Việc phía Nhật Bản tiến hành kiểm tra chất Ethoxyquin đối với các lô tôm của Việt Nam với mức giới hạn tối đa Ethoxyquin 10 ppb (0,01 ppm). sẽ ảnh hưởng đến hoạt động XK tôm của Việt Nam do các DN tôm khó có khả năng kiểm soát Ethoxyquin dưới mức này.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết, trong chương trình giám sát an toàn thực phẩm năm 2012 của Nhật Bản chỉ kiểm tra các chỉ tiêu như Furazolidone, Trifluralin, Enrofloxacin, Chloramphenicol nhưng chưa quy định kiểm tra chỉ tiêu Ethoxyquin.
Vậy mà, mới đây, Nhật Bản lại áp dụng kiểm tra Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam với mức giới hạn cho phép là 0,01ppm. Trong khi, điều hết sức vô lý là Nhật Bản không thực hiện đối với tôm nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là Thái Lan. Hơn nữa, ngay tại Nhật Bản, người nuôi vẫn được phép sử dụng chất này với mức giới hạn là 150ppm.
Đại diện Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) cho biết, năm ngoái vấn đề Trifliralin và Ernofloxacin đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của Fimex VN. Năm nay lại vướng thêm chất Ethoxyquin khiến doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất. Đặc biệt, năm nay tôm nuôi tại ĐBSCL bị thiệt hại trầm trọng và để lại hậu quả nặng nề. Tình hình khó khăn này khiến giá tôm nguyên liệu hiện đang cao hơn cả giá tôm thế giới.
Mới đây, Thái Lan đã trúng mùa lớn và đang chào bán với giá thấp hơn so với giá của các doanh nghiệp Việt Nam. Do mọi chi phí sản xuất trong nước như điện, xăng, tiền lương, vật tư… tăng cao cộng với khan hiếm nguyên liệu nên các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam khó có thể chào giá thấp hơn giá nguyên liệu.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) cũng cho biết, thông tin từ thị trường Nhật Bản chính thức kiểm tra hàm lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Công ty. Nếu năm 2011 thị trường Nhật Bản chiếm 55% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp thì đến hết tháng 5/2012 thị trường này chỉ còn chiếm khoảng 30%. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý Việt Nam không có những động thái tích cực với Nhật Bản nhằm điều chỉnh mức giới hạn cho phép của Ethoxyquin trong sản phẩm tôm của Việt Nam thì rất có thể tôm sẽ sụt giảm trong các quý còn lại của năm nay.
Trước tình hình này, Vasep đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cứu nguy ngành tôm và khẩn cấp có các hoạt động ngoại giao gặp gỡ cấp cao giữa các bộ liên quan nhằm kịp thời vận động và yêu cầu phía Nhật Bản điều chỉnh ngay mức giới hạn tối đa đối với Ethoxyquin cũng như có lộ trình đủ để ngành tôm Việt Nam điều chỉnh và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến Ethoxyquin.
Thúy Ngà
Infonet