Mấy ngày nay, khi màn đêm buông xuống người dân xóm Đông lại thấy một người phụ nữ ra phía sau hồi nhà khóc nức nở, miệng lúc nào cũng thì thầm gọi con. Tiếng khóc nghe thật thảm thương như xát muối vào lòng người.
Người phụ nữ đó chính chị Thịnh, mẹ của hai em Huế và Hiệp và là mẹ đỡ đầu của em Thương, 3 đứa trẻ bị chết sông dữ cuốn trôi trong khi đang tắm xảy ra hôm 23/6 vừa qua tại Nghệ An.
Ngày định mệnh
Chúng tôi tìm đến nhà của hai em Nguyễn Thị Huế (7 tuổi) và Nguyễn Bá Hiệp (5 tuổi), vào một buổi sáng trời âm u, cách 2 ngày khi hai em ra đi mãi mãi trong một lần tắm sông phía sau nhà.
Không khí tang tóc vẫn đang bao trùm lên ngôi nhà nhỏ bé. Người ra vào tấp nập, họ đến để thắp nén nhang chia buồn cùng gia quyến. Trên bàn thờ, di ảnh hai đứa trẻ non nớt được đặt hai bên, phía sau làn khói nhang mờ mờ, ảo ảo.
Anh Nguyễn Bá Cần và chị Lê Thị Thịnh đều trú tại xóm Đông, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), kết duyên với nhau năm 1991. Sau khi trở thành vợ chồng, 5 đứa con của họ lần lượt ra đời, Huế và Hiệp là hai đứa cuối cùng.
Người dân làng Đông vẫn nghe tiếng khóc ai oán vang lên bên bờ sông trong đêm tối tĩnh mịch của người mẹ hai đứa trẻ.
Hoàn cảnh gia đình còn lắm khó khăn nhưng ngôi nhà nhỏ của anh chị lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, những đứa con biết vâng lời cha mẹ, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, cha mẹ, làng xóm và thầy cô. Cuộc sống của gia đình nhỏ nằm ven bờ sông ấy sẽ không trở nên hiu quạnh, đau buồn nếu không có cái ngày định mệnh hôm 23/6 ấy.
Chị Thịnh kể lại, buổi sáng sau khi ăn cơm xong, chị và 3 đứa lớn ra đồng gặt lúa còn anh Cần đi giúp người trong làng đổ trần nhà. Bao bọc xung quanh nhà là sông Cấm và đầm nuôi tôm nên trước khi đi làm, cả hai vợ chồng chị bao giờ cũng không quên dặn dò Huế ở nhà trông em, không được đưa em ra bờ sông.
Đến khoảng 10h, chị đang làm ngoài đồng thì thấy nóng ruột nên về xem hai đứa con thế nào. Khi về tới nhà gọi mãi mà không thấy con trả lời, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành xảy ra, chị gọi chồng về đổ xô đi tìm khắp xóm làng. Hỏi mọi người trong làng thì nghe họ nói sáng nay Huế và Hiệp có qua nhà cháu Thương chơi, sau đó 3 đứa rủ nhau về nhà tắm sông ở gần đó.
Bàn thờ của hai em Huế và Hiệp nghi ngút khói nhang
Chị chạy ra phía sau nhà đảo mắt khắp con sông thì thấy thi thể của Huế đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước… Kể đến đây nước mắt Chị Thịnh tuôn trào nghẹn ngào không nói nên lời.
Sau khi thấy xác Huế nổi lên, mọi người nỗ lực đưa xác lên bờ để cấp cứu nhưng tất cả đều đã quá muộn. Sau đó thi thể hai em Hiệp và Thương cũng được tìm thấy cách chỗ thi thể em Huế nổi lên không xa. Tiếng khóc của người thân 3 em như xé toang cả bầu trời âm u chuẩn bị trút mưa xuống. Ngay chiều hôm đó thi thể 3 em được người nhà đưa đi mai táng trong cơn mưa tầm tã của cơn bão số 2. Ba em đã mãi mãi ra đi để lại nỗi đau không nguôi cho những người thân.
Tiếng khóc ai oán của người mẹ bên bờ sông
Khi biết con mình ra đi mãi mãi, người mẹ ấy đã ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Chị nằm sõng soài bên bờ sông, hai bàn tay cào xuống đất, miệng không ngớt kêu tên hai đứa trẻ: “Ông trời ơi, sao ông nhẫn tâm cướp đi những đứa con của tôi vậy!? Nó có tội tình chi mô, chỉ là những đứa trẻ ăn chưa biết no, chưa biết lo, biết nghĩ cơ mà…”. Bà con hàng xóm ai cũng rơi nước mắt trước cảnh tượng đó, họ thương cho mấy đứa trẻ, thương cho người mẹ hết mực yêu con, chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ giờ đây phải đối mặt với nỗi đau, sự mất mát quá lớn.
Mấy hôm nay, khi màn đêm buông xuống người dân xóm Đông lại nghe tiếng khóc nức nở của một người mẹ, miệng lúc nào cũng thì thầm gọi con, tiếng khóc nghe thật thảm thương như xát muối vào lòng người.
Cha, mẹ, bà nội và các anh chị vô cùng đau đớn trước sự ra đi đột ngột của hai em Huế và Hiệp.
Người nhà cho biết, từ hôm hai cháu ra đi, chị Thịnh không chịu ăn uống gì, cũng không chịu ngủ, có chăng chợp mắt được chút thì chị cũng gào thét gọi tên con trong cơn mê sảng.
Còn hai người chị và người anh cũng thẫn thờ như một cái bóng khi giờ đây không bao giờ được nhìn thấy mặt hai em nữa. Những đứa trẻ này vẫn thường dắt nhau ra bờ sông phía sau nhà, ánh mắt nhìn xa xăm vào biển nước mênh mông. Những đứa trẻ này vẫn mơ có một phép màu là nhìn thấy hai đứa em nổi lên từ mặt nước.
Khi tôi hỏi Tuyết, con chị Thịnh có nhớ em lắm không thì Tuyết trả lời hồn nhiên: “Cháu nhớ hai em lắm, hai em đã nằm dưới đó hai ngày rồi mà vẫn chưa tỉnh dậy để chơi với cháu, chú nói với mọi người ra đưa hai em về chơi với cháu đi…”. Nghe Tuyết nói mà tôi không cầm nổi nước mắt của mình, tôi phải quay đi chỗ khác lau giọt nước mắt đang từ từ lăn trên gò má để Tuyết khỏi nhìn thấy.
Tuấn và Tuyết ra bờ sông ngóng hai em trở về. Các em đâu có biết rằng hai em của mình đã ra đi mãi mãi.
Gia đình anh Cần cũng như bao gia đình khác ở vùng quê nghèo này, cuộc sống chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán nên khó khăn vô cùng. Chính vì lẽ đó nên vợ chồng anh không có điều kiện gửi con ở trường, từ đó mới dẫn đến bị kịch đau lòng này.
Sau khi nhận được tin, chính quyền địa phương cũng như nhà trường nơi em Huế học đã đến chia buồn và có món quà nhỏ động viên gia đình. Giáo xứ nơi gia đình sinh hoạt cũng đến chia sẻ nỗi đau kịp thời. Tuy nhiên để xoa dịu được sự mất mát, nỗi đau quá lớn này thì chắc có lẽ sẽ là một thời gian vô cùng dài đối với gia đình anh Cần.
Thượng Nhân- Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam