Giáo hoàng Francis liệt người Duy Ngô Nhĩ vào nhóm dân tộc "bị ngược đãi" trên thế giớiđã bị Trung Quốc phản ứng và nói là "hoàn toàn vô căn cứ".
"Có 56 dân tộc ở Trung Quốc và dân tộc Duy Ngô Nhĩ là một thành viên bình đẳng trong đại gia đình Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc luôn đối xử bình đẳng với tất cả các nhóm dân tộc thiểu số, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Giáo hoàng Francis lần đầu tiên công khai cho rằng người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là dân tộc "bị ngược đãi" trong cuốn sách mới xuất bản.
Giáo hoàng Francis chủ trì thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican hôm 22/11. Ảnh: Reuters.
"Tôi thường nghĩ đến những dân tộc bị ngược đãi: người Rohingya, người Duy Ngô Nhĩ đáng thương, người Yazidi, những gì Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã làm với họ thật sự tàn nhẫn, hoặc những người theo đạo Thiên chúa ở Ai Cập và Pakistan bị giết bởi bom nổ khi họ cầu nguyện trong nhà thờ", Giáo hoàng Francis viết trong cuốn sách mới "Hãy để chúng ta mơ: Đường tới tương lai tươi sáng hơn" được xuất bản hôm 23/11.
Ông Triệu cho rằng nhận xét của Giáo hoàng "hoàn toàn vô căn cứ". "Người dân thuộc mọi dân tộc được hưởng đầy đủ quyền sinh tồn, phát triển và tự do tín ngưỡng tôn giáo", ông Triệu nói thêm.
Giáo hoàng không nói chi tiết hơn về các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ trong cuốn sách, ngoài phần đề cập ngắn gọn, trong khi ngài nói chi tiết hơn về các nhóm bị ngược đãi khác như người Rohingya.
Cuốn sách là sự phản ánh rộng rãi về tầm nhìn của Giáo hoàng về một thế giới hậu Covid-19. Đồng tác giả là nhà viết tiểu sử của Giáo hoàng Austen Ivereigh và cuốn sách được viết vào mùa hè năm nay.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng khoảng hai triệu người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là người Hồi giáo và các nhóm thiểu số khác, đã bị đưa đến các trung tâm cải tạo khổng lồ ở Tân Cương, nơi những người từng bị giam mô tả là bị giáo huấn, ngược đãi thể chất. Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định đây là những trung tâm đào tạo nghề được lập nên nhằm giải quyết mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
VietBF sưu tầm