1. Bi mới chỉ 5 tuổi nhưng ngay từ khi lẫm chẫm biết đi thì trong gia đình lúc nào cũng đầy tiếng chửi mắng và Bi đã quen với cảnh những chiếc bát bay vèo vèo ngay trước mặt.
Bi sợ hãi lắm! Không biết những tiếng quát của ba có nghĩa là gì, nhưng Bi biết khi nào thì ba quát mẹ, đó là mỗi lần ba uống rượu say về, hoặc hôm nào đó Bi đứng đón ba ở cổng mà ba không thèm cười với Bi, hoặc có hôm Bi chỉ thấy mẹ ôm mình thở dài và nói: “Ba con chắc lại có chuyện gì rồi” là y như rằng hôm đó mẹ và Bi lại tha hồ ngồi mà “hưởng thụ” những lời mắng chửi của ba. Hết chửi mẹ, ba lại nhìn Bi và chửi. Ba chửi mẹ là đồ đàn bà vô tích sự chỉ biết ăn bám, rồi lại mắng cả Bi, mà Bi có biết mình làm sai cái gì để bị ba mắng đâu.
Bi chỉ ước mình được như chị Mun, ngày nào chị ấy đi học cũng được ba đưa đi đón về, rồi ba còn thơm vào má chị Mun một cái thật là kêu. Tối về ba chị ấy còn nằm ra sàn nhà để xếp hình với chị Mun nữa. Mỗi lần Bi sang đó chơi với chị Mun là Bi không muốn về nhà. Có lúc Bi chỉ muốn được ở hẳn bên nhà chị Mun thôi!
2. Tom cũng sinh ra trong một gia đình mà ba thường xuyên đánh mẹ. 12 tuổi, Tom chứng kiến việc ba đánh mẹ nhiều đến nỗi không còn giật mình mỗi khi nghe tiếng quát mắng của ba và tiếng gào khóc của mẹ nữa. Tom cũng không còn thấy sợ hãi mỗi khi thấy ba đạp chân vào mặt và giật tóc mẹ. Tom bình thản nhìn ba mẹ đánh nhau, bình thản nhìn vết thương bầm tím trên người mẹ, bình thản khi thấy mẹ và ba suốt ngày đòi bỏ nhau và thậm chí em còn thấy thoải mái hơn khi vắng bóng ba ở trong nhà. Vì mỗi khi ba về nhà là không khi nào được thoải mái cả. Tom thấy thà chơi một mình còn vui hơn nhiều.
|
Từ ngày biết rằng ba hay đánh mẹ, Tom không còn thấy sợ những trận đòn ấy nữa. Thậm chí Tom còn rất hay đánh bạn bè cùng lớp học khiến rất nhiều ba mẹ của các bạn phàn nàn, rồi cô giáo còn gọi cả ba mẹ Tom lên gặp mặt. Mỗi lần như vậy, về đến nhà mẹ chỉ biết khóc còn ba thì uống rượu thật nhiều rồi lôi Tom ra đánh. Ban đầu Tom còn thấy sợ hãi và khóc thét với những trận đòn roi của ba, thấy sợ hãi khi nhìn mẹ ôm mặt khóc, nhưng sau đó những trận đòn làm cho Tom quen dần và không còn thấy đau nữa.
3. Theo thống kê có khoảng 30% trẻ em sinh ra trong gia đình có sử dụng bạo lực dễ có nguy cơ sử dụng bạo lực đối với các bạn cùng học hoặc sau này sẽ có hành vi bạo lực với người khác. Số còn lại sẽ dễ rơi vào tình trạng sợ hãi, một số dẫn đến hiện tượng trầm cảm. Lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất là từ 5-10 tuổi. Những bé trai sống trong gia đình bị bạo hành, cha hay đánh mẹ... lâu ngày thì cũng bị ảnh hưởng tính cách của bố. Nhiều đứa trẻ khi lớn lên cũng cục cằn, dễ có hành vi thô bạo với phụ nữ y như bố. Với trẻ em gái, khi lớn lên thường sống khép kín, mắc bệnh tự ti, thậm chí một số hoảng loạn về thần kinh…
Bạo lực không chỉ để lại hậu quả với người lớn, đôi khi chúng ta quên mất rằng trẻ em là người bị ảnh hưởng một cách rõ rệt nhất và việc khắc phục các vấn đề tâm lý của trẻ khi chịu ảnh hưởng bạo lực là rất khó khăn và thậm chí còn để lại những hậu quả.
Sự vô tình của người gây ra bạo lực, sự im lặng cam chịu của người bị bạo lực không đơn giản chỉ là vấn đề giữa những người lớn với nhau. Hãy quan tâm đến cảm giác của con trẻ, và hãy dành cho chúng tình thương để chúng sống trong một môi trường an toàn.
Theo MaskOnline