Liên quan đến scandal gây xôn xao về chương trình theo dõi người dùng mang tên PRISM của Mỹ, báo The Guardian (Anh) tiếp tục tiết lộ công cụ tình báo Boundless Informant chuyên tập hợp thông tin trên mạng. Việt Nam nằm trong "vùng an toàn".
Theo tài liệu mật nằm trong tay Washington Post và The Guardian trước đó, Cơ quan An ninh Quốc gia NSA của Mỹ đã thực hiện chương trình PRISM, trong đó họ được cho là có thể truy cập trực tiếp vào máy chủ trung tâm của Yahoo, Apple, Microsoft, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube để lấy các dữ liệu như file âm thanh, video chat, ảnh, e-mail, tài liệu, nhật ký kết nối để giúp các nhà phân tích theo dõi một đối tượng hoặc một mạng lưới nào đó.
Khi vụ việc còn chưa lắng xuống, một bản tài liệu PDF được đóng dấu tuyệt mật tiếp tục bị tung ra, mô tả hoạt động của công cụ Boundless Informant. Trong khi PRISM chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu, Boundless Informant tập trung vào việc tổ chức và lập danh mục cho lượng thông tin khổng lồ. Nó thống kê hồ sơ liên lạc (như lịch sử cuộc gọi...) hơn là quan tâm đến nội dung cụ thể của các tin nhắn, cuộc gọi đó.
Trong giai đoạn kéo dài 30 ngày kết thúc vào tháng 3/2013, Boundless Informant cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia NSA đã thu thập tới gần 100 tỷ mẫu dữ liệu (data report) trên toàn cầu, trong đó Mỹ chiếm khoảng 3 tỷ. Iran đứng đầu danh sách với 14 tỷ trong tháng 3, theo sát là Pakistan với 13,5 tỷ dữ liệu. Jordan, Ai Cập và Ấn Độ cũng nằm trong diện bị theo dõi sát sao. Mức độ do thám được chia theo màu sắc, trong đó xanh lá cây nhẹ nhất, tăng dần lên là vàng, cam và cao nhất là đỏ.
Việt Nam trên bản đồ có màu xanh lá. (Ảnh: Guardian).
Các công ty Internet bị nhắc đến trong tài liệu đã lần lượt lên tiếng khẳng định họ không biết đến sự tồn tại của PRISM và không bao giờ cho phép bất cứ tổ chức nào truy cập trực tiếp vào server. Họ chỉ cung cấp thông tin về người dùng trong trường hợp cụ thể nếu có lệnh của tòa án. Nếu PRISM có thật thì chính phủ Mỹ đã tự ý thực hiện việc do thám mà không thông báo với các công ty này.
James Clapper, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, khẳng định chương trình đó là "quan trọng và hoàn toàn hợp pháp" và việc báo chí tiết lộ chi tiết của chương trình là hành động đáng lên án, đe dọa an ninh quốc gia, chưa kể trong đó có nhiều tình tiết không chính xác.
"Chúng tôi không dùng PRISM để nhắm vào bất kỳ công dân Mỹ hay bất kỳ ai ở trong nước Mỹ. Thông tin thu thập được từ chương trình này là những tin tức tình báo quan trọng nhất, có giá trị nhất, được sử dụng để bảo vệ đất nước trước nguy cơ tấn công khủng bố", ông Clapper tuyên bố.
Sự tồn tại của PRISM cũng được Tổng thống Mỹ Barack Obama xác nhận trong bài phát biểu cuối tuần trước.