- Người cha rớt nước mắt nhìn đứa con gái út một lòng quyết tâm cưới anh chàng mắc bệnh suy thận mãn tính, lặng lẽ nói: “Bố chia sẻ cái phúc cho người khác, thì sẽ có người mang phúc đến cho gia đình mình”. Thời gian đã minh chứng cho điều ông nói là sự thật. Tình yêu của con gái ông tiếp thêm sức mạnh để chàng trai vượt qua bệnh tật, cảm động hơn, một cô gái khỏe mạnh, hiền thảo đã đem lòng yêu thương, bỏ qua lời đàm tiếu, dị nghị để chăm sóc con trai ông đang chạy thận nhân tạo đến cuối cuộc đời.
Mối tình đẹp giữa chị Nguyệt và anh Quỳnh- bệnh nhân suy thận mãn tính
Cách đây hơn chục năm, gia đình ông Mai Hồng Mã (Ba Vì, Hà Nội) đã phải làm cư dân suốt đời của khu xóm chạy thận (ngõ 121, phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Người vợ của ông suốt đời lam lũ, mệt nhoài với vài sào ruộng để nhen nhóm cho ông một niềm tin và ngọn lửa sống, tiếp thêm nghị lực để ông chống chọi với căn bệnh “nhà giàu” này. Thật trớ trêu, hai con trai ông cũng lần lượt “nhập cư” xóm chạy thận, trong đó, một người đã vội vã ra đi.
Cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu và bất ngờ. Con gái ruột của ông kiếm tìm hạnh phúc với chàng trai chạy thận, tình yêu thương nhân rộng, một người con gái đã yêu và lấy con trai ông - sinh cho ông đứa cháu đích tôn xinh xắn, làm ấm lại khu xóm trọ mà sự sống như những ngọn nến leo lắt giữa cuộc đời.
Sức mạnh của tình yêu
Con ngõ 121 đìu hiu trong cái rét mướt và những hạt mưa lất phất của tiết trời đông Hà Nội. Đón chúng tôi khi trời vừa chạng vạng tối, trong căn phòng rộng chừng 8m2 chỉ đủ kê 1 chiếc giường, một bộ bếp ga và một chiếc bàn để tivi cạnh giường ngủ.
Cô con gái nhỏ có đôi mắt tròn xoe, đen láy khoanh tay lễ phép chào, chị Nguyệt bảo, chỉ cần trời chuyển lạnh là cháu đã ốm rồi. Hôm nay, chị vừa đi lấy thuốc cho cháu, vừa dỗ cháu ăn nốt bát cơm để uống thuốc.
Trần Quỳnh Anh năm nay đã 4 tuổi, là kết quả của mối tình đẹp như trong truyện cổ tích của chị Mai Thị Như Nguyệt – con gái út ông Mã và anh Trần Công Quỳnh – bệnh nhân suy thận mãn tính đang chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Bạch Mai.
Ở nhà, mọi người gọi Quỳnh Anh là “Dóm”. Dóm đã quen với mùi kháng sinh, nhớ lịch đến bệnh viện chạy thận của bố mỗi tuần và những đêm mẹ hốt hoảng bế em ra tận viện khi hơn nửa đêm chưa thấy bố từ viện về… Dóm đã biết “để dành” đồ ngon cho bố, đi học luôn được phiếu bé ngoan. Anh Quỳnh bảo, cô công chúa bé bỏng là niềm động viên, sức mạnh để anh vượt qua nỗi đau bệnh tật và cố gắng làm việc.
Anh Quỳnh đi xe ôm ở đầu đường Trương Định, hôm nào khỏe, anh mới đi làm, những hôm mệt người, anh nghỉ hẳn ở nhà dưỡng sức. Mỗi tuần đều đặn các ngày chẵn, anh phải chạy thận nhân tạo ở bệnh viện.
Tất cả mọi lo toan trong gia đình, từ tiền học cho con, phí sinh hoạt, thuê nhà, chữa bệnh, thuốc bổ cho chồng… đều đặt lên vai người vợ bé nhỏ. Thế nhưng, chị vẫn mỉm cười, bởi với chị, cuộc sống có khó khăn nhưng chị còn may mắn hơn nhiều người là chị có một hạnh phúc với người chồng hết lòng yêu thương và đứa con gái xinh xắn.
Nói thế thôi chứ mỗi lần anh Quỳnh đi chạy thận là một lần chị Nguyệt như lửa đốt trong lòng. Chị đã trải qua nỗi đau mất đi người anh trai vì huyết áp đột nhiên tăng cao, không kịp cấp cứu trong quá trình chạy thận, chị biết, rất nhiều nguy cơ rình rập và thần chết có thể xuống cướp mất chồng chị bất cứ lúc nào.
Có hôm, đang nửa đêm chưa thấy chồng về, chị hốt hoảng gửi hàng xóm trông con rồi lặn lội cả mưa gió, rét mướt vào viện tìm chồng. Thấy anh dắt xe ra khỏi cổng viện, vẫn còn lành lặn, khỏe mạnh, chị bật khóc nức nở, vừa thương anh vô hạn.
Mọi người bảo, phòng chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai là “bà mối” xe duyên cho hai mối tình của hai đứa con ông Mã. Chuyện tình yêu của Nguyệt và Quỳnh bắt đầu từ căn phòng đó. Bố chạy thận ở giường bên này, còn anh Quỳnh nằm ở giường bên kia.
Người chạy thận lâu năm, cơ thể suy kiệt, có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng Nguyệt chỉ thấy anh nằm một mình đơn độc, chẳng có ai đến chăm sóc. Từ cảm thương, Nguyệt giúp anh những việc vặt như lấy bông, đặt hộ bình chuyền, pha cốc sữa nóng, mua hộ suất cơm… Tâm sự, hiểu hơn hoàn cảnh của Quỳnh, bố mất sớm, mẹ già 82 tuổi, 15 tuổi đã phải đi làm thuê kiếm sống, Nguyệt càng cảm thông sâu sắc hơn.
Ra viện, những ngày chẵn, anh chạy thận, còn ngày lẻ, nỗi nhớ Nguyệt thôi thúc anh vượt đường dài 50km lên Ba Vì thăm cô.
Có hôm trời lạnh như cắt, 5h chiều, anh đã có mặt ở Ba Vì rồi 11h đêm đi về nhà. Ngày anh Quỳnh về xin cưới, mẹ Nguyệt – người đàn bà đã thấu hiểu nỗi đau, vất vả khi phải nuôi chồng và hai đứa con bệnh thận cùng sự mất mát khi một người con trai của bà đã ra đi vĩnh viễn chỉ vì căn bệnh tai quái này đã nhỏ to khuyên con gái đừng “đưa cuộc đời vào rọ khổ”.
Nhưng Nguyệt kiên quyết, cam đoan sẽ hạnh phúc nếu được ở bên cạnh chăm sóc anh ấy. “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bố tôi khóc. Ông bảo, ông chia sẻ cái phúc cho người khác, thì sẽ có người mang phúc đến cho gia đình mình.
Đám cưới tổ chức tại nhà mẫu giáo Tương Mai, đúng hôm anh Quỳnh không phải đi chạy thận. Anh bảo: “Bác sỹ tư vấn, 90% người chạy thận có khả năng có thể sinh con, nên tôi cũng an tâm”.
Hạnh phúc vượt qua nhiều sóng gió, ở đâu đó cũng có những lúc cảm thấy nản lòng, để tụt dốc yêu thương, nhưng anh chị đã cùng nắm tay nhau vượt qua.
Chị Nguyệt hết làm may, dán ni lông, bán nước dạo trong bệnh viện đến việc trợ giúp cho người khuyết tật, thu nhập mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng trang trải cuộc sống, thuốc men cho chồng. Nhiều hôm thấy chồng chạy xe ôm vất vả, có lần còn kiệt sức, ngồi lả ở vỉa hè, Nguyệt xót xa: “Anh mà làm sao thì em biết sống với ai? Em lo được cuộc sống cho gia đình”.
Thời gian mang thai, Nguyệt ốm nghén. Bụng mang dạ chửa, bệnh tình anh Quỳnh diễn biến xấu, thường xuyên phải đi cấp cứu, Nguyệt lại vào viện chăm chồng từng bát cháo, ngụm nước. Bé Dóm sinh non 1 tháng, phải nằm lồng kính 3 ngày khiến hai vợ chồng lo đến phát sốt. Chị bảo, vượt qua bao nhiêu thử thách, khó khăn, chị nghiệm ra rằng, hạnh phúc của chị là chồng chị luôn ở bên cạnh và con gái chị mạnh khỏe, đáng yêu.
Nhân đôi hạnh phúc
Căn phòng trọ nằm ở gác hai, chênh vênh như tổ chim là nơi anh Mai Anh Tuấn và chị Phùng Thị Nghĩa đang ở. Vừa bước vào nhà, tôi bất ngờ bởi trong căn phòng nhỏ tầm 10m2 của anh Tuấn, treo rất nhiều câu triết lý Phật giáo. Chị Nghĩa bảo, gia đình chị luôn lấy những lời Phật dạy làm lẽ sống ở đời, thậm chí, chị luôn dạy cho con trai biết sống hướng thiện và quan tâm đến người khác.
Chị Nghĩa bắt đầu câu chuyện bằng câu đùa dí dỏm, anh Tuấn đã cướp trái tim chị bằng 1 ánh mắt, mà đến sau này, nhiều lần bảo anh ấy diễn tả lại, chị cũng không thể tìm lại cảm xúc trong ánh nhìn chớp nhoáng ấy nữa.
Chính ánh mắt da diết, tình cảm của anh đã xoáy vào lòng chị, ám ảnh chị mãi, khiến chị vứt bỏ tất cả, kể cả sự dứt bỏ của gia đình để chấp nhận 1 người chồng sống chung với căn bệnh là “án chung thân treo lù lù trên cổ”.
Chị Nghĩa mồ côi mẹ từ lúc 10 tuổi, là chị cả, chị trở thành bờ vai thay mẹ chăm sóc các em. Có lẽ vì thế, chị chín chắn và nhạy cảm hơn bạn đồng lứa, dễ đồng cảm với những người có số phận trớ trêu. Học hết cấp 3, chị làm công nhân may cho một công ty may ở Hà Nội.
Thấy anh bị bệnh, chị vào chăm sóc, thăm nom rồi nảy nở tình yêu chỉ từ một ánh mắt. Chị cười đùa, có khi là tình yêu sét đánh thật. Nhưng từ khi biết chị yêu anh, gia đình chị phản đối gay gắt. Bố chị lớn tiếng: “Hết người lành lặn, khỏe mạnh rồi hả con”, chị vẫn kiên quyết: “Con đã đồng ý lấy anh ấy thì kể cả đi ăn xin nuôi nhau con cũng cũng lấy”.
Không khuyên được con, ông bố quyết định từ con: “Sướng khổ tự chịu, đừng về nhà mà kêu than”. Hôm đám cưới, chị gạt nước mắt thắp cho mẹ một nén hương, rồi lặng lẽ xách túi rời khởi căn nhà yêu thương để về nhà chồng. Đám cưới diễn ra đơn giản, không có rước dâu, không có ai bên họ nhà gái, chị khoác trên mình chiếc áo dài trắng giản dị ra mắt họ nhà trai.
Nhưng chị biết, chị tủi thân 1 thì anh tủi thân 10, bởi tự trọng trong anh lớn, anh đã mặc cảm bệnh tật, nhà gái không cho cưới, chị cần mạnh mẽ làm chỗ dựa cho người đàn ông cần bàn tay chị cầm nắm, chia sẻ.
Ông bà Mã cảm động trước tình yêu và lòng hi sinh của cô gái cho con trai bệnh tật, nhưng vẫn lặng lẽ để cô suy nghĩ chín chắn. Mãi sau cứ thấy đôi lứa quấn quýt như hình bóng, ông bà mới tổ chức đám cưới cho con.
Ông Mã thương con dâu, hỏi: “Cuộc sống sau này sẽ vất vả, cha mẹ chỉ có thể cho con được tình nghĩa và một chút quà nhỏ, con chọn thứ nào?”. Chị ứa nước mắt cảm động, chỉ xin một chiếc nhẫn đơn sơ làm kỷ niệm đám cưới.
Năm 2003, chị sinh cháu đầu lòng, đặt tên là Mai Chiến Thắng. Anh Tuấn cười, cái tên là niềm tin để anh chiến thắng bệnh tật, nhưng cũng để cháu hiểu phải vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Vừa tròn 1 tuổi, Chiến Thắng bị bỏng nước sôi độ 3, tưởng không thể qua khỏi.
Chữa bỏng cho con, chạy thận cho chồng, tất cả đổ hết lên vai chị Nghĩa. Cuộc sống khó khăn, vất vả, nhưng niềm tin sống vào đứa con thôi thúc hai người khốn khổ cố gắng vươn lên.
Cháu Chiến Thắng kháu khỉnh, ngoan ngoãn, hiện đang là học sinh lớp 4 trường tiểu học Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), năm nào cũng được nhận danh hiệu học sinh xuất sắc của trường. Chiến Thắng cũng háo hức theo mẹ đi làm từ thiện.
Chị Nghĩa đưa con tham gia ngày hội Hoa hướng dương vì trẻ em ung thư, ngày hội TerryFox vì trẻ em bệnh tim…, rồi mua cho Chiến Thắng 1 con lợn đất để cháu tiết kiệm tiền ủng hộ các bạn bệnh tim.
Từ hôm có lợn đất, Chiến Thắng chạy khắp xóm bảo mọi người quyên tiền cho các bạn mắc bệnh, có được đồng nào cũng trích vào, còn lên lớp bảo các bạn nữa. “Tôi dạy cháu cách biết yêu thương, quan tâm đến mọi người, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ” – chị Nghĩa nhẹ nhàng.
Chia tay xóm chạy thận, tôi chợt nhớ câu triết lý trong “Mùa lạc” của Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ, hi sinh”. Tình yêu luôn tồn tại, kể cả khi người ta đến tận con đường cùng.
Dường như có một sức mạnh vẫn luôn tồn tại làm động lực để thắp lên ngọn lửa cho những những mảnh đời được ví như ngọn nến lắt lay trước gió, là tình yêu, sự chia sẻ. Đâu đó, những mầm non đang nhú, gió xuân đang về báo hiệu một khởi đầu mới…
Với những bệnh nhân chạy thận, những ngày Tết với họ là chuỗi ngày “đáng lo ngại”, bởi nếu kỳ nghỉ quá dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh.
Với gia đình chị Nguyệt, chị Nghĩa hay những cư dân ở xóm chạy thận này, Tết là những ngày xa xỉ: không mua sắm những đồ dùng mới, không có những bữa tiệc với thịt bánh đầy mâm, rượu bia bù khú.
29 Tết, sau ca chạy thận cuối cùng của năm cũ, họ dắt díu nhau về quê đón Tết, để sáng mồng 2 Tết, họ đã phải có mặt ở Hà Nội để tiếp tục hành trình tìm lấy sự sống cho mình.
Anh Tuấn thở dài: “Tết với chúng tôi là những bữa cơm trắng với chút rau xanh, bởi nếu ăn nhiều chất, mà không được lọc kịp thì người rất mệt.
Có năm tôi phải nằm nhập viện gấp bởi vì không kịp lọc máu, có đến 4 kg nước trong người, nghỉ 4 – 5 ngày không dám uống nước rất khổ sở”.
Văn Quỳnh
theo PNTD