Nằm cách thủ đô Hà Nội chừng 50 km là một thiên đường dành cho những người đã về thế giới bên kia với những dịch vụ hết sức mới mẻ.
Cổng Lạc Hồng Viên.
Nghĩa trang Lạc Hồng Viên đã đưa tới cho những khách hàng mua mộ những dịch vụ giống phong cách tại Las Vegas như chọn kích cỡ mộ, kiểu dáng mộ cho họ và người thân. Khoảng 120.000 ngôi mộ sẽ được xây dựng trên sườn đồi bậc thang trong 4 năm tới.
"Vùng đất này có phong thủy tốt" - bà Bùi Mai Phương (53 tuổi), một người tới tham quan nghĩa trang cho hay. Bà đang nghiên cứu đầu tư 500 triệu đồng (24.000 USD), số tiền trung bình mà một người Việt Nam phải dành dụm nửa cuộc đời, cho khoảng 30 mét vuông đất tại nghĩa trang này.
"Chúng tôi muốn chăm sóc thật tốt cho linh hồn cha mẹ", bà Phương nói.
Nhân viên nghĩa trang thắp hương cho những người quá cố khi người nhà của họ đặt hàng. (Ảnh: Nguyễn Na Sơn/AP)
Dịch vụ cúng giỗ online cho các ngôi mộ là một hình thức mới mẻ tại Việt Nam. Những người thân có thể mua những đồ cúng (từ hoa tươi, trứng gà luộc hay rượu quý) chỉ bằng một cú nhấp chuột. Các nhân viên nghĩa trang sẽ mang những món hàng mà khách đặt mua tới những ngôi mộ và gửi lại ảnh hoặc video qua email cho khách.
Nghĩa trang sang trọng này đã làm nổi bật những sự tương phản xuất hiện ngày càng nhiều tại các đất nước Phật giáo. Đó là nơi gặp gỡ giữa truyền thống cổ xưa và văn hóa cuồng mua sắm của một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất châu Á.
Sự tương phản này được thể hiện rõ nét nhất tại thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại lớn nhất phía Nam - thành phố Hồ Chí Minh, nơi giới nhà giàu mới nổi đua nhau mua cả màn hình phẳng, xe xịn nhập khẩu bằng vàng mã để đốt cho người cõi âm trong những dịp lễ, Tết cổ truyền.
Không những thế sự tương phản này còn lan tỏa ra cả vùng nông thôn - nơi trước kia từng là vùng đất yên bình với những ruộng lúa nước và trâu cày - nhưng giờ đã được thay thế bằng những khu nghỉ dưỡng, các khu công nghiệp và câu lạc bộ golf.
Việc cúng giỗ sẽ được chụp ảnh để gửi cho người thân của những người quá cố. (Ảnh: Nguyễn Na Sơn/AP)
Nghĩa trang Lạc Hồng Viên rộng 98 héc-ta, nằm ở phía tây Hà Nội, cách Hòa Bình chừng 50 km, hy vọng sẽ kiếm được khi nhiều người có tâm lý những ngôi mộ đắt đỏ kia sẽ làm tôn vinh địa vị của người nằm bên dưới.
Người Việt Nam tôn vinh tổ tiên bằng cách đốt vàng mã và đặt đồ cúng lên mộ hoặc bàn thờ trong nhà bao gồm thức ăn, tiền âm, rượu, thuốc lá...những thứ được cho là để an ủi tinh thần người đã khuất ở thế giới bên kia. Truyền thống này cũng đồng nghĩa với việc các gia đình thường xuyên tới thăm mộ người thân trước ngày giỗ của họ và vào dịp lễ, Tết.
Xu hướng dịch vụ cúng giỗ online giúp người Việt Nam sống ở bất kỳ đâu trên đất nước thậm chí là cả nước ngoài vẫn giữ được truyền thống chỉ với một chiếc laptop và thẻ Master.
"Dịch vụ này rất tiện lợi" - Tô Hoài Dũng (29 tuổi), kỹ sư xây dựng tại Hà Nội cho biết. Anh đã đặt hoa quả và rượu quê qua mạng để cúng cha mẹ mình. "Dịch vụ này không thể thay thế thờ cúng truyền thống nhưng nó giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn".
Khoảng 120.000 ngôi mộ sẽ được hoàn thành trong 4 năm nữa. (Ảnh: Nguyễn Na Sơn/AP)
Đất ở nghĩa trang Lạc Hồng Viên không hề rẻ chút nào. Với giá 8 triệu đồng (400 USD)/mét vuông, gấp 4 lần đất thổ cư ở vùng quanh đó. Được biết, một gia đình đã bỏ ra 1,5 tỷ đồng (71.500 USD) để mua một lô đất rộng 200 mét vuông, đủ chỗ chôn vài thế hệ bên những thảm cỏ xanh, khóm lan vàng và hàng rào trắng.
Mặc vẻ hào nhoáng của trang web, công việc hoàn thiện nghĩa trang vẫn tiếp tục được diễn ra lặng lẽ. Ông Trần Tuấn Anh, phó giám đốc công ty quản lý nghĩa trang cho biết có khoảng 10.000 chỗ đã được đặt sẵn. Nhưng hiện chỉ có 30 tử thi được đưa tới chôn cất và chỉ một số ít người nhà của họ sử dụng dịch vụ cúng giỗ online.
Sự tiện lợi của việc kéo và nhấp chuột có lẽ đã "hớp hồn" giới trẻ am hiểu về công nghệ tại Việt Nam. Hơn một nửa dân số Việt Nam được sinh sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975 và hơn 1/4 người Việt Nam, tỷ lệ gấp đôi so với các nước châu Á khác, sử dụng Internet, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Những người trẻ này thường dành cả buổi trưa để đọc báo hay chơi điện tử trên máy tính.
Bà Phương, có con sinh năm 90, cho biết bà hiểu tại sao dịch vụ cúng giỗ online lại xuất hiện."Tốt nhất là bọn trẻ nên tới thăm mộ nếu chúng tôi qua đời. Nhưng nếu chúng quá bận thì chúng tôi có thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, chị Nguyễn Lê Hoa (38 tuổi)-nhân viên Bộ Tài chính, người cùng tới tham quan nghĩa trang, cho biết dịch vụ này có thể phù hợp với một số người nhưng gia đình chị thì không chấp nhận được chuyện đó.
Sầm Hoa (Theo AP)