Trong khi Trung Quốc lo ngại sự hiện diện quân sự ngày càng mạnh mẽ của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương thì các quan chức Mỹ ra sức xoa dịu, giảm nhẹ nỗi lo của nước này.
Chuyến công du châu Á với chặng dừng hai ngày của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng hàng loạt động thái quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương khiến Trung Quốc không khỏi lo ngại. Ngay trước thềm chuyến thăm của bà Clinton, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã lên tiếng răn đe.
Theo đó, trong bài xã luận ngày 29/8, Tân Hoa Xã bày tỏ quan ngại về "chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á" của Mỹ.
Bài báo có đoạn: "Một mục tiêu trong chuyến công du của bà Clinton là nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, song trọng tâm trong chiến lược của Mỹ là nhằm bảo vệ địa vị thống trị cũng như quyền bá chủ của Washington tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Trung Quốc lo ngại sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương
Ngoài ra, bài bình luận còn cáo buộc Mỹ âm mưu hưởng lợi từ các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước châu Á và khiến các nước khác xa lánh Trung Quốc.
"Cách tiếp cận của Washington là không có lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Mỹ âm mưu hưởng lợi từ việc khuấy động các tranh chấp giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó Washington muốn khôi phục quyền bá chủ trong khu vực", bài báo nêu rõ.
Để xoa dịu Trung Quốc, ngày 1/9, Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, ông Gary Locke khẳng định: "... Sự hiện diện an ninh của chúng tôi ở đây có ích cho các nước trong vùng và cần thiết cho sức mạnh lâu dài của châu Á -Thái Bình Dương".
“Sự hiện diện an ninh của chúng tôi không nhắm vào một nước nào", ông Locke nhấn mạnh.
"Chúng ta còn cả một chặng đường dài" trong hợp tác Mỹ - Trung - ông Locke nói thêm, "nhưng tôi hy vọng rằng khi làm việc cùng nhau, chúng ta có thể thoát ra khỏi các mô hình xưa cũ và thay vào đó hun đúc nên một di sản từ sự hợp tác và đối tác".
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, Nam Thái Bình Dương đủ cho cả Mỹ và Trung Quốc
Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương gồm 15 quốc gia, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton đã bác bỏ việc Washington và Bắc Kinh ganh đua nhau tại Nam Thái Bình Dương và cho rằng Nam Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc.
Chuyến thăm của bà Hillary diễn ra sau khi một số nước tiến tới quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, quốc gia cam kết cho Nam Thái Bình Dương vay hơn 600 triệu USD với lãi suất thấp và phần lớn là không điều kiện kể từ năm 2005, viện Lowy của Australia cho hay.
"Chúng tôi cho rằng các nước Thái Bình Dương có quan hệ tốt đẹp với càng nhiều đối tác càng tốt là điều rất quan trọng. Trong số các đối tác này có cả Trung Quốc và Mỹ", bà Clinton nói.
Dự kiến, trong chuyến công du châu Á lần thứ ba kể từ tháng 5, bà Clinton sẽ cảnh báo Trung Quốc cùng các nước láng giềng của Bắc Kinh về việc sử dụng vũ lực trong bối cảnh căng thẳng leo thang về tranh chấp trên biển. Bà Clinton cũng sẽ tới thủ đô Bắc Kinh vào tuần tới để gặp người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Đầu tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã công bố chiến lược quân sự mới của Washington, theo đó, nước này chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương.
Động thái này thể hiện sự quan ngại của Washington trước sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Panetta khẳng định chiến lược mới không nhằm để đối đầu với Bắc Kinh.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ điều chuyển 60% hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương đến năm 2020 không chỉ là số lượng, mà còn là chất lượng. Hải quân Mỹ cũng sẽ triển khai máy bay và tàu chiến hiện đại nhất tới khu vực này.
Mỹ sẽ đưa các tàu chiến mới nhất hoạt động vùng nước nông như sắp triển khai tại Singapore, máy bay trinh sát EA-18G, có khả năng làm nhiễu các hệ thống phòng không cũng như bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. Tàu ngầm lớp Virginia, loại hiện đại nhất của hải quân Mỹ, cũng sẽ được bổ sung thêm cho châu Á - Thái Bình Dương.
Minh Minh (Tổng hợp)