Ghé thăm xóm bãi một buổi chiều cuối tuần, cuộc hành trình ngay giữa lòng thủ đô phải trải qua nhiều thử thách. Qua cánh đồng lau sậy, lối đi vòng vèo khúc khuỷu theo dọc bờ sông, một không gian lý tưởng cho những du khách thủ đô muốn tìm cảm giác thư dãn, nhưng thật không dễ dàng để cho một cuộc mưu sinh.
Nhọc lòng mưu sinh
Chỉ cách trung tâm thủ đô quãng chừng vài trăm mét, xóm nghèo ở bãi giữa sông Hồng - nơi cư trú của gần ba chục hộ dân - là hình ảnh tương phản với sự tấp nập của cuộc sống trên bờ. Xóm bãi giữa sông Hồng còn được người dân nơi đây gọi là xóm Nổi, xóm Bến, bởi mọi sinh hoạt của người dân nơi đây đều gắn liền với sông nước. Một không gian nước mênh mông và khoảng eo hẹp của đôi bờ là điểm trú chân của gần ba chục hộ dân đặt dưới sự quản lý của phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Cuộc mưu sinh vất vả đã đưa những số phận hẩm hiu trôi dạt về nơi bến sông. Ông Nguyễn Văn Trọng - quyền trưởng xóm - cũng đến từ mảnh đất Đại Từ (Thái Nguyên). Cách đây 20 năm, ông phải bỏ làng đi kiếm sống và giờ tạm cư ở đây, đầu ông nay đã hai thứ tóc. Cô Tâm - một người dân trong xóm - cho biết: “Để có ngôi nhà này, người dân phải vào thành phố nhặt nhạnh, xin gỗ thừa, vỏ bao bì ở các công trình xây dựng về dựng, dán lên thành nhà cháu ạ”. Nhà cửa đã vậy, điều kiện sinh hoạt của người dân lại càng cực hơn, nước ăn có khi phải lấy từ sông, nguồn thắp sáng duy nhất của xóm là nhờ những chiếc bình ắcquy nạp điện và phải dùng hết sức tiết kiệm. Theo cô Tâm: “Mỗi lần hết điện phải mang đi nạp, nếu được nạp kỹ thì thắp sáng được một tuần, còn không thì dăm ngày thôi”.
Chuyện về một xóm bãi nghèo tiếp tục được ông Trọng giãi bày chậm rãi. Nói là xóm chài, đất bãi, nhưng người dân nơi đây lại không được quyền sử dụng phần đất bãi để canh tác; đánh bắt thì không đủ tiền để sắm tàu thuyền, thiết bị. Người người dân trong xóm không có nghề nghiệp ổn định, đàn ông thì đi bốc vác thuê trong các chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên; đàn bà thì đi nhặt nhạnh giấy vụn, phế liệu trong thành phố; trẻ con, người già thì vào thành phố, ai thuê gì làm đấy. Dân trong xóm chỉ tự trách số phận mình sao quá hẩm hiu.
Những hy vọng...
Men theo bãi nổi, nhiều ngôi nhà tập trung thành một dải và tạo thành xóm. Nói là xóm, nhưng thực tế cuộc sống của người dân bãi nổi không được chính quyền công nhận. Bà Nguyễn Thị Thanh - từng gắn bó suốt 30 năm nơi đây - cho biết: “Tết năm 2011, lãnh đạo phường mới ra thăm và tặng quà tết cho người dân, song đến nay cũng không thấy ai ra. “Chắc họ cũng quên cái xóm này rồi cháu ạ” - bà Thanh ngậm ngùi. Còn trẻ em sinh ra tại xóm đều không có giấy khai sinh. “Chỉ một số ít trẻ do sinh ở quê nhà nên có giấy khai sinh thôi!” - ông Trọng cho biết.
Song điều mà ông Trọng, bà Thanh cũng như người lớn trong xóm lo lắng nhất chính là sự học cho các em. Cuộc sống ăn lần từng bữa không cho phép người dân mơ về một sự học tử tế nơi thủ đô. Hiện với sự giúp đỡ của các tổ chức thiện nguyện, trẻ con trong xóm được học lớp tình thương tại trường Nguyễn Văn Tố, phường Phúc Xá (quận Ba Đình). Tuy nhiên, cái chữ cho những đứa trẻ xóm nước nghèo chỉ được “gieo” hết lớp bảy, trẻ lại trở về với việc mưu sinh hằng ngày như bới rác nhặt nhạnh, bán vé số, đánh giày... Nhiều đứa trẻ trong xóm cũng ý thức nên rất nỗ lực học tập, được các cô giáo khen. Anh T, có hai con trai thì một bé bị tật nguyền, không thể tự di chuyển. Nhưng thương con, hằng ngày, anh vẫn tranh thủ đưa đón con đi học. “Chỉ thương các con, đời mình đã vậy, nay lại để chúng phải theo mình, khổ lắm” - anh T nghẹn ngào. Nhìn đám trẻ nghèo bi bô bên trang sách, chúng tôi không khỏi xúc động. Rời xóm nghèo mà lòng day dứt khôn nguôi. Liệu bao giờ mới không còn những mảnh đời lầm lũi như vậy, đến bao giờ những đứa trẻ có giấy khai sinh và được đến trường?
Nguyễn Lộc/laodong