Với những ai đã từng vào Lăng viếng Bác hẳn sẽ không quên hình ảnh hai lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc ghép liền nhau trong phòng Bác nằm. Tuy nhiên, việc hai lá cờ được ghép lại từ những tấm đá không phải ai cũng biết.
Ngót bốn mươi năm đã qua, kể từ những ngày miệt mài với công việc dán ghép các mặt đá tạo hình lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong Lăng Bác, song với GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, ký ức ấy vẫn chưa hề phai nhòa.
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu (ngoài cùng bên phải) bên công trình Lăng đang xây dựng (ảnh tư liệu).
Tìm đá quý
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu mở đầu câu chuyện từ lý do ông được chọn là người dán các mặt đá ghép thành hình lá cờ trong Lăng Bác. Ông nhớ lại: "Năm 1969, tôi bảo vệ thành công luận án PTS ở Mát-xcơ-va. Về nước, tôi làm cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa.
Sau đó, tôi cũng đã có vài công trình ứng dụng về nhựa epoxy - là loại nhựa có nhiều tính năng kỹ thuật tốt, dùng để dán kim loại và phi kim loại như sắt với sắt, đá với đá... Chính vì thế mà tôi được chọn thực hiện công việc này".
Ấy là hồi năm 1974, ông Nguyễn Phúc Ứng, Trưởng phòng Kỹ thuật của Xí nghiệp đá hoa An Dương xuống trường đặt vấn đề, mời cùng thực hiện công việc. "Đây là Xí nghiệp duy nhất được Bộ Xây dựng lựa chọn để giao cho việc cắt, mài, dán đá tạo hình lá cờ ở phòng nghỉ của Bác trong Lăng. Khi được mời cộng tác, khỏi phải nói tôi vui sướng và vinh dự biết dường nào", ông không giấu được xúc động.
Việc tìm đá có màu sắc tương ứng với hai màu đỏ và vàng được gấp rút thực hiện. "Bình Định nổi tiếng là nơi có nhiều đá granit và đá rất đẹp. Tuy nhiên, do điều kiện đất nước đang có chiến tranh nên việc lấy đá ở trong đó chuyển ra rất khó khăn. Cũng có một số người phát hiện thấy đá có màu đỏ, đem trình Bộ Chính trị nhưng đá này có màu xỉn kiểu tiết gà để lâu, không có thần nên đã không được chọn.
Cũng trong thời gian đó, hai cán bộ địa chất băng từ Sơn La sang Lào, có qua miền Tây Thanh Hóa. Khi đến huyện Bá Thước, họ thấy có những hòn đá chỉ to bằng quả bưởi nằm lăn lóc bên đồi, dùng búa chuyên dụng gõ vào thì thấy đá bật ra màu đỏ rất đẹp. Loại đá này đã được Bộ Chính trị duyệt", ông Diệu nhớ lại.
Sấy đá
Đá được vận chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội, tập kết tại Xí nghiệp đá hoa An Dương. Đầu tiên, những hòn đá phải được cắt ra thành từng miếng. Việc cắt đá cũng khá công phu.
Dù phía Liên Xô có hỗ trợ máy cắt nhưng chủ yếu vẫn phải làm thủ công. Theo đó, người thợ sẽ rắc cát rải lên thanh thép rồi cắt dần. Làm như thế nên khá mất công và tốn thời gian. Đá được cắt xong sẽ được mài cho nhẵn.
"Theo thiết kế, hai lá cờ có tổng kích thước chung là 6m x 6m với 96 tấm đá. Trước khi đem dán, chúng tôi phải tiến hành ráp sơ bộ để đảm bảo khi dán ghép không xảy ra sai sót. Sau đó, chúng tôi phải dùng aceton lau sạch mặt đá cần dán vì aceton sẽ tẩy sạch những chất hữu cơ bám trên bề mặt và quan trọng là nhanh bay hơi hơn cồn. Đá được lau xong sẽ đặt lên bàn sấy. Đây là khâu rất quan trọng vì nếu không sấy, khi gặp trời nồm ẩm, dán đá sẽ rất khó bám", ông kể.
Cũng theo ông Diệu, bàn sấy được trang bị hệ thống đèn hồng ngoại vì tia hồng ngoại sẽ cấp nhiệt tốt hơn. Thời điểm đó, tìm được loại đèn này rất khó vì đèn rất hiếm. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách của việc xây Lăng nên việc trang bị mấy chục bóng đèn hồng ngoại nhanh chóng được đáp ứng.
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu và bản thiết kế hai lá cờ trong Lăng Bác.
Bị bảo vệ gọi sang vì "trong đá có kim loại"
Một kỷ niệm trong quá trình dán đá mà GS Diệu nhớ mãi và theo lời ông thì "mỗi lần nhắc lại cũng đủ khiến mình... thót tim". Chuyện là khi 96 tấm đá hoàn thành, chuẩn bị chuyển vào Lăng thì đồng chí an ninh ở phòng bảo vệ gọi vào gặp.
"Ngày thường, tôi cùng kỹ sư Vĩnh (Xí nghiệp Đá hoa An Dương) làm việc ở cạnh phòng bảo vệ. Thú thực là tôi cũng không thấy đó là áp lực, vì nghĩ việc ai người nấy làm. Tuy nhiên, sớm hôm ấy tôi bị họ gọi vào. Tôi cũng khá hồi hộp và lo lắng. Họ nói khi kiểm tra đã phát hiện trong hầu hết các tấm đá đều có kim loại. Họ cần tôi phải giải trình.
Tôi liền đưa tấm bản đồ ra. Theo đó, trong quá trình cắt, mài đá, độ dày mỏng của từng viên rất khác nhau. Nếu cứ mài mãi cho đến khi bằng nhau sẽ rất tốn công sức và mất thời gian. Tôi cùng kỹ sư Vĩnh đã nghĩ ra cách phải lót tấm thép phía mặt sau của những tấm đá mỏng để tôn lên, đảm bảo khi dán các mặt đá sẽ nằm trên cùng một mặt phẳng, không bị tụt xuống.
Đó là chuyện nhớ đời của tôi vì có ai vẽ ra cho mình vị trí kê đâu, toàn tự mình mày mò đấy chứ", ông kể. Sau đó, bộ phận an ninh đã kiểm tra lại và quyết định chuyển những tấm đá vào Lăng.
Mời lái xe của Bác chở đá vào Lăng
Việc vận chuyển đá cũng phải vô cùng thận trọng. "Chính đồng chí lái xe cho Bác Hồ được giao việc chở đá vào Lăng bằng xe Gas 69", ông xác nhận.
Theo thiết kế, xe Gas 69 có thùng phía sau. "Họ đóng kệ gỗ hình chữ A ở trên thùng, mỗi bên chỉ để một tấm, mỗi lần chở hai tấm. Mỗi tấm đá được dùng chăn dạ bọc lại, cẩn thận như thế vì thời gian hết rồi, nếu bị vỡ sẽ không còn đá mà làm tiếp mà phải đợi đi tìm thêm", ông Diệu cho hay.
Thời gian từ lúc cắt đá đến lúc dán thành hai lá cờ trong Lăng mất chừng 3 - 4 tháng, kết thúc trước ngày 30/4/1975. "Thời gian làm việc khá căng thẳng và có nhiều áp lực vì đây là công trình đầu tiên của tôi về khâu dán đá. Tôi lại chưa có kinh nghiệm mà chỉ có kiến thức được học. Sau này, có một số tấm phải dán lại. Từ đó đến giờ không bao giờ phải dán lại nữa", GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu kết thúc câu chuyện bằng một nụ cười mãn nguyện.
"Ngoài việc dán hai lá cờ, tôi còn tham gia dán dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh phía trên Lăng. Đây là công việc khó nhất vì đá sẽ được khoét lõm, sau đó mới đặt đá xếp thành chữ vào. Khi ấy khoét bằng máy siêu âm, chậm vô cùng, có khi khoét chữ H lên tới cả tuần. Do không kịp tiến độ nên chúng ta phải nhờ cả thợ đá của Liên Xô có búa chuyên dụng để đục".
"Những ngày tham gia dán đá, tôi được nhà trường cho nghỉ để toàn tâm toàn ý cho công việc. Vợ tôi cũng tạo điều kiện rất nhiều. Thế nhưng, có một lần bà ấy đùa tôi. Hôm đó, khoảng 2, 3 giờ sáng, khi tôi vừa chợp mắt được vài tiếng thì nghe bà ấy báo thức, bảo "Anh dậy mau, người trong Lăng gọi". Tôi vội vàng bò dậy thay quần áo, định chạy xuống tầng một lấy xe thì bà ấy cười "Em đùa đấy". Thực sự, lúc đó cũng chẳng giận vợ đâu. Đó cũng là kỷ niệm khó quên của tôi".
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu
Theo Bee