Ý chí và nghị lực phi thường của người Nhật được thể hiện qua việc dọn đống đổ nát khổng lồ sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011.
Cặp ảnh này cùng được chụp trước tháp kiểm soát không lưu ở sân bay tại thành phố Sendai, thủ phủ tỉnh Miyagi, một bức chụp ngày 14/3/2011, một bức chụp ngày 12/1/2012.
Nước Nhật sẽ kỷ niệm tròn một năm sau thảm họa kép động đất sóng thần vào ngày 11/3 tới. Hơn 19.000 sinh mạng đã bị cướp đi trong thảm họa kinh hoàng này, trong khi vẫn còn nhiều người bị coi là mất tích. Cơn địa chấn 9 độ Richter và sóng thần cao 15m còn kéo theo thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Bức ảnh chụp ngày 18/3/2011 (phía trên) cho thấy chiếc tàu Asia Symphony mắc cạn sau khi bị sóng thần đánh dạt lên một bờ kè ở thành phố Kamaishi, tỉnh Iwate. Gần một năm sau, vào ngày 16/1/2012, bức ảnh bên dưới được chụp với khung hình giống hệt, cho người xem thấy được nhịp sống bình thường đã trở lại.
Khi xem cặp ảnh này, được chụp vào ngày 14/3/2011 (trên) và 15/1/2012 (dưới), người xem sẽ chỉ có thể nhận ra điểm chung là cây cột điện với tấm biển báo giao thông hình tròn. Những ngổn ngang trong bức ảnh cách đây gần một năm đã không thể được nhìn thấy trong bức ảnh được chụp tháng trước.
Bức ảnh bên trái được chụp ngày 13/3/2011, tức là chỉ hai ngày sau thảm họa động đất sóng thần, cho thấy cảnh ngổn ngang trên một con đường ở thành phố Tagajo, tỉnh Miyagi. Hôm 12/1 vừa qua, bức ảnh bên phải được chụp ở cùng góc nhìn lại cho người xem cảm giác dường như chưa từng có thảm họa nào tại đây.
Cảnh đổ nát và hoang tàn hai bên của một con đường ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate, hiện lên trong bức ảnh được chụp ngày 22/3/2011 (trên). Tuy nhiên, người ta chỉ còn thấy sự thanh bình ở bức ảnh bên dưới (được chụp cùng khung hình vào ngày 15/1/2012).
Ngày 13/3/2011, hình ảnh người dân Nhật lội trong dòng nước lụt trên một con phố bị sóng thần tàn phá ở thành phố Tagajo, tỉnh Miyagi, khiến người xem hình dung được phần nào sự kinh hoàng của thảm họa kép. Ở bức hình bên dưới được chụp ngày 12/1/2012, những dấu vết của động đất, sóng thần đã không còn.
Một con đường tại thành phố Ofunato, tỉnh Iwate, hiện lên trong một sự so sánh đối lập hoàn toàn: hoang tàn đổ nát trong ngày 14/3/2011 và sạch sẽ ngăn nắp trong ngày 15/1/2012.
Không thể nhận ra những người dân Nhật đang đứng cạnh một con đường tại khu vực bị sóng thần tàn phá ở thành phố Minamisoma, tỉnh Fukushima, vào ngày 12/3/2011, tức là chỉ một ngày sau thảm họa kép. Tuy nhiên, ở bức ảnh được chụp cùng khung hình vào ngày 11/1/2012, những ngổn ngang đã biến mất, thay vào đó là con đường khang trang với những cột điện vững chắc.
Cặp ảnh này nói lên nhiều điều. Bức ảnh được chụp ngày 16/3/2011 cho thấy một chiếc tàu cá bị sóng thần đánh văng lên một con đường tại thành phố Kesennuma ở tỉnh Miyagi. Ngày 14/1/2012, con tàu mắc cạn đã được dọn đi, trả lại sự thông thoáng cho con đường, trong khi những con tàu khác neo đậu yên bình.
Bức ảnh phía trên được ghi lại vào ngày 18/3/2011 cho người xem thấy hình ảnh của một người sống sót sau thảm họa đang đi ngang qua một đống đổ nát và những ngôi nhà bị hư hại. Ngày 14/1/2012, bức ảnh có khung hình giống hệt cho thấy sự hồi sinh của góc phố nhỏ, như thể thảm họa kép chưa từng xảy ra.
Bức ảnh phía trên được chụp vào ngày 14/3/2011 và ghi lại hình ảnh những người dân Nhật đang đi trên con đường đầy bùn đất cũng như mảnh vụn tại thành phố Sendai, Miyagi. Gần một năm sau, vào ngày 13/1/2012, bức ảnh được chụp ở đúng vị trí này chỉ còn cho thấy sự yên ổn.
Một chiếc phi cơ, nhiều xe ôtô và vô số mảnh vỡ hiện lên trong bức ảnh được chụp bên ngoài sân bay Sendai ở Natori, tỉnh Miyagi, vào ngày 13/3/2011. Cũng khung hình như vậy, nhưng điểm nhấn trong bức ảnh được chụp ngày 12/1/2012 là màu trắng của tuyết.
Cơn sóng thần kinh hoàng cuốn theo rất nhiều tàu thuyền vào một khu dân cư ở thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi, và còn làm hư hại rất nhiều ngôi nhà ở đây. Gần một năm sau, vào ngày 14/1/2012, với bức ảnh có góc nhìn giống hệt từ một ngọn đồi trong thành phố, người ta chỉ còn có thể biết từng có sóng thần tràn qua nơi này bởi những khoảng trống, vốn là nơi có những ngôi nhà trước đây.
Một phiên bản của bức tượng Nữ thần Tự do tại thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, được chụp vào ngày 15/3/2011 (trên) và 13/1/2012 (dưới), cho thấy người Nhật đã thu dọn hết những ngổn ngang đổ nát sau thảm họa kép.
Cặp ảnh này cùng được chụp tại một con đường ở thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, vào ngày 15/3/2011 (trên) và (13/1/2012). Cây cột điện gãy đổ đã được thay mới, chiếc thuyền màu đỏ bị sóng đánh dạt vào đã được dọn đi, con đường được kẻ vẽ lại tinh tươm...
Vẫn tại thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, cặp hình ảnh này cho thấy sự thay đổi tại một cây cầu sau gần một năm. Ngày 15/3/2011, xe cộ không thể đi lại trong khi những người dân muốn qua cầu phải trèo qua đống đổ nát. Ngày 13/1/2012, hai làn đường trên cầu đã lưu thông hoàn toàn bình thường.
Bức ảnh phía trên được ghi lại vào ngày 31/3/2011 tại thành phố Otsuchi, tỉnh Iwate, cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của sóng thần. Gần một năm sau, dù chưa thể xây dựng lại những công trình bị phá ở khu vực này, người Nhật cũng đã dọn dẹp tinh tươm, khiến khó có thể nhận ra sóng thần đã tràn qua đây. Điều này thể hiện rõ trong bức ảnh chụp ngày 16/1/2012.
Cặp ảnh này cho thấy một con đường ở thành phố Tagajo, Miyagi. Ngày 13/3/2011. những chiếc xe bị sóng thần cuốn đi vẫn còn mắc lại bên một thân cây lớn. Ngày 12/1/2012, hàng cây trụi lá vẫn còn đứng vững nhưng những dấu vết của sóng thần đã được dọn sạch.
Một cây hoa anh đào nở bung trong bức ảnh được chụp ngày 20/4/2011 tại thành phố Kamaishi, tỉnh Iwate, xung quanh là vô số những mảnh vỡ vụn nát mà sóng thần mang tới. Trong bức ảnh với khung hình giống hệt được ghi lại ngày 16/1/2012, cây hoa anh đào đã không còn, cùng với cả những vết tích của cơn sóng thần kinh hoàng.
Trong bức ảnh được chụp ngày 29/3/2011, cây thông cao 10m ở thành phố Rikuzentakata vẫn đứng vững trong khi nhiều cây cối khác và cả một đoạn đê kè bị sóng thần phá tan. Đó là cây thông duy nhất còn sống sót trong số 70.000 cây được trồng ở bờ biển để bảo vệ thành phố khỏi sự xâm mặn, cát và gió.
Cây thông này vẫn đứng vững trong bức ảnh được chụp ngày 15/1/2012. Tuy nhiên, khung cảnh xung quanh đã đổi khác nhiều. Đoạn đê kè đã được đắp lại, chỉ còn một số mảnh gỗ còn vương vãi, giúp người xem biết rằng sóng thần từng tàn phá nơi này.
Hà Giang (Ảnh: AFP)
Theo VNE