Giai đoạn 2018 - 2025, Trung Quốc được dự báo có thể vượt xa Nga và Israel về công nghệ cũng như số lượng UAV.
Theo các thông tin công bố, Trung Quốc đã tiến hành nhiều đợt thử nghiệm và các UAV đã hoàn thành xuất sắc hàng chục nhiệm vụ từ trinh sát và xử lý số liệu trinh sát, truyền dẫn số liệu dung lượng lớn, chống trinh sát điện tử, trung chuyển số liệu trên không cho tới tấn công, đánh chặn …
Sánh ngang UAV Nga, Mỹ
Trong số hai mô hình của Tập đoàn khoa học công nghệ hàng không Trung Quốc, ngoài Đao Phong, chuyên gia quân sự nước ngoài rất ấn tượng với WJ-600, máy bay trinh sát, tấn công chiến lược tầm cao và tầm xa của Trung Quốc. UAV này mang đặc điểm của phần đầu Đao Phong nhưng hình dạng tổng quan rất giống tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Nó sử dụng động cơ phản lực, có khả năng phản ứng nhanh, tự bảo vệ và sức tấn công mạnh, ngoài khả năng trinh sát còn có thể không kích mặt đất và tác chiến điện tử.
WJ-600 được xem là loại máy bay không người lái chiến lược duy nhất của Trung Quốc có thể sánh ngang với Global Hawk của Mỹ. UAV này có khả năng bay trinh sát cả ngày lẫn đêm trong mọi địa hình, mọi thời tiết, có thể phát hiện và truyền dẫn tức thì các số liệu định vị hàng không mẫu hạm của đối phương để điều khiển tên lửa hành trình chống hạm tác chiến và phối hợp tấn công nhóm tàu hộ vệ tàu sân bay.
Trong khi đó, Tập đoàn hàng không Thành Đô tiếp tục trưng bày UAV Dực Long-I phỏng chế theo nguyên mẫu chiếc MQ-1 Predator của Mỹ. Đây là loại UAV đa dụng tiến hành trinh sát, tác chiến điện tử, tấn công tầm xa với thời gian bay tối đa 20g, độ cao trung bình 5.000m. Tạp chí Quốc phòng của Nga đánh giá Dực Long-I đã vượt qua các loại UAV hiện đại nhất của Nga, thậm chí tiếp cận với trình độ của Mỹ.
Ấn tượng với Chiến Ưng
Đặc biệt, các chuyên gia còn ngạc nhiên về sự xuất hiện của UAV tiến công tàng hình chiến lược Chiến Ưng khi nhầm tưởng hãng Northrop.Grumman (Mỹ) đã bán chiếc X47B của mình cho Bắc Kinh. X-47B là UCAV thuộc biên chế lực lượng hàng không mẫu hạm Mỹ, là vũ khí tấn công tầm xa đáng sợ nhất của cụm tàu sân bay trong tương lai. Còn Chiến Ưng được Tập đoàn công nghệ hàng không Thẩm Dương thai nghén từ năm 2002, đến năm 2008 mới định hình được kiểu dáng chế tạo.
Chiến Ưng giống hệt X-47B của Mỹ.
Ảnh:THX
Sự xuất hiện của nó ngay sau khi Trung Quốc bắt tay khôi phục tính năng của tàu sân bay đầu tiên năm 1999 và tiếp theo là kế hoạch nghiên cứu J-15 tiêm kích hạm cũng của Tập đoàn Thẩm Dương làm các chuyên gia quân sự Mỹ dần dần hiểu ra là mình đã có một "học trò" xuất sắc. Năm 2011, Chiến Ưng đã thực sự bay trên bầu trời chứ không còn là một mô hình trong phòng thí nghiệm.
Với sản phẩm của riêng mình, Viện nghiên cứu số 11, Tập đoàn công nghệ hàng không quốc gia Trung Quốc đưa ra ý tưởng thiết kế máy bay tấn công không người lái CH-3 (Cầu Vồng-3). CH-3 có sải cánh dài 8m, chiều dài máy bay 5,5m, trọng lượng 640kg, tải trọng hiệu quả là 60kg, tối đa là 100kg. Đây là loại UAV tấn công kiểu bánh lốp (có tổng cộng 3 bánh làm điểm tựa tự cất hạ cánh), độ cao hiệu quả 3 - 5km, tối đa 6km (ưu việt hơn các loại UAV trực thăng hiện có trên thế giới) với hành trình tối đa 2.400km, có khả năng bay liên tục 12 - 15 giờ.
Đặc biệt là ngoài chức năng trinh sát tối ưu, CH-3 còn được trang bị 2 tên lửa không đối đất AR-1 hạng nhẹ có tính năng tương đương loại tên lửa không đối đất hiện đại nhất của Mỹ - Maverick. Loại tên lửa này đang trong giai đoạn thử nghiệm tác chiến, có trọng lượng 45kg, đầu đạn chứa 6,8kg thuốc nổ tổng hợp có sức công phá lớn, dẫn đường bằng GPS. Với lượng nổ này, AR-1 có thể xuyên phá vỏ thép dày 1,4m, rất phù hợp để tấn công xe tăng và phá hủy các công sự kiên cố.
Liên tục thử nghiệm
Thông tin về máy bay không người lái của hải quân Trung Quốc cũng được lực lượng phòng vệ Nhật Bản xác thực trong hai báo cáo gần đây. Lần thứ nhất ngày 24/6/2011, biên đội hỗn hợp gồm 11 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa của hạm đội Đông Hải trên đường trở về căn cứ sau khi diễn tập quân sự ở đông nam biển Hoa Đông. Khi biên đội này đi qua khu vực giữa Okinawa và đảo Miyako, máy bay trinh sát P-3 của Nhật đã chụp được bức ảnh một UAV cỡ nhỏ, trên đầu có gắn một máy quay camera hoặc thiết bị quang điện hình cầu, được phóng lên từ tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Vệ II (lớp 053II).
Tàu hộ vệ Châu Sơn thử nghiệm UAV trên biển.
Ảnh: Military.photos
Lần thứ 2 ngày 14/5/2012, cả máy bay giám sát và tàu hộ vệ của Nhật đều phát hiện biên đội gồm hai tàu hộ vệ tên lửa và một tàu trinh sát trên đường từ Thái Bình Dương trở về Hoa Đông. Tại khu vực cách Okinawa 700km về phía đông, biên đội này đã dừng lại và tiến hành bay tập UAV.
Qua hình dạng, kích thước, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng đây là loại UAV dạng cất, hạ cánh thẳng đứng (VTUAV) có tên gọi là X-200 vừa được Trung Quốc trưng bày trong triển lãm hàng không châu Á - TBD lần thứ 3 tổ chức tại Singapore tháng 2/2012.
Đây là loại UAV cánh quạt, có khả năng tự cất cánh, tự bay tuần tra, tự động dừng trên không và hạ cánh thẳng đứng, thời gian bay liên tục là 5 giờ. Nó được trang bị các loại radar hết sức tiên tiến như: radar khẩu độ tổng hợp tần số hồng ngoại hoặc tần số sóng ánh sáng khả kiến, radar lade 3D, radar đối hải/đối đất đa quang phổ, có khả năng trinh sát, trung chuyển thông tin, tác chiến điện tử và gây nhiễu thông tin.
Trước đó, tháng 7/2011, trong diễn tập chi viện thông tin tầm xa hải quân, các quan chức Trung Quốc lần đầu tiên công khai việc sử dụng máy bay không người lái. Loại máy bay này có tên gọi là Ngân Ưng, phiên bản cải tiến hải quân của máy bay trinh sát không người lái lục quân ASN-209.
Nguyễn Ngọc
theo đv