Sếp tôi gọi nhậu nhẹt là 'Team Building'
"Ở công ty tôi mỗi người nhậu thì phải ít nhất 10 lon. Uống xoay tua, cứ hai người là một ly đầy, ngồi ép nhau nốc thứ bia vào người rồi thi nhau đi "xả". Người nào về sớm thì phải chúc hết từng người trong công ty".
Sau khi bài viết 'Đàn ông không nhậu thì về mặc váy với vợ' của độc giả Nguyễn Hữu Trí được đăng thì có khá nhiều ý kiến về vấn đề nhậu nhẹt của đàn ông Việt thời nay, trong số đó có rất nhiều ý kiến về mối quan hệ giữa nhậu và công việc.
Bạn đọc Le Tuan chia sẻ: "Sếp tôi gọi nhậu là Team Building (gắn bó để làm việc nhóm)Ban đầu đi làm ở công ty, anh em chưa thân với nhau lắm, nhưng khi trên bàn nhậu rồi thì ông nào cũng nhiệt tình. Giám đốc kêu: "Ở công ty mình nhậu thì phải ít nhất 10 lon". Có lần công ty uống xoay tua, cứ hai người là một ly đầy, ngồi ép nhau nốc thứ bia không có gì gọi là béo bổ vào người rồi thi nhau đi WC. Người nào về sớm thì phải chúc hết từng người trong công ty, tính ra 1 người về sớm là phải 8 - 10 lon."
Nhưng độc giả này cũng cho rằng 'văn hóa nhậu' rất buồn cười vì: "Nhậu xong thì say xỉn, rất nguy hiểm khi đi xe. Tại sao chúng ta lại biến một chuyện vui thành một buổi tra tấn nhau như thế? Những người đi nhậu tôi thấy không bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo hay khá hơn thì gọi là đủ ăn vì có dư một chút là đi nhậu".
Tuy nhiên, không thiếu những độc giả cho rằng nói chuyện công việc trên bàn nhậu là một điều không hay và không cần thiết: "Ở nước ta có một quan niệm rất là đáng xấu hổ. Mọi công việc gì dù khó đến đâu thì khi vào bàn nhậu là có thể giải quyết được tất cả.
Anh muốn tăng lương, lên chức? Nhậu đi! Anh muốn ký được hợp đồng ư? Nhậu! Đất nước ta còn nghèo và sẽ vẫn nghèo nếu thói quen ăn nhậu vẫn còn trong xã hội.' - Đó là ý kiến của độc giả Pham Huy Long, anh còn mong rằng: 'Nếu được, tôi thấy Quốc hội hãy đưa ra điều luật cấm rượu trên toàn quốc.'
Dường như nhậu vừa là một cách xả stress của nhân viên văn phòng, nhưng cũng là một nỗi khổ khó nói với các đấng nam nhi. Độc giả Nguyen Trong Minh cho rằng 'Rượu bia đang là một vấn đề trầm kha, nó len lỏi vào mọi vấn đề trong công việc, cuộc sống. Nếu như ai không uống được sẽ bị mọi người lên án, coi thường. Đặc biệt là trong công việc, đôi khi nó còn là thước đo để đánh giá khả năng. Nếu như ai cũng nghĩ được như anh Nguyễn Hữu Trí thì có lẽ cuộc sống sẽ bớt đi một phần ''gánh nặng''".
Độc giả VHN cho rằng cần phải thay đổi quan niệm về nhậu. " Không hẳn phải bỏ nhậu 100%, đó là tuỳ mỗi người nhưng tôi nghĩ trên bàn nhậu chủ yếu là vui vẻ, còn người nào uống được bao nhiêu thì uống, không ép nhau. Nếu ai cũng nghĩ được như thế thì cuộc nhậu sẽ rất vui đó".
Độc giả Tuấn Tú đồng tình với hầu hết các suy nghĩ của tác giả Nguyễn Hữu Trí. Tuy nhiên, theo cảm nhận anh Tuấn Tú, trong các buổi tiệc nếu thiếu rượu, bia thì sẽ không được vui. Tùy theo tửu lượng của mỗi người và không nên ép nhau. "Vì uống cho lắm rượu bia vào để rồi say xỉn thì chẳng hay ho gì". Độc giả này còn chia sẻ: "15 năm trước, lúc mới về làm việc, sếp tôi từng chê tôi uống rượu kém, tiếp khách không tốt. Tôi không tranh luận với ông nhưng tất cả các công việc với khách hàng tôi đều làm tốt". Anh cũng khẳng định: "Không cần uống nhiều bia rượu tôi vẫn ký được hợp đồng tốt với cả khách hàng trong và ngoài nước".
"Theo tôi, các bữa tiệc nên có bia, rượu nhưng chỉ dùng vừa phải để có hương vị và kích thích bữa ăn ví dụ như rượu chát, hoặc tí rượu mạnh để làm hưng phấn cho bữa tiệc chứ cho rằng rượu bia không tốt và bỏ hẳn thì đó là tư tưởng cực đoan. Mỗi người khi uống rượu bia nên có bản lĩnh để tự điều chỉnh mình khi bị ép. Và bây giờ, nếu uống rượu sếp đã uống thua tôi. Nhưng, tôi chưa bao giờ để mình bị người khác ép uống say xỉn dù tửu lượng tôi cao." - Độc giả Tuấn Tú chia sẻ.
Có thể nói một cách hơi độc đoán rằng "Nếu ăn nhậu như nêu trong tiêu đề" thì lo âu nhất của xã hội là những người này nếu kéo dài thói quen...không thành kẻ cắp (tham ô, tham nhũng) mới lạ.
VNE
|