Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định việc Washington cắt giảm ngân sách quốc phòng không ảnh hưởng tới những cam kết về quân sự và kinh tế của Mỹ trong khu vực này.
Obama phát biểu trước quốc hội Australia. Ảnh:
Bloomberg. "Những mối quan tâm lâu dài của chúng tôi trong khu vực đòi hỏi sự hiện diện lâu dài tại đây", Obama phát biểu trước quốc hội Australia hôm nay. "Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, chúng tôi sẽ ở lại nơi này".
Bài phát biểu kéo dài 25 phút tại thủ đô Canberra của Australia được coi là chủ đề chính của chuyến công du 9 ngày tại khu vực. Ông bình luận đây là "một quyết định có chiến lược và có tính toán" nhằm đặt Mỹ vào vị trí có vai trò lâu dài tại khu vực chiếm tới một nửa nền kinh tế thế giới.
Quân sự
Obama cũng đề cập tới mối quan ngại rằng Mỹ không thể đứng ra làm thế đối trọng với Trung Quốc, nước mà tầm ảnh hưởng về quân sự và kinh tế ngày càng gia tăng. "Việc giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ không - tôi nhắc lại, sẽ không - ảnh hưởng tới chi tiêu của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương", Obama nói. "Chúng tôi sẽ phân bổ nguồn lực cần thiết để duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại đây".
Chuyến công du Australia của tổng thống Mỹ trùng với thời điểm một ủy ban đặc biệt của quốc hội nước này chuẩn bị ra quyết định về một kế hoạch nhằm cắt giảm ít nhất 1,5 nghìn tỷ USD thâm hụt ngân sách trong thập kỷ tới. Nếu không thể ban hành kế hoạch cắt giảm trong năm nay, chi tiêu cho năm 2013 sẽ tự động giảm 1,2 nghìn tỷ USD, trong đó có việc giảm 500 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong 10 năm. Lầu Năm Góc trước đó cũng có kế hoạch cắt giảm 450 tỷ USD trong từng ấy năm.
Obama và Thủ tướng Australia Julie Gillard hôm qua thông báo một hiệp định quốc phòng nhằm triển khai binh sĩ Mỹ tới miền bắc Australia bắt đầu từ năm tới. Binh sĩ sẽ triển khai luân phiên 6 tháng một lần, bắt đầu với 250 binh sĩ và cuối cùng số lính triển khai ở đây sẽ lên tới 2.500 người. Hai quốc gia cũng đồng ý hợp tác nhiều hơn giữa Không quân Hoàng gia Australia và Không quân Mỹ.
"Đây là một cách để gửi thông điệp tới các bên ở châu Á rằng 'các vị hãy nhìn xem, nước Mỹ cũng có mặt tại đây và sẽ hỗ trợ các vị khi cần'", Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại tại đại học Temple, Tokyo, nhận xét. "Đây là một phần của toàn bộ tiến trình tăng cường các mối quan hệ nhằm đối trọng với Trung Quốc".
Obama khẳng định không coi nhẹ các cam kết về an ninh cho Hàn Quốc và kiên quyết chống lại những nguy cơ từ Triều Tiên. "Chúng tôi kiên quyết chống lại bất cứ hành động phổ biến vũ khí nào từ phía Triều Tiên", Obama nói. "Việc Triều Tiên chuyển giao công nghệ hạt nhân tới bất kỳ quốc gia hay tổ chức phi quốc gia nào cũng bị coi là nguy cơ nghiêm trọng đối với Mỹ và đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ buộc Triều Tiên chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả của hành vi đó".
Kinh tế
"Châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tôi đạt được ưu tiên hàng đầu: tạo việc làm và cơ hội cho người Mỹ", Obama nói. "Việc phần lớn các cường quốc hạt nhân và một nửa dân số loài người có mặt ở đây, khu vực này sẽ định hình thế kỷ sắp tới, liệu nó sẽ được đánh dấu bởi xung đột hay hợp tác, những khổ đau không cần thiết hay là phát triển con người".
Xuất khẩu của Mỹ năm nay tới Thái Bình dương nhiều hơn tới châu Âu và đã giúp tạo ra 850.000 việc làm cho họ, theo số liệu của Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ. Obama đã đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu Mỹ trong 5 năm tới lên 3,14 nghìn tỷ USD một năm và châu Á là trung tâm của kế hoạch này.
Nhiều nhãn hiệu hàng đầu của Mỹ cũng phụ thuộc vào thị trường châu Á. Chẳng hạn như 74% doanh số hàng năm (14 tỷ USD) của công ty Texas Instruments Inc. là từ châu Á. 67% trong tổng số 58 tỷ USD doanh thu của tập đoàn Intel cũng xuất phát từ khu vực này.
Tại Hội nghị cấp cao APEC ở Hawaii cuối tuần trước, Obama thông báo Mỹ, Australia và 7 quốc gia khác sẽ thành lập một hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP) trong vòng một năm. Đây được coi là hiệp ước lớn nhất của Mỹ kể từ Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ ký năm 1994.
Mỹ khẳng định việc tăng cường hiện diện về quân sự và thương mại ở Australia không có nghĩa là cô lập Trung Quốc và Mỹ luôn tìm cách hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Tuy nhiên, Obama cho rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh và sẽ chỉ trích nước này khi cần thiết.
"Chúng tôi quan tâm tới sự vươn lên một cách hòa bình và thịnh vượng của Trung Quốc", Obama nói. "Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục trao đổi thẳng thắn với Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc tuân theo nguyên tắc quốc tế và tôn trọng nhân quyền của người dân Trung Quốc".
Nhiều lần trong tuần này, tại cả Hawaii và Canberra, Obama liên tục chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề an ninh, thương mại và kinh tế. Ông nói rằng Bắc Kinh cần tuân theo các nguyên tắc quốc tế nếu họ muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong bài phát biểu hôm nay, dù không nhắc tới Trung Quốc, Obama gián tiếp nhắc lại những chỉ trích đó, nhấn mạnh tới chính sách tiền tệ và các vấn đề bản quyền, và rằng các nền kinh tế trong thế kỷ 21 cần tuân theo các nguyên tắc chung.
"Chúng tôi mong các nền kinh tế mở cửa và thông suốt", Obama nói. "Chúng tôi mong thương mại tự do và công bằng. Chúng tôi muốn có một hệ thống kinh tế quốc tế, tại đó, các luật lệ phải rõ ràng và nước nào cũng phải tuân theo".
Biển Đông và an ninh hàng hải
Ông Obama cho rằng sáng kiến về quốc phòng - điều quân tới Australia - sẽ mở đầu cho sự hiện diện của Mỹ tại tây Thái Bình Dương, có thể giúp đảm bảo an ninh tuyến đường giao thương trị giá 5 nghìn tỷ USD và tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ gần Biển Đông.
Khu vực này có một nguồn tài nguyên thiên nhiên tiềm tàng, hỗ trợ tăng trưởng cho châu Á. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dẫn các nghiên cứu của Trung Quốc cho biết Biển Đông có thể có trữ lượng 213 nghìn tỷ thùng dầu. Nhiều nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở đây trong đó Trung Quốc khẳng định "chủ quyền không thể tranh cãi" gần như toàn bộ khu vực này.
Vấn đề Biển Đông sẽ là một phần trong một cuộc thảo luận về an ninh hàng hải tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Bali, Indonesia, chặng dừng chân tiếp theo của chuyến công du. Obama nhấn mạnh rằng ông sẽ là vị tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh trên và rằng cùng với nhau các quốc gia có thể "giải quyết các thách thức chung, như là phổ biến vũ khí và an ninh hàng hải", ở Biển Đông.
Philippines sẽ đề xuất một sáng kiến tại hội nghị nhằm giải quyết tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua cho biết Mỹ sẽ nâng cấp một hiệp ước phòng thủ nhằm hỗ trợ Philippines nhiều hơn.
Tại Bali, Obama cũng gặp thành viên 10 nước ASEAN. Cuối ngày hôm nay, Obama sẽ tới phía bắc thành phố Darwin, nơi bị Nhật tấn công trong Thế chiến II và là biểu tượng của liên minh Mỹ-Australia. Ông sẽ có bài phát biểu tại căn cứ không quân hoàng gia Australia tại đây.
theo Bloomberg