Báo Người cao tuổi số 74 (1079) ra ngày 22-6-2012 đăng bài: “Ẩn khuất lách luật trốn thuế”, phản ánh những khuất tất xảy ra tại Công ty TNHH Gami gas (FBS), đến nay đã hơn 4 tháng, chưa nhận được trả lời của các cơ quan chức năng theo quy định. Trong khi đó, Báo tiếp tục nhận được nhiều tài liệu, chứng cứ phản ánh Phòng Đăng kí kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thái Bình và Công ty Cổ phần Tài chính & phát triển Doanh nghiệp (FBS) tiếp tay cho Nguyễn Thị Ngoan lách luật trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân trong vụ bê bối nhượng bán tại Công ty TNHH Gami gas…
Một ngày cấp 2 giấy đăng kí kinh doanh cho cùng một doanh nghiệp
Việc hi hữu này diễn ra tại Phòng đăng kí kinh doanh Sở KH&ĐT Thái Bình, cố tình hợp pháp hoá về thủ tục pháp lí, tạo môi trường cho bà Nguyễn Thị Ngoan thực hiện tẩu tán, bán đứng Công ty TNHH Gami gas cho bà Ngô Thị Tuyết (Hải Phòng), chiếm đoạt 6,633 tỉ đồng (trong đó có 4 tỉ đồng cầm treo tại Ngân hàng hai năm nay). Đó là vốn góp chung mua Công ty và khoản tiền mua lại toàn phần vốn góp từ bà Ngoan của bà Tân. Để nhanh chóng hợp pháp hoá thủ tục, bà Ngoan nhờ ông Hoàng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Bình kiêm Trưởng phòng Đăng kí kinh doanh. Ngày 23-11-2010, ông Hải mạnh dạn kí ngay hai Giấy đăng kí kinh doanh lần thứ 7 số 1000349995 cho bà Nguyễn Thị Ngoan và cùng số 1000349995 cấp lần thứ 8 cho bà Ngô Thị Tuyết? Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Tân đã có đơn trình báo hành vi lừa đảo trên gửi lãnh đạo Sở KH&ĐT Thái Bình. Đồng thời, bà Tân đã xuất trình Giấy đăng kí kinh doanh Công ty TNHH Gami gas cấp lần thứ 7 (bản gốc) vào ngày 23-10-2009, Giấy chuyển nhượng cổ phần đề ngày 21-7-2010 là của bà Nguyễn Thị Ngoan cho bà Tân và ông Văn, có nội dung: “Bà Ngoan tự nguyện chuyển nhượng toàn phần vốn góp 1.980.490.000 đồng cho bà Tân, ông Văn. Ngược lại, bà Tân, ông Văn phải chi ngoài vốn góp 2 tỉ đồng thêm cho bà Ngoan”. Giấy uỷ quyền số 02/GUQ ngày 26-7-2010 của bà Nguyễn Thị Ngoan ủy quyền cho bà Tân toàn quyền kí kết các hợp đồng, quản lí tài chính, ngân hàng. Nhưng không cần thẩm định hồ sơ, bỏ qua đơn trình báo của công dân, ông Hoàng Xuân Hải vẫn cố tình kí cấp hai Giấy đăng kí kinh doanh cùng một ngày. Sau này khi bàn giao hồ sơ trước khi ông Hải nghỉ hưu, mọi người mới vỡ lở ra trong mớ hồ sơ chuyển nhượng đó còn rớt lại một phong bì với bút lục của bà Nguyễn Thị Ngoan viết rất nắn nót: “Em biếu anh Hải kính mến 2.000 USD”, nhưng ruột thì không còn? Thì ra sức mạnh để liều lĩnh là đây, chỉ vì những đồng tiền nhơ bẩn mà cán bộ lãnh đạo Sở KH&ĐT Thái Bình tiếp tay cho bọn lừa đảo, để lại một hệ lụỵ khôn lường cho các cơ quan chức năng sau này.
Công ty Gami gas- FPS đã được chuyển hóa thành Công ty Ga Phú Hoàng An
tại KCN Cầu Nghìn, Thái Bình.
Vậy mà, Sở KH&ĐT Thái Bình trả lời đơn tố cáo của bà Tân tại Văn bản số 29 ngày 13-9-2012, do ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Sở kí rằng Phòng Đăng kí kinh doanh Sở KH&ĐT Thái Bình đã làm đúng pháp luật? Trả lời phóng viên, ông Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở cho biết Sở KH&ĐT chỉ quản lí về con người, còn mọi hoạt động nghiệp vụ của Phòng Đăng kí kinh doanh đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo Sở! Nếu xác định đúng việc cấp phép hai Giấy đăng kí kinh doanh sai trái trong việc chuyển nhượng nêu trên, Sở KH&ĐT sẽ đề nghị UBND tỉnh ra Quyết định thu hồi, hủy hai Giấy đăng kí kinh doanh đó. Nhưng đến nay, chưa thấy Sở KH&ĐT Thái Bình có động thái gì?
Được biết để thực hiện hoàn hảo cho hành vi lách luật trốn thuế, chiếm đoạt tài sản công dân này, ngày 17-11-2010, bà Nguyễn Thị Ngoan đã kí Hợp đồng số 17-2010/HĐ-TVDVPL với luật sư Nguyễn Đình Xuân, Trưởng Văn phòng luật sư Dân Nguyện (Hà Nội) với số tiền 50 triệu đồng để tư vấn, dịch vụ pháp lí trong việc chuyển nhượng Công ty TNHH Gami gas cho bà Ngô Thị Tuyết. Hợp đồng mua bán Công ty TNHH Gami gas đề ngày 20-11-2010, giữa bà Ngoan và bà Tuyết vốn đã được dự thảo theo tư vấn của luật sư đành phải huỷ bỏ để thay vì bằng Hợp đồng chuyển nhượng vốn được kí ngày 21-11-2010.
Rõ ràng, Phòng Đăng kí kinh doanh Sở KH&ĐT Thái Bình và luật sư Nguyễn Đình Xuân đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp để tiếp tay cho những kẻ cơ hội lách luật trốn thuế, chiếm đoạt tài sản của công dân, điển hình là vụ chuyển nhượng vốn ngoạn mục tại Công ty TNHH Gami gas.
Trá hình chuyển nhượng vốn để lách luật, trốn thuế
Bản chất thật cuộc chuyển giao Công ty Gami gas của Công ty FBS cho bà Nguyễn Thị Ngoan, người đại diện lại được khởi nguồn từ thực tế kinh doanh không thể kiếm lời một cách nhẹ nhàng như việc đầu tư tại Khu đô thị 1 và 5 Trần Hưng Đạo (TP Thái Bình), buộc Công ty FBS phải bán tháo Công ty Gami gas. Đó là lẽ bình thường nhưng Công ty Gami gas lại là đối tượng thuộc nhóm Dự án theo chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Thái Bình và phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Đầu tư. Lẽ ra không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án hoặc phá sản, Công ty FBS phải báo cáo và hoàn trả đất cho Thái Bình để triển khai các dự án kinh tế khác. Thế nhưng, Công ty FBS đã qua mặt cả UBND tỉnh, sang tay thẳng cho Nguyễn Thị Ngoan với thuật ngữ “chuyển nhượng vốn” cho chóng vánh. Thành thử, Công ty Gami gas rơi vào tình trạng “bình cũ, rượu mới”, không biết rồi đây gần 20.000 m2 đất tại Cầu Nghìn (Thái Bình) sẽ trôi nổi đến đâu? Tưởng là phủi tay ăn trọn cả gốc lẫn lãi, nào ngờ trốn được thuế bán tài sản, với thủ thuật lách luật “chuyển nhượng vốn” mà Công ty FBS còn phải tiếp tục gánh chịu các hệ lụy liên đới của một chủ dự án. Bởi đến nay mã số Doanh nghiệp và Thuế của các Công ty kế nhiệm và thủ tục thuê đất vẫn mang tên pháp lí của chủ dự án là Công ty FBS. Điều bất cập nữa là, Công ty FBS chưa hề có bất kì quan hệ nào với bà Ngô Thị Tuyết, nhưng tại Tờ trình số 03A/11/CV- FBS ngày 5-1-2011, do ông Tạ Quang Dũng, Tổng Giám đốc lại kí giao diện tích đất thuê đó cho Công ty Gas Phú Hoàng An, trái với điểm 12.3 (chuyển quyền và nghĩa vụ) Điều 12 của Hợp đồng kí ngày 19-10-2009 giữa Công ty FBS với bà Ngoan. Đặc biệt, trong Hợp đồng chuyển nhượng vốn này đều sử dụng thuật ngữ Bên bán và Bên mua và tại Điều 6 đã trở thành điều kiện bắt buộc Bên mua phải đặt cọc trước 1 tỉ đồng cho Bên bán trước khi tiến hành các thủ tục tiếp theo. Từ các cứ liệu trên đã bộc lộ đây là vụ mua bán tài sản, lách luật để trốn thuế và chỉ có mua bán mới có động thái đặt cọc này.
Điều dư luận quan tâm nữa là giá chuyển nhượng là 7,850 tỉ đồng hay 15 tỉ đồng, trong khi thể hiện Dự án và Hợp đồng vốn sở hữu của Công ty FBS là 15 tỉ đồng. Vì sao khi bà Ngoan chuyển nhượng lại toàn bộ vốn góp cho bà Tân và ông Văn sở hữu Công ty này (Giấy rút vốn góp đề ngày 21-7-2010) bà Ngoan lại đòi thêm 2 tỉ đồng chênh lệch? Phải chăng 2 tỉ đồng này là số tiền thỏa thuận để ngoài hợp đồng đã trả tiền mặt cho lãnh đạo Công ty FBS?
Trên cái mạch lách luật trốn thuế, lại được luật sư Nguyễn Đình Xuân dẫn dắt, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Bình, Hoàng Xuân Hải a tòng và bà Ngoan lại tiếp tục man trá bán Công ty Gami gas cho bà Ngô Thị Tuyết (Hải Phòng) cũng theo chiêu thức “chuyển nhượng vốn” nói trên. Trong khi đó, ngày 21-7-2010 bà Nguyễn Thị Ngoan đã cam kết rút hết toàn bộ vốn góp của mình ra khỏi Công ty và giao toàn quyền điều hành Công ty cho bà Tân.
Cũng nực cười là Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An mới được hình thành từ ngày 23-11-2010 theo Giấy đăng kí kinh doanh cấp lần thứ 8 (cấp trái phép), nhưng tại Tờ trình số 02/TT- PHA, ngày 13-3-2011 lại ghi Công ty được thành lập từ năm 2004, thế mà vẫn qua mặt được các cơ quan chức năng ở Thái Bình để hợp pháp hóa việc mua bán gian lận trốn thuế này.
Bằng chiêu bài “chuyển nhượng vốn” trong việc mua bán Công ty Gami gas, Công ty FBS và bà Nguyễn Thị Ngoan đã hai lần trốn thuế hàng tỉ đồng, đó mới là con số tạm tính theo Hợp đồng công khai chuyển nhượng.
Căn cứ vào diễn biến xung quanh vụ việc chuyển nhượng, bán Công ty Ganmi Gas và các tài liệu thu thập được cho thấy có đủ cơ sở để xác định bà Nguyễn Thị Ngoan đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt và cầm giữ 6,633 tỉ đồng của bà Trần Thị Kim Tân.
Bà Trần Thị Kim Tân, nạn nhân bị bà Nguyễn Thị Ngoan lừa đảo chiếm đoạt 6,633 tỉ đồng, với tập hóa đơn chuyển phát nhanh gửi đơn tố cáo.
Xung quanh vụ việc này, hầu như các doanh nghiệp ở Thái Bình đều biết chuyện bà Tân, bà Ngoan, ông Văn chung mua Công ty Gami Gas của FBS như thế nào? Mặc dù kí phần vốn góp cao nhất, lại trực tiếp đi đàm phán với Công ty FBS, song vì lí do riêng, bà Tân đã cậy nhờ và ủy thác cho bà Ngoan đứng tên trong bản Hợp đồng chuyển nhượng và Giấy đăng kí kinh doanh lần thứ 7. Nào ngờ, cùng là bầu bạn làm ăn trong tốp nữ doanh nhân với nhau (bà Ngoan hiện là Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Trà) và trong thực tế bà Ngoan đã từng nhận lại tiền rút vốn ra khỏi Công ty nhưng với thủ tục được tạo ra bởi sự tiêu cực, a tòng của Phòng Đăng kí kinh doanh Sở KH&ĐT, bà đã thực hiện một chiêu lừa đảo ngoạn mục ngang nhiên đứng ra bán thẳng Công ty Gami Gas cho bà Tuyết, ôm trọn cả 7,850 tỉ đồng vào hầu bao, chiếm đoạt 2,633 tỉ đồng vốn góp và cầm giữ 4 tỉ đồng của bà Tân từ đó đến nay.
Mặc dù bà Tân đã có nhiều đơn thư tố cáo gửi đến các ngành chức năng từ Trung ương đến địa
phương, nhưng bởi mập mờ giữa ranh giới “chuyển nhượng vốn” hay “mua bán tài sản” chưa được xác định rõ ràng cũng bởi khởi nguồn từ việc cấp Giấy đăng kí kinh doanh sai trái của Phòng Đăng kí kinh doanh của Sở KH&ĐT Thái Bình, dẫn đến hệ lụy cho nhiều ngành chức năng hiện nay khó lí giải. Phòng Cảnh sát tội phạm kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thái Bình đã thừa nhận bà Ngoan còn cầm giữ treo 4 tỉ đồng tại Ngân hàng Ngoại thương và chiếm giữ 2,633 tỉ đồng vốn góp của bà Tân, nhưng lại chưa xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà Ngoan, mặc dù đã có đủ chứng cứ? Đó là hiện tượng bất bình thường khiến dư luận xã hội càng ngỡ ngàng trước sức mạnh của bà Ngoan vốn từng được mệnh danh là người đàn bà “kì diệu”.
Có điều, cho dù có ngụy biện bao bế đến đâu thì đến thời điểm hiện nay, Công ty FBS cũng như Công ty Gami Gas do bà Ngoan đứng tên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bởi chưa hoàn tất hóa đơn VAT (hóa đơn đỏ) trong việc chuyển nhượng bán này theo quy định. Do vậy, việc chuyển nhượng đó được xác định là chưa thành theo cam kết. Chính vì thế mà các Hợp đồng chuyển nhượng đều chưa đủ cơ sở hiệu lực pháp lí thì sao Phòng Đăng kí kinh doanh Sở KH&ĐT Thái Bình lại cấp đổi Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh?
Chính vì những khuất tất trong việc cấp đổi Giấy đăng kí kinh doanh này mà tại đợt sinh hoạt quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã nêu ra để kiểm điểm sâu sắc và yêu cầu các ngành chức năng phải làm rõ, chấn chỉnh kịp thời. Đồng chí Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã có chỉ đạo kiên quyết: “Các doanh nghiệp tự ý sang chuyển tài sản trên đất của các dự án mà không báo cáo và được sự cho phép của UBND tỉnh, thì doanh nghiệp đó phải tự tháo dỡ tài sản mang đi, trả lại đất cho tỉnh”. Thiết nghĩ, đó là biện pháp hữu hiệu nhằm chấn chỉnh lại tình trạng hỗn độn chuyển nhượng, sang bán đất dự án của các doanh nghiệp đang có chiều hướng gia tăng hiện nay, xiết chặt lại kỉ cương, đưa công tác quản lí đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo đúng quy định của Luật Đất đai. Công an tỉnh Thái Bình và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã vào cuộc, có báo cáo cấp trên để làm rõ và có biện pháp xử lí nghiêm minh hành vi lách luật trốn thuế, chiếm đoạt tài sản của công dân trong vụ việc chuyển nhượng mờ ám này. Dư luận nhân dân và các doanh nghiệp Thái Bình, nhất là các cán bộ hưu trí đang quan tâm theo dõi kết quả xử lí vụ việc này
Điều tra của Nguyễn Trọng Thắng
(Báo Người Cao tuổi)