Người dùng Internet tại Trung Quốc có lẽ khó tìm được hình ảnh, sinh hoạt và thông tin của Pháp Luân Công, hay về ông Lưu Hiểu Ba cùng đồng bạn và những người bất đồng chính kiến với Đảng và Nhà nước tại đó; ngược lại những hình ảnh và thông tin phô trương sự phát triển kinh tế của Trung Quốc thì ai cũng có thể truy cập được.
Mới đây một người dùng Internet tại Trung Quốc đã cho cả thế giới thấy Trung Quốc phát triển ra sao bằng một loạt hình ảnh các thiếu niên bản xứ chưa quá tuổi 15-16. Nhìn những thiếu niên này không ai nghĩ đó là công dân của một quốc gia đã có 35 triệu người chết đói, 1959–1961, trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”, và hiện nay có 153 triệu người lao động bỏ quê ra tỉnh mưu kế sinh nhai. 70% số người lao động từ quê lên tỉnh làm việc tại 6 thành phố/tỉnh như Beijing, Shanghai, Zhejiang, Jiangsu, Guangdong và Fujian. Năm 2011, 40% dân số Bắc Kinh là dân lao động từ những vùng quê Henan, Anhui, Hunan, Jiangxi, Sichuan and Hube đến thủ đô tìm việc làm. Thu nhập tối thiểu cuả những công nhân này tăng từ 500 đến hơn 1000 quan trong khoảng 10 năm 2000-2010. Trong những năm đầu thế kỷ 21, trung bình công nhân vùng Đồng bằng Châu giang - nơi được mệnh danh là “xưởng máy của thế giới” - có thu nhập hàng tháng là 800 quan (1 quan tương đương 16 xu Mỹ) để chi tiêu cho tất cả, từ thức ăn đến nhà ở và đồ tiêu dùng khác.(1)
(Từ trái) Công nhân lên tỉnh để con lại quê nhà; thiếu niên và đồ chơi hàng hiệu Nguồn: shanghaiist.com/micgadget.com.
Nhìn ảnh trên ai cũng thấy có sự khác biệt lớn giữa những thiếu niên 15-16 và những người lao động bình thường tại Trung Quốc. Trên tay các thiếu niên đó là những máy hình số, nhưng không phải là loại máy “ngắm-rồi-bấm” mà toàn là những máy ảnh và ống kính Canon, Nikon - loại cho giới chuyên nghiệp sử dụng. Muốn có máy hình và ống kính loại đó, người lao động Trung Quốc phải nhịn ăn trung bình khỏang 40 tháng, và dĩ nhiên là phải ngủ ở công trường vì không còn tiền trả tiền thuê phòng trọ.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc trong hơn 30 năm vừa qua đã tạo ra một thiểu số nhà giàu mới và họ cũng là giới tiêu dùng mới tại đây. Khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc ngày càng lớn là sự thật không thể tranh cãi. Đây chỉ là một trong rất nhiều vấn nạn xã hội Trung Quốc thời kỳ phát triển, như trai thừa-gái thiếu, bệnh béo phì,... Con nhà giàu thế hệ thứ hai không những chỉ có đời sống xa hoa, thừa kế những gia sản kếch xù và dường như hoàn toàn mất khả năng tự lập, bươn chải để sinh tồn, không còn hiểu được giá trị của lao động tay chân cũng như trí tuệ. Có nhiều khả năng chính sách 1 con của Nhà nước cộng sản đã góp phần xây dựng xã hội Trung Quốc ngày nay.
Thế hệ con nhà giàu thứ hai này tại TQ muốn - không phải cần - có tất cả “đồ chơi” mới nhất, hiện đại nhất, thời trang nhất, và họ muốn có ngay tức thì. Văn hóa muốn và ngay tức thì của giới nhà giàu mới không chỉ giới hạn ở tuổi thiếu niên. Mới đây thôi, người ta chưa quên chuyện cô sinh viên đại học vòi quà cha mẹ để không bị... nhục.
Đầu niên học là thời gian cha mẹ hẳn phải chi tiêu nhiều cho con tựu trường. Nhưng tựu trường Đại học ở đầu thế kỷ này tại Trung Quốc lại là chuyện đến báo phải đăng. Mới đây, tại một cửa hàng Apple tại Bắc Kinh, cô sinh viên năm thứ nhất quyết chí đòi cha mẹ phải mua cho cô một “bộ 3 món Apple”; đó là iPhone 4S, iPad đời mới và một Macbook trị gía tất cả khoảng 20,000 quan (hơn 3000USD). Cô chiêu nói, “Nếu bố mẹ mà không mua mấy món này á, cứ để vậy đi, rồi con sẽ mất mặt ở đại học cho mà coi!” Bà mẹ cô sinh viên rơi nước mắt; bà khóc vì không đủ tiền mua một “bộ 3 món Apple” cho con gái hay bà khóc vì sợ con “mất mặt”, bị sỉ nhục? Cũng có thể bà mẹ đó đã khóc vì ứng xử “mất dậy” của cô con gái mà vợ chồng bà là người có trách nhiệm giáo dục một phần không nhỏ.
Mô hình Trung Quốc: “Không mua là tui mất mặt á!” - “Mẹ lạy con!”
Nguồn ảnh: micgadget.com
Cô sinh viên trẻ đó và rất nhiều bạn đồng trang lứa có biết chuyện nhiều công nhân Foxconn, xưởng làm Macbook, iPhone, iPad, iPod và những sản phẩm khác của Apple, đã nhảy lầu tự tử đòi có điều kiện làm việc xứng đáng với nhân phẩm con người hơn những điều kiện hiện tại hay không? Có lẽ họ không quan tâm cho lắm. Và họ lại càng không cần biết rằng công nhân xưởng Foxconn hôm nay đang lo méo mặt, bị chủ dũa te tua, và có thể mất việc làm vì vỏ nhôm của iPhone 5 mới trên thị trường bị trầy sứt.
Mô hình Trung Quốc ngày nay dĩ nhiên không phải là sinh viên dọa bỏ học, mất mặt hay bị sỉ nhục vì không có “bộ 3 món Apple” hay những món hàng xịn khác - biểu trưng của sức mạnh đồng tiền, và cũng không phải là những thiếu niên chơi máy ảnh của giới chuyên nghiệp. Nhưng, không thể tranh cãi, đó là những góc rất thực của mô hình Trung Quốc cũng như cảnh hàng triệu công nhân tranh nhau mua vé lên xe lửa về quê mỗi khi Tết đến.
© DCVOnline