AN BÌNH (NV) - Mười chín con cọp đi loanh quanh trong các cái chuồng chỉ bằng cỡ phòng ngủ nhỏ, gặm song sắt và gầm lên tức giận khi nó bị người săn sóc lấy chiếc dép đập vào chấn song sắt.
![](http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/152613-VN_CopNuoi_AP_070412.400.jpg)
Hai con cọp trong một cái chuồng của một trại nuôi cọp ở Bình Dương. Các người bảo tồn thiên nhiên cáo buộc rằng 11 trại nuôi cọp ở Việt Nam chỉ là bình phong của thị trường mua bán xương cọp để nấu cao. (Hình: AP Photo/Mike Ives, File)
Theo một ký sự của thông tấn AP, nó có vẻ như một sở thú nhưng lại không cho công chúng vào xem. Các cơ sở này gây giống, cho chúng đẻ con, nhưng chưa bao giờ đưa ra một chương trình bảo tồn thú vật quý hiếm với các con thú họ có hoặc có bán con nào cho sở thú không.
Các nhà bảo tồn thiên nhiên cáo buộc rằng 11 trại nuôi cọp có giấy phép ở Việt Nam, gồm cả các cơ sở ở tỉnh Bình Dương, được lập ra chỉ vì các người chủ có cái thú nuôi cọp và chúng đều do tư nhân bỏ tiền ra. Cơ sở ở Bình Dương là của người chủ một công ty sản xuất bia.
Thật ra họ tố cáo chúng chỉ là bình phong của dịch vụ buôn bán các bộ phận cọp để nấu cao, một thứ thuốc truyền thống được tin là có giá trị rất cao và bán vô cùng đắt.
Tháng 3 năm 2011, báo chí cho hay ông Huỳnh Văn Hai, chủ một trong những trang trại nuôi cọp ở tỉnh Bình Dương, đã bị phạt 3 năm tù vì “buôn bán cọp trái phép.”
Ông Lương Thiện Dân, quản lý của một trang trại nói cáo buộc như thế phi lý.
“Lúc đầu, chúng tôi giữ chúng làm cảnh, nhưng sau chúng sanh đẻ, chúng tôi thấy thích và muốn chúng phát triển thêm nhiều nữa.”
Dịch vụ mua bán các bộ phận của các loại thú quý hiếm ước tính từ $8 tỉ đến $10 tỉ USD hàng năm chỉ kể ở khu vực Ðông Nam Á, gồm cả cọp, tê giác và một ít loại thú vật khác. Một số người Việt Nam bị bắt và truy tố ở Nam Phi vì tổ chức săn bắn và buôn bán sừng tê giác từ nước này về Ðông Nam Á.
Các nhà bảo tồn nói luật lệ lỏng lẻo nên người ta nhốt chung những con cọp bắt ngoài thiên nhiên với những con cọp được sanh đẻ ra khi nuôi nhốt. Sau đó, các bộ phận của con cọp được đem bán trên thị trường chợ đen. Xương, da, thịt của chúng đều thành những số tiền lớn.
Tuần này, tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF xếp hạng Việt Nam vào một trong những nước tồi tệ nhất thế giới về bảo tồn thú vật quý hiếm.
Bộ Ngoại Giao CSVN chưa thấy phản ứng về bản tường trình kiểu lên án của tổ chức WWF. Nhưng năm 2009, người ta thấy nhà cầm quyền Hà Nội bào chữa cho các trang trại nuôi cọp là chúng có mục đích nuôi dưỡng và sinh sản cọp cho khỏi tuyệt chủng.
Cho tới nay, chưa có một chương trình bảo tồn cọp nào thành công trong việc trả chúng về rừng. Một số người bênh vực cho các trang trại loại này nói rằng chúng giúp giảm bớt số lượng thú dữ sống hoang dã tức là giảm thiểu nạn săn bắt bất hợp pháp để giết lấy da lấy xương. Tuy nhiên, tổ chức WWF cho rằng luật lệ lỏng lẻo chỉ làm đầu cầu cho những hoạt động bất hợp pháp.
Tuy có luật lệ bảo vệ thú hoang dã quý hiếm, Việt Nam hiện đang bị cáo buộc là một trong những trung tâm hấp dẫn các dịch vụ mua bán lậu xuyên quốc gia, qua các đại lục. Ðặc biệt, việc nhà cầm quyền hậu thuẫn cho các trang trại nuôi cọp sẽ chỉ làm cho sự tuyệt chủng của các loại thú quý hiếm đến nhanh hơn.
Theo tin tức, một 100 gram cao hổ cốt được bán với giá $1,000 trên thị trường chợ đen.
Trên thế giới, hiện chỉ còn khoảng 3,500 con cọp trong số khoảng hơn 100,000 con trước kia. Người ta ước tính trong các rừng núi của Việt Nam, hiện còn không quá 50 con, có thể ít hơn nhiều.
Một số chuyên viên cho rằng các con cọp nuôi trong các trang trại có tỉ lệ tử vong rất cao và có thể không duy trì được con số báo cáo nếu không có các con cọp được đem tới điền thế từ bên ngoài.
Ông Dân nói với phóng viên AP rằng ông không thể nhớ khi nào thì trang trại của ông nhận những con cọp đầu tiên và bao nhiêu con đã chết. Nhưng ông cho biết mỗi tháng trang trại của ông tốn từ 150 triệu tới 200 triệu đồng (khoảng $7,200 USD đến $9,600 USD) cho mọi thứ. Ông và người bà con là Ngô Duy Tân, chủ công ty bia hơi Pacific Beer Company, lấy tiền lời bán bia để nuôi trại cọp.
Trang trại của ông tương lai cũng không có gì chắc chắn vì giấy phép trang trại chỉ được cấp tạm thời. Ông cũng tỏ ý hoan nghênh nếu chính quyền hợp pháp hóa việc bán các bộ phận con cọp để nấu cao làm thuốc.
(TN)