tại khoa, sau khi được tận mắt xem qua bộ sưu tập về sỏi này đều giật mình. Thực tế sau khi xem các loại sỏi được, được giới thiệu qua về nguyên nhân, quá trình hình thành sỏi và những biến chứng nguy hiểm do sỏi thận gây ra, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều có ý thức hơn trong việc khám, điều trị chứng bệnh này”, BS Dũng cho hay.
Theo bác sỹ Dũng đã có những trường hợp vỡ thận và vỡ bàng quang do sỏi. Sự hiện diện lâu ngày của sỏi hai bên niệu quản hay sỏi thận một bên còn bên kia sỏi niệu còn dẫn đến hiện tượng vô niệu, tức là không có nước tiểu. Chức năng thận sẽ bị giảm nếu sự hiện diện của sỏi ở hai bên thận, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm gây ra suy thận. Vì thế bác sỹ Dũng khuyến cáo, bệnh nhân sỏi thận cần uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng trên 2,5 lít/ngày; điều trị các đợt nhiễm khuẩn, viêm nhiễm ở thận; điều trị các biến chứng hay các yếu tố thuận lợi dễ gây hình thành sỏi. Khi biết được nguyên nhân hay thành phần của sỏi thì phải điều trị theo nguyên nhân.
Hình ảnh những viên sỏi thận có hình thù kì dị được BS Nguyễn Đức Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp BVĐK Hà Tĩnh lưu giữ do PV Dân trí ghi lại:
Một viên sỏi trông giống như chú chó
Sỏi hình người phụ nữ mang thai
Sỏi hình quả bầu
Sỏi hình mẹ con chú hổ
Sỏi hình trâu
Sỏi hình nhím biển
Sỏi hình chú lợn con ngồi
Sỏi hình gấu
Sỏi hình đồi mồi
Hình chim cánh cụt