Theo kế hoạch, ngay khi đặt chân đến TP Hà Giang chiều tối ngày hôm đó, chúng tôi sẽ đi tiếp đến xã Sơn Vỹ, huyện Mèo Vạc, nơi có những đứa trẻ chỉ sống bằng 3.000đ mỗi ngày ở một ngôi trường nội trú.
Những người dân này đang di chuyển đá chặn ngang đường cho xe qua.
Nhưng quãng đường 150km cheo leo phía trước khiến những người bạn Hà Giang nằng nặc yêu cầu chúng tôi phải nghỉ lại thành phố và sẽ "điều" hai lái xe chuyên bám những cung đường rừng núi hiểm trở để thay lái vào sáng hôm sau…
Xa nhất, nghèo nhất
5h sáng. Hai chiến sĩ công an có mặt để làm nhiệm vụ "thay lái" trên đoạn đường 150km phía trước. Chúng tôi chào nhau bằng những cái bắt tay rất chặt trong khi vẫn chưa nhìn rõ mặt nhau bởi sương mù còn giăng kín phố núi. Hai xe ô tô chở đầy hàng gồm quần áo, thực phẩm - quà của bạn đọc Báo KH&ĐS chuyển đến trường nội trú Sơn Vĩ - bắt đầu lăn bánh rời khỏi TP Hà Giang.
Tuyến - tên người lái xe mới giương "đôi mục kỉnh" có gọng đen to tướng lên để nhìn đường cho rõ và bảo với tôi rằng, Sơn Vĩ là xã xa nhất của huyện Mèo Vạc, bản thân anh đi vùng cao nhiều nhưng cũng chưa bao giờ đến Sơn Vĩ. Chiếc kính "lão" và lời "tự thú" chưa từng đến Sơn Vĩ của Tuyến khiến chúng tôi "lấm lét" nhìn nhau, nghĩ đến lý do phải đổi lái.
Nhưng chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi đã nhận ra "khả năng đặc biệt" của Tuyến trên con đường nhỏ hẹp, quanh co, khuất nẻo bởi những khúc cua tay áo, đổ dốc ngoằn ngoèo, điển hình của những cung đường bám vào sườn núi Tây Bắc với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Chúng tôi ngồi trong xe, vì "lịch sự" nên ai cũng cố lên gân lên cốt để khỏi xiêu vẹo, đổ ngang đổ ngửa vào nhau. Nhưng chỉ được khoảng một phần ba quãng đường, tất cả chùng xuống vì mỏi mệt, vì những rung lắc như "lên đồng". Mặc dù đã có lời "tự thú" là chưa từng đến Sơn Vĩ nhưng cái cách Tuyến "đổ" đèo dốc như thuộc từng hòn đá gồ ghề, lỉa chỉa, ngáng trở hai bên đường khiến chúng tôi không khỏi thán phục.
"Chỉ ăn mèn mén, con đói lắm"
Giữa trưa, chúng tôi đến trung tâm huyện Mèo Vạc. Phó trưởng Công an huyện Mèo Vạc Sùng Mí Và khi biết chúng tôi định vào Sơn Vĩ đã nói rất chân tình: "Đường vào Sơn Vĩ khó khăn, vất vả, Mèo Vạc còn có nhiều xã nghèo, nếu các anh chị đã mệt thì có thể chọn một xã gần trung tâm huyện, dễ đi hơn". Chúng tôi nhìn nhau, lòng đã quyết đến Sơn Vĩ, khó mấy cũng đi.
Vậy là đích thân phó trưởng Công an huyện Mèo Vạc làm hoa tiêu dẫn đường đưa chúng tôi vào Sơn Vĩ. Trên đường đi, nhiều lần chúng tôi phải dừng xe chờ đợi bởi những người dân địa phương đang tìm cách di chuyển đá lăn từ trên núi xuống chặn ngang đường. Những người này cho biết, đá lở, lăn từ trên núi xuống là chuyện hết sức bình thường ở đây. Thế nên khi hát về Mèo Vạc, chẳng có bất cứ gì ngoài "đặc sản": "... rừng đá trập trùng, đá trước, đá sau".
Chuyển quà của bạn đọc Báo KH&ĐS đến trường dân tộc nội trú Sơn Vĩ.
50km với gần 4h đồng hồ "vật vã" trên xe ô tô, chúng tôi cũng vào được đến Sơn Vĩ. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân xuống trung tâm xã là sự vắng vẻ, quạnh quẽ, nhỏ bé và lụp xụp.
Chúng tôi được đưa đến trường Tiểu học Nội trú Sơn Vĩ. Gọi là trường nhưng thực chất chỉ có hai dãy nhà lợp ngói gồm 6 gian phòng, nền đất ẩm thấp và tối như hũ nút. Đến 1 gian phòng nằm ở cuối dãy, trước cửa giăng đầy quần áo học sinh, cô giáo Đặng Thị Lợi, hiệu trưởng trường Tiểu học Nội trú Sơn Vĩ cho biết, cô sống và làm việc ngay tại gian phòng này. Nó cũng được trưng dụng làm phòng khách khi cần thiết.
Mặc dù đơn sơ, tồi tàn nhưng đây là điểm trường chính nên cơ sở vật chất được cho là tốt hơn nhiều lần so với những điểm trường khác. Cô Lợi cho biết, còn có 42 lớp nằm rải rác ở 19 điểm trường khác nhau. Trong đó, chỉ có 5 điểm đã được xây cấp 4, còn lại các em vẫn phải học trong điều kiện nhà tạm. Một số điểm trường tạm như ở Trù Sán, Xéo Hồ, Mé Lầu... chỉ dựng chơ vơ trên nền đất lạnh, tường được trình bằng đất, hoặc vách gỗ, vách tre. Các em thậm chí không có bàn ghế phải ngồi học ngay trên nền đất lạnh.
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, cảnh vật hai bên đường với dòng suối xanh ngắt quanh co chảy qua những vách núi dựng đứng, lướt nhanh bên ngoài cửa kính xe ô tô. Tôi còn nghe vang vọng tiếng hát vui nhộn của Hướng - anh bạn "thay lái" trên chiếc xe chở những đồng nghiệp của tôi: "Tôi về thăm Mèo Vạc một chiều đông, huyện xa xôi đứng đầu nơi biên cương, gió lạnh buồn mênh mang núi đá tai mèo, rừng đá trập trùng, đá trước, đá sau, rừng núi đá nuôi bao người khôn lớn, sống trên đá chết nằm trong đá, vẫn anh hùng vượt khó đi lên…".
Mỗi học sinh đến lớp đều hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng với mức rất thấp. Các học sinh từ lớp 3 trở lên, được hỗ trợ 166.000đ/tháng/cháu. Còn lớp bé hơn thì chỉ những học sinh trong diện nghèo mới được 83.000đ/tháng. Theo đó, chi phí ăn ở, sinh hoạt cho mỗi cháu là khoảng 3.000 - 4.000đ/ngày. Số tiền này cơm còn chẳng đủ ăn, đừng nói gì đến thịt hay cá.
Nhưng những đứa trẻ này vẫn muốn đi học để được ăn cơm, ở nhà làm nhiều mà chỉ có mèn mén (ngô xát nhỏ rồi đem đồ lên) để ăn nên rất đói.
Trên đỉnh Mã Pí Lèng
Những đứa trẻ ở Mã Pí Lèng chỉ mặc độc một chiếc áo mỏng manh, cộc cỡn, thủng lỗ chỗ, không mặc quần hoặc mặc quần thủng đít, chạy le te, ngơ ngác khi thấy xe ô tô qua. Nhiều đứa đứng ở hai bên đường vẫy tay chào khách rất lịch sự. Chúng tôi cũng giơ tay vẫy lại.
Trong tích tắc, cả bọn ùa ra, chạy theo xe. Chúng léo nhéo đòi kẹo, xin tiền. Từ xa, có những đứa chạy ra giữa đường, bám quanh đầu xe. Tôi hỏi một đứa lớn nhất trong số đó: "Làm thế này nguy hiểm lắm, con biết không?". Nó lại trả lời tôi một câu chẳng ăn nhập gì, kiểu "cho kẹo đi, đừng nhiều lời", nó nói: "Cho kẹo đi, không có kẹo thì cho tiền đi". Suốt dọc đường đi Mã Pí Lèng, Lũng Cú, những đứa trẻ đứng hai bên đường vẫy tay chào khách nhiều vô kể và chắc chắn cũng có không ít nguy hiểm mà chúng không lường trước được.
Mấy chục cây số đường núi mất thời gian hơn chúng tôi tưởng rất nhiều. Bụng đói meo nhưng bói không ra một hàng quán nào để dừng chân. Thấy vài vách nhà trình tường dựng gần đường, chúng tôi ghé lại hỏi thăm xem có thể mua gì ăn cho đỡ đói lòng. Những người chủ nhà rộng lượng, cười tươi, khệ nệ bưng ra cái nồi nóng hổi "ăn đi, không lấy tiền".
Cả đoàn chúng tôi "mừng như bắt được vàng" xì xụp ngồi bên nhau, mở vung, chao ôi, lại "mèn mén". Thật là không có gì khác ngoài "mèn mén"! Đắng lòng nghe chủ nhà bảo: "Mèn mén vừa nấu xong, nấu một lần thôi, ăn được mấy ngày”.
( theo BeeNet )